Hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn Thành phố mang tên Bác
Ngày đăng: 13/09/2024Ngày 10/9/2024, Tọa đàm với chủ đề “Giải pháp, kinh nghiệm, cách làm trong việc duy trì và nâng cao chất lượng xây dựng, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các cơ sở tôn giáo” đã diễn ra tại quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham dự của đại diện các ban, ngành chức năng và chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo.
Tọa đàm đã khẳng định sự đóng góp tích cực của các cơ sở tôn giáo trong việc lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động văn hóa, giáo dục và cộng đồng, đồng thời, chỉ ra những thách thức trong việc duy trì và nâng cao chất lượng của các không gian văn hóa Hồ Chí Minh, bao gồm sự hạn chế về nguồn lực, nhận thức và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các cơ sở tôn giáo đã chia sẻ về các cách làm sáng tạo trong việc duy trì và phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại cơ sở tôn giáo, thảo luận những vấn đề còn tồn đọng, tập trung vào việc làm thế nào để huy động nguồn lực, nâng cao nhận thức của cộng đồng tôn giáo, sự cần thiết phải xây dựng các kế hoạch dài hạn, có sự hỗ trợ, phối hợp từ các cơ quan để phát triển các không gian văn hóa Hồ Chí Minh một cách bền vững. Lãnh đạo các ban, ngành chức năng cũng khẳng định sự cam kết trong việc hỗ trợ các cơ sở tôn giáo tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đồng thời, khuyến khích các đơn vị áp dụng những kinh nghiệm và cách làm đã được chia sẻ tại tọa đàm để phát triển các sáng kiến mới, phù hợp với điều kiện của từng cơ sở tôn giáo.
Mục sư Trần Thanh Truyện, Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam và Thượng tọa Thích Minh Nhựt, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Phú Nhuận tham gia chủ trì Tọa đàm
Thời gian qua, phong trào xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh do Thành ủy Thành phố phát động đã được các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn sôi nổi hưởng ứng. Toàn Thành phố hiện có khoảng 3.000 thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh, với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã và đang từng bước hiện hữu trong cuộc sống, cụ thể hóa bằng các công trình ở nhiều lĩnh vực, khu vực khác nhau, từ quy mô hộ gia đình đến công cộng, trong các nhà trường, cơ quan, đơn vị, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng,…
Ở huyện Bình Chánh, tịnh thất Liên Nghiêm là cơ sở tôn giáo đầu tiên của xã Quy Đức xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhằm thực hiện tốt phương châm đoàn kết lương - giáo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào tôn giáo, chức sắc tôn giáo thực hiện tốt trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc. Tại đây, tăng, ni, phật tử và người dân có thể chiêm ngưỡng những hình ảnh giới thiệu về cuộc đời, quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm kinh điển của Bác như Di chúc, Hồ Chí Minh toàn tập… cũng được giới thiệu. Sư cô Thích nữ Huệ Bảo, trụ trì tịnh thất Liên Nghiêm chia sẻ: “Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại tịnh thất Liên Nghiêm nhằm góp phần cổ vũ, động viên tăng ni, phật tử trên địa bàn sống “tốt đời, đẹp đạo”. Đây là nơi để mỗi người dân không ngừng học tập, rèn luyện, làm theo lời Bác, trở thành nếp sống, nếp nghĩ, nếp làm trong sinh hoạt hằng ngày”.
Ra mắt không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại tịnh thất Liên Nghiêm, huyện Bình Chánh
Năm 2023, vào dịp sinh nhật Bác, cùng với tịnh thất Liên Nghiêm, chùa Như Lai trở thành những cơ sở tôn giáo đầu tiên của quận Gò Vấp ra mắt không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Tại Quận 5, chùa Thiên Tôn, hội quán Tuệ Thành, tổ đình Cao Đài Phụng Sơn, thánh thất Bàu Sen và một số cơ sở tôn giáo khác đã triển khai “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” phục vụ đồng bào tôn giáo và bà con người Hoa. Bên cạnh đó còn có rất nhiều “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đã được thiết lập tại miếu Quan Đế (huyện Củ Chi), thánh thất Cao Đài xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), đình thần Vĩnh Viễn (Quận 10), miếu Quan Thánh (quận Bình Tân), chùa Long Thành (Quận 12), đình Tân Phước (quận Tân Bình)…
Đến nay, đã có hơn 100 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng của Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Tin Lành, Hồi giáo, hội quán đồng bào Hoa, đình, miếu... trên địa bàn Thành phố hình thành các không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại cơ sở tôn giáo giúp tín đồ, người dân tiếp cận rộng rãi và tìm hiểu sâu sắc hơn về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tình cảm của đồng bào các tôn giáo đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần hình thành nét đẹp riêng có của Thành phố vinh dự được mang tên Người.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại tịnh thất An Hòa, thành phố Thủ Đức
Cùng với những công trình văn hóa tiêu biểu khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, bến cảng Nhà Rồng, Nhà số 5 Châu Văn Liêm - nơi Bác ở trong thời gian 09 tháng trước khi ra đi tìm đường cứu nước, công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường sách Thành phố Hồ Chí Minh… không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các cơ sở tôn giáo đã và đang góp phần để tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm vào từng người dân, trở thành một đặc thù của công dân Thành phố mang tên Bác, thuộc tính văn hóa và động lực phát triển của Thành phố, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã khẳng định “Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho Thành phố phát triển bền vững. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu, nền tảng xã hội cho Thành phố phát triển nhanh và bền vững”.
Hữu Hưng