Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam với công tác y tế phước thiện
Ngày đăng: 17/09/2021
Công việc phân loại thuốc tại Phòng thuốc Nam phước thiện của Giáo hội TĐCSPHVN
Hoạt động y tế, từ thiện xã hội là một chức năng xã hội quan trọng của tôn giáo, gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của mỗi tổ chức tôn giáo.

Hiện nay, có hơn 1.000 cơ sở khám, chữa bệnh đông, tây y; hơn 100 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người già, người khuyết tật, không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, nạn nhân chất độc da cam, người nhiễm HIV,... Những hoạt động của các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã góp phần làm đa dạng việc huy động các nguồn lực xã hội; giảm bớt khó khăn, làm vơi nỗi đau về thể xác và tinh thần cho người được thụ hưởng; chia sẻ gánh nặng với chính quyền địa phương, với Nhà nước và xã hội. Trong các tổ chức tôn giáo đó, có sự góp phần không nhỏ của Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam (TĐCSPHVN).

1. Thực trạng khám, chữa bệnh và chăm sóc người bệnh

Giáo hội TĐCSPHVN do Đức Tông sư Minh Trí khởi đạo từ năm 1934. Đến năm 2007, được Nhà nước công nhận là tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân. Giáo hội đã trải qua 3 lần đại hội đại biểu cấp toàn đạo; có khoảng 1.500.000 chức sắc, chức việc, tín đồ, hội viên phân bố ở 23 tỉnh, thành phố từ Khánh Hòa tới Cà Mau; đã thành lập được 210 phòng thuốc nam phước thiện ở 210 Chi hội (tổ chức tôn giáo trực thuộc), trên 70 vườn thuốc nam, hơn 80 Huấn viên Y khoa, hơn 700 Y sĩ, Lương y, Bác sĩ và khoảng 1.000 nhân viên công quả lo việc sưu tầm cung ứng thuốc. Để các phòng thuốc nam hoạt động hiệu quả và đạt chất lượng tốt, chủ trương của Giáo hội TĐCSPHVN là luôn quan tâm tới việc đào tạo các y, bác sĩ có  trình độ, có tâm đạo và một lòng phụng sự đạo.. Trụ sở của Ban Trị sự Trung ương TĐCSPHVN đặt tại Tổ đình Hưng Minh Tự, số 45 Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6, TP. Hồ Chí Minh.

Từ ngày thành lập đạo cho đến nay, hoạt động của Giáo hội TĐCSPHVN chủ yếu thông qua hệ thống các phòng thuốc nam phước thiện, đây là hoạt động quan trọng nhất và cũng là hoạt động từ thiện xã hội “xương sống” của tôn giáo này. Trong khi tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, hệ thống phòng thuốc nam phước thiện của Giáo hội TĐCSPHVN đã góp phần chia sẻ gánh nặng về khám chữa bệnh cho xã hội và Nhà nước. Với tôn chỉ “Phước huệ song tu”, trong đó “tu phước” chủ yếu là dùng y đạo (nam dược) để chữa bệnh cho người, là kết quả của điều lành, những việc phước thiện, giúp đỡ người đời bớt khổ, thêm vui theo đúng hướng chủ nghĩa từ bi của đức Phật, mục đích là “đưa con người trở về gốc lành của bản tánh, góp phần phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam”. Bên cạnh đó, phương tiện “tu phước” chủ yếu là các phòng thuốc nam phước thiện cùng với nơi thờ tự và tu học.

Hơn 87 năm nay, Giáo hội TĐCSPHVN thực hành y đạo hỗ trợ tích cực cho ngành y tế trong việc khám, chữa trị và chăm sóc người bệnh. Phòng chẩn trị Nam y tại các Chi hội cơ bản khang trang, bảo đảm vệ sinh và các điều kiện khác theo quy định của Bộ Y tế về cơ sở khám chữa bệnh. Tại các phòng thuốc Nam đều bố trí phòng khám, phòng kê đơn bốc thuốc, châm cứu, phòng điều trị các bệnh thông thường. Mỗi phòng đều bố trí các y, bác sĩ có đủ điều kiện về bằng cấp và kinh nghiệm thực hành. Bên cạnh việc khám bệnh, đa số các phòng thuốc Nam của Giáo hội TĐCSPHVN còn có phòng châm cứu, điều trị bệnh nhân bị các chứng tê bại, đau nhức, mất ngủ, thần kinh… Các cư sĩ trợ y thành thạo điện châm khơi thông kinh lạc, điều hòa âm dương cơ thể bệnh nhân, phục hồi sức lực. Theo Giảng sư Nguyễn Văn Tuy, Chánh Hội trưởng Ban Trị sự Trung ương cho biết, mỗi ngày tại các phòng khám phục vụ hàng trăm bệnh nhân, cấp phát hàng ngàn thang thuốc nam và tất cả việc khám bệnh, châm cứu, cấp phát thuốc đều hoàn toàn miễn phí.

