Lễ hội Chabun (Lễ hội cúng Nữ thần Mẹ xứ sở) của người Chăm Bàlamôn ở Ninh Thuận
Ngày đăng: 04/01/2021
Lễ hội Chabun là lễ hội cúng Nữ thần quan trọng trong đời sồng tâm linh của người Chăm Ninh Thuận. Lễ hội Chabun, chính là lễ hội đặc trưng của dân tộc có tín ngưỡng thờ mẫu (Mẹ) mà cụ thể là Nữ thần Mẹ xứ sở Pô Inư Nưgar.

Nữ thần Mẹ xứ sở đã thực sự ăn sâu vào tâm trí mọi người Chăm suốt bao thế hệ. Chính vì vậy mỗi năm người Chăm đều tổ chức lễ hội để cúng thần Mẹ mà đại diện là thần Mẹ xứ sở vĩ đại Pô Inư Nưgar. Trong tâm thức người Chăm Mẹ là thiêng liêng Mẹ là tất cả, cho nên mỗi vùng, mỗi nơi, người Chăm đều xây dựng nhiều đền, tháp đẹp để thờ thần Mẹ. Theo phong tục truyền thống của người Chăm Bàlamôn, hằng năm vào Hạ tuần tháng 9 Chăm lịch (năm nay nhằm ngày: 29/12/2020) ở các đền tháp Chăm như: Đền Pô Inư Nưgar Hữu Đức tại thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước; Tháp Pô Klaung Garai tại phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; Tháp Pô Rame tại thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, Ninh Phước... nhưng lễ hội này diễn ra tập trung nhất, qui mô nhất vẫn là lễ ở Đền tháp Pô Inư Nưgar ở Hữu Đức.

Lễ hội nhằm tưởng nhớ các vị Nữ thần và cầu xin các vị thần cho mưa thuận gió hoà, thóc lúa đầy bồ, nhà nhà sung túc… Trong dịp lễ này, ngoài phần thực hiện các nghi lễ dâng cúng thần linh như: lễ rước trang phục, lễ mở cửa đền, tháp lễ tắm tượng, đại lễ (tương tự như lễ hội Katê) thì lễ này còn có tục rước trầm hương, hát ru, múa phồn thực, tục dâng gạo và nhiều nghi lễ cầu xin con cái, cầu sức khỏe cầu lộc, cầu tài, may mắn, mùa màng tốt tươi...Trong lễ cúng Nữ thần Pô Nưgar Hamu Kut ở thôn Bĩnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Ninh Hải còn diễn ra tục hát đối đáp, múa phồn thực. Những bài múa hát phồn thực là những câu ca, điệu múa mang chủ đề về thiên nhiên, đất nước, về tình yêu nam nữ. Tất cả nội dung đều hướng đến một ý niệm phồn thực để cầu xin cho con người, vật nuôi, cây trồng sinh sôi nảy nở; ruộng được mùa, tôm cá đầy khoang... tất cả đều gợi lên một cuộc sống sung mãn, thanh bình, thịnh vượng và êm ả. Chính tục hát đối đáp, múa phồn thực Chăm, cùng với điệu múa quạt truyền thống mang tính tập thể với tiếng trống Ginăng, kèn Saranai...đã tạo nên một ngày hội cúng nữ thần ở các đền tháp Chăm.

Lễ cúng Pô Nưgar được kết thúc bằng vũ điệu múa thiêng của Bà bóng và những người dự lễ cùng tham gia múa mừng tạo nên không khí lễ hội sôi động ở các đền tháp Chăm./.

Một số hình ảnh lễ hội Chabun ở Đền Iư Nưgar:

 

Nguyễn Tường