Hòa hợp trong phát triển đạo và đời
Ngày đăng: 18/10/2021
Thượng tọa Thích Thanh Vượng (áo vàng), người đã tổ chức trồng hơn 2.000 cây xanh, cây bóng mát
Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng với gần 90% số dân sống ở vùng nông thôn, gắn với sản xuất nông nghiệp. Ở vùng đất này, đồng bào các tôn giáo sống thuận hòa, trách nhiệm, đóng góp công sức dựng xây quê hương.

Tuyến đường huyện ÐH78 chạy qua xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ những ngày này như một công trường lớn rộn rã tiếng máy xúc, tiếng xe tải, tiếng cười, nói. Dịp này, khá nhiều đoàn công tác của tỉnh, của các địa phương về tham quan, tìm hiểu và học tập cách làm của cấp ủy, chính quyền nơi đây trong vận động, tuyên truyền người dân tự nguyện hiến đất, hiến ruộng, hiến ao để làm tuyến đường huyện.

Theo Bí thư Ðảng ủy xã Quỳnh Ngọc Phạm Văn Tập, chủ trương vận động hiến đất làm đường liên huyện có sự đồng thuận cao của nhân dân, nhất là bà con Công giáo. Gặp gỡ giáo dân Nguyễn Văn Cường, sinh năm 1950, ở thôn Tân Mỹ, tôi hỏi: "Ông có suy nghĩ thiệt hơn khi hiến hàng trăm mét đất mặt đường trị giá hàng tỷ đồng?". Ông Cường chia sẻ: "Tôi thấy có lợi cho tất cả mọi người, trong đó có tôi. Ðường liên huyện cơ mà, được đầu tư sớm lúc nào, mình được hưởng lúc đó, rồi để lại cho con cháu hưởng, thích quá chứ". Dịp này, linh mục nhà thờ xứ Tân Mỹ Bùi Ðình Nguyện cũng hiến 300 m2 đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp để làm đường phát triển kinh tế - xã hội.

Giáo xứ Thuận Nghiệp, Bách Thuận (Vũ Thư, Thái Bình) nhiều năm không có ma túy và tệ nạn xã hội. Ảnh: Thế Duyệt

Còn ở giáo xứ Thuận Nghiệp, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, Trưởng ban công tác Mặt trận xã Ðỗ Bá Lựu cho biết: Bà con Công giáo bao đời nay đều sống thuận hòa, gắn bó với chính quyền địa phương trong các phong trào thi đua yêu nước. Linh mục Ðinh Khắc Tuyên, Chánh xứ Thuận Nghiệp là người trực tiếp phát động nhiều hoạt động chung tay, hỗ trợ người nghèo trên địa bàn, không phân biệt lương hay giáo. Gần đây, ông đã quyên góp được hơn trăm triệu đồng để xây mới và sửa chữa ba ngôi nhà cho các hộ nghèo ngoài giáo xứ.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, các ngành nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang trên đà phát triển mạnh, vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh luôn được cả xã hội quan tâm, trong đó có sự chung tay của các tôn giáo. Nhằm thay đổi tư duy và hành động trong thực hiện các giải pháp cụ thể ứng phó biến đổi khí hậu, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Trị sự Hội Phật giáo tỉnh, Tòa giám mục Thái Bình và Hội thánh Tin lành đã ký Chương trình phối hợp thực hiện. Trong đó, lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ bảo vệ môi trường thông qua cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" với các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào có đạo. Gắn công tác bảo vệ môi trường với việc công nhận các danh hiệu "Chùa cảnh bốn gương mẫu", "Xứ họ đạo bốn gương mẫu", "Khu phố văn hóa" và "Gia đình văn hóa".

Hiện nay, người có đạo trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã tự nguyện tham gia các mô hình bảo vệ môi trường như: Thành lập Tổ tự quản, các câu lạc bộ là thanh thiếu niên giới trẻ của đạo Công giáo; thanh niên phật tử của đạo Phật đi thu gom rác thải tại các khu vực dân cư, chợ truyền thống… qua đây truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường.

Có dịp đến thăm chùa Quan Âm, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, được trò chuyện với Thượng tọa Thích Thanh Vượng, chúng tôi thật sự khâm phục sự bền bỉ của vị trụ trì. Trong suốt mười mấy năm nay, Thượng tọa Thích Thanh Vượng phát động và tổ chức trồng hơn hai nghìn cây xanh, cây cảnh trong khuôn viên chùa, trên những con đường làng và ở trụ sở một số xã, thị trấn trên địa bàn. Với niềm tin vào lẽ tự nhiên, con người cần phải dung hòa với thiên nhiên, với môi trường sống, vị Thượng tọa đã dành ra một diện tích khá lớn tại ngôi chùa cổ kính để ươm đủ các loại giống cây trồng và trao tặng bất cứ ai có nhu cầu.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình Nguyễn Thế Hiệp cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có ba tôn giáo là đạo Phật, đạo Công giáo và đạo Tin lành, với gần 290 nghìn tín đồ, chiếm khoảng 16% số dân trong tỉnh. Nhìn chung, các tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật; tích cực xây dựng tổ chức giáo hội, hoạt động xã hội, từ thiện nhằm củng cố đức tin, tuyên truyền và phát triển đạo.

 

Theonhandan.vn