Hoạt động của cư sĩ tại chùa, đều trên tinh thần tự nguyện phục vụ bệnh nhân và không có lương. Đội ngũ cư sĩ lương y có “trí” (kiến thức nam y), có “huệ” (lòng nhân ái), tận tâm chữa trị cho người bệnh. Cư sĩ của Giáo hội TĐCSPHVN thoát ly gia đình, ăn ở trong chùa, hạn chế tiếp xúc thân nhân, bạn bè. Họ không “thí phát” (cạo đầu) nhưng mặc đồ tu hành màu xám sáng, ăn chay trường và giữ giới luật đi đứng, nói năng, giao tiếp, thể hiện người có đạo đức. Các cư sĩ thường xuyên họp kiểm điểm khắc phục khuyết điểm, hướng tới ngày càng hoàn thiện bản thân hơn. Dù làm việc không có thù lao, chỉ được nhà chùa bố trí chỗ ở khiêm tốn, nuôi ăn chay trường đạm bạc song ai nấy đều vui vẻ, thể hiện tâm niệm dùng y đạo thực hiện chủ nghĩa từ bi, bác ái của đức Phật.

Nguồn dược liệu cho các phòng thuốc Nam khá phong phú, đa dạng như: thu hoạch từ các vườn thuốc sẵn có của Giáo hội, thu hái trong tự nhiên, từ nhiều nhà hảo tâm bên ngoài chùa,…. Hằng ngày, nhiều phụ nữ lớn tuổi làm công quả sơ chế dược thảo. Họ chỉ được nhà chùa đãi cơm chay song vẫn vui vẻ tự nguyện làm công đức. Các vị thuốc như đỗ trọng, mướp gai, ráng bay, râu mèo, nhãn lồng, sài hồ, huyết rồng, chùm gửi, cỏ hôi, mắc cỡ, rau má, rễ tranh, nhàu ta, thảo nam… phơi khắp các sân chùa và tại các nhà có mái che. Kho thuốc được bố trí tại những nơi thoáng mát, có diện tích rộng đủ điều kiện bảo đảm thuốc không bị ẩm, mốc; mỗi kho thuốc đều treo bảng nội dung đề cao việc bảo quản thuốc, các bao thuốc được xếp ngăn nắp, có thứ tự từng loại thuốc và trên mỗi bao (thùng) thuốc đều dán nhãn tên từng vị thuốc. Một số Phòng thuốc có xe tải chuyên dụng chở dược thảo phân phối cho một số phòng chẩn trị nam y của Giáo hội ở các địa phương khác. Chức sắc, chức việc, tín đồ dày công đức cho phòng chẩn trị nam y, kẻ góp của, người làm công quả góp phần duy trì hoạt động phòng chẩn trị nam y hảo thí. Họ theo lời nhà Phật làm việc thiện nguyện góp phần cứu độ chúng sinh.

Vào các buổi sáng hàng tuần (từ thứ 2 đến thứ 7), bệnh nhân đăng ký khám bệnh ngồi chờ rồi chờ gọi tên mời vào phòng chẩn bệnh. Các cư sĩ lương y lớn tuổi ân cần thăm hỏi triệu chứng, bắt mạch tay bệnh nhân và chẩn bệnh. Cư sĩ, lương y kê toa gồm các vị thuốc Nam giữ vai trị quân - thần - tá - sứ là mũi chủ công cùng ba mũi giáp công trị căn bệnh. Sau đó, bệnh nhân được cư sĩ mời sang dược phòng nhận những thang thuốc nam chữa trị căn bệnh trong vài ngày. Bệnh nhân mang thuốc nam về nhà sắc uống, nếu chưa hết bệnh thì trở lại tái khám, được điều trị tới khi dứt hẳn. Theo ông Nguyễn Văn Tuy, thuốc nam không trị chứng (triệu chứng) của bệnh mà chủ trị căn (nguồn gốc) phát ra bệnh. Bệnh nhân dùng thuốc nam nguồn gốc dược thảo thiên nhiên không bị phản ứng phụ như uống thuốc tây có thành phần hóa chất.

Có thể nói, các phòng thuốc nam phước thiện của Giáo hội TĐCSPHVN nói chung và Hưng Minh tự nói riêng ngày càng được bà con tin trưởng hơn. Thực tế cho thấy “hoạt động thuốc nam của Giáo hội TĐCSPHVN bắt nguồn từ quan niệm: tu hành chân chính, muốn thành chánh quả phải có Phước túc – Huệ túc, phải tịnh đủ tam nghiệp, ý tu, ý hành thì ý tịnh; khẩu tu khẩu hành thì khẩu tịnh; thân tu thân hành thì thân tịnh. Con người có hai phần quan trọng như nhau là Tâm và Thân, cho nên đối với người bệnh, trước hết không phải đem Phật pháp đến với họ, mà phải đem đến cho họ những phương thuốc thần diệu của một nền y đạo thật sự để xoa bớt nỗi đau thể xác, loại trừ căn bệnh rồi dần dần hướng họ tu hành theo Phật pháp”

Để có đội ngũ Y sĩ, y sinh kế thừa và phát huy nền Y học cổ truyền của dân tộc nói chung, Giáo hội TĐCSPHVN đã chủ động tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho những người còn trẻ, có đủ điều kiện, có nhiệt tâm, có tinh thần vì Giáo hội TĐCSPHVN, vì lợi ích thiết thực cho sức khỏe cộng đồng; tham gia học các khóa Y sĩ Y học Cổ truyền, lương y kế thừa, chuẩn hóa lương y do Bộ Y tế sát hạch, Bác sĩ đông y…; hằng năm đều có tổ chức thảo luận y tế cho các lương y nhằm nâng cao tay nghề, tạo niềm tin cho bệnh nhân, từ việc khám chữa bệnh trên tinh thần thiện nguyện lấy y đức của người thầy thuốc làm căn bản, các lương y đóng góp công sức phục vụ bệnh nhân nhiệt tình, tự giác, tự nguyện của nhà Phật. Không chỉ khám và điều trị, các phòng thuốc Nam còn có một kho thuốc nam với đủ loại dược liệu. Hằng ngày, sau khi kết thúc buổi thăm khám, các cư sĩ và thầy thuốc lại cùng nhau phân loại rồi chế biến thuốc. Mọi thứ được thực hiện theo đúng quy trình nhằm đảm bảo chất lượng khi đến với người dùng.

Theo số liệu báo cáo của Ban y tế phước thiện, Ban Trị sự Trung ương TĐCSPHVN, mỗi năm Giáo hội Tịnh hội cư sĩ Phật hội Việt Nam cấp thuốc cho khoảng 4 triệu bệnh nhân, châm cứu cho hơn một triệu người, trị chứng đau mắt cho hàng chục ngàn người. Tổng chi phí khám, bốc thuốc và điều trị khoảng 25 tỷ đồng. Trong nhiệm kỳ II (2014-2019) vừa qua đã thực hiện việc khám, chữa bệnh cho tổng số 21.882.763 người, số thuốc phát ra là 74.304.143 thang; thuốc viên, thuốc tán là 75.007kg; ngoài ra còn tham gia hoạt động cứu trợ xã hội khác được 50.569.339.000đ. Với số thuốc kể trên, tạm quy thành tiền trong nhiệm kỳ qua, Giáo hội Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam đã đóng góp cho công tác an sinh, xã hội tương đương số tiền là hơn 867 tỷ đồng.

2. Thuận lợi, khó khăn

2.1. Thuận lợi:

- Về cơ sở pháp lý, hiện nay đã có một số quy định của pháp luật có liên quan đến công tác từ thiện xã hội: Quyết định số 2166/QĐ/TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Kế hoạch về phát triển y dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020”; Chỉ thị số 24/CT/TW ngày 04 tháng 07 năm 2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về  “Phát triển nền Đông y Việt Nam trong tình hình mới; Nghị định số 109/2016/NĐ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh; Thông tư số 27/2017/TT-BYT, ngày 28/6/2017 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn và sử dụng xe ô tô cứu thương; Luật khám bệnh, chữa bệnh,…

- Giáo hội TĐCSPHVN đã tạo dựng được nền tảng y học cổ truyền vững vàng đáp ứng được yêu cầu chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh và đạo đức nghề nghiệp.

- Nguồn dược liệu cung ứng cho hoạt động của các phòng thuốc Nam phong phú, đa dạng về chủng loại.

- Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bằng thuốc Nam của Giáo hội TĐCSPHVN luôn được quần chúng nhân dân ủng hộ và tài trợ, được chính quyền các địa phương tạo điều kiện hoạt động.

2.2. Khó khăn:

- Cơ sở vật chất tại phòng thuốc Nam của Giáo hội TĐCSPHVN đa số đã cũ, lạc hậu, chưa đáp ứng hết nhu cầu khám, chữa bệnh. Diện tích cơ sở lưu trú cho những bệnh nhân còn hạn chế: như hẹp, thiếu cơ sở vật chất và người chăm sóc,…

- Lòng tin của bệnh nhân về phương pháp điều trị bằng thuốc nam ngày càng đông, nhưng trình độ của nhân viên phòng thuốc còn hạn chế nên việc khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được đúng nhu cầu của bệnh nhân. Đa số Y sĩ, Y sinh đang làm việc tại các phòng thuốc Nam của Giáo hội là những người lớn tuổi, chủ yếu khám, chữa bệnh theo kinh nghiệm; nhiều người không được đào tạo chuyên sâu về khám, chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân (giáo viên, công nhân, lao động tự do,…).

- Quy trình đào tạo, dạy nghề tại phòng thuốc Nam được thực hiện theo truyền thống của đạo, về cơ bản đảm bảo về trình độ chuyên môn nhưng còn một số chưa tương thích với các quy định của Nhà nước và chưa được công nhận theo quy định của Pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

- Về nuôi trồng, phát triển dược liệu còn nhiều bất cập, chủ yếu là tự phát, chưa có kế hoạch dài hạn và quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh. Dược liệu sử dụng chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên, nên chất lượng, giá cả thường xuyên bị biến động và nguồn dược liệu bị thiếu hụt. Dạng thuốc còn thô sơ, chậm được cải tiến, hiện đại hoá, sử dụng chưa thuận tiện, hạn sử dụng ngắn ảnh hưởng đến chất lượng điều trị,…

3. Một số giải pháp hỗ trợ phát triển ngành Y dược cổ truyền nói chung và hoạt động Y tế phước thiện của Giáo hội TĐCSPHVN nói riêng.

- Nhà nước bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu và có chế độ khuyến khích các lương y cống hiến những bài thuốc hay, cây thuốc quý và những kinh nghiệm phòng và chữa bệnh bằng Y dược cổ truyền; có chính sách ưu đãi, khuyến khích việc nghiên cứu kế thừa, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu kết hợp Y dược cổ truyền với Y học hiện đại.

- Ban hành chính sách ưu đãi, bảo trợ việc nuôi trồng dược liệu, sản xuất thuốc Y dược cổ truyền và chính sách khai thác tự nhiên hợp lý bảo đảm lưu giữ, tái sinh và phát triển nguồn gen dược liệu.

- Khuyến khích việc tổ chức khám chữa bệnh, sản xuất, sử dụng và xuất khẩu thuốc Y dược cổ truyền; nhập khẩu giống cây thuốc tạo nguồn dược liệu.

- Xã hội hoá, đa dạng hoá các hoạt động Y dược cổ truyền, huy động các nguồn lực nhằm kế thừa, bảo tồn và phát triển nền Y dược cổ truyền.

- Chính quyền các tỉnh, thành phố, các Sở Y tế, các tổ chức tôn giáo cần quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa cho các cơ sở khám, chữa bệnh trong việc đào tạo nguồn nhân lực và huy động nguồn nguyên liệu; bảo tồn và phát triển cây thuốc nam, đồng thời tổ chức bào chế dược liệu cơ bản.

- Khuyến khích tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia thành lập các trung tâm khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật… vì mục đích phi lợi nhuận; nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách đặc thù với các cơ sở Y tế phước thiện phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật./.

 

Hồng Điệp