Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia ký kết Chương trình phối hợp vận động hiến tặng mô, tạng cho y học
Ngày đăng: 25/06/2024
Sáng ngày 25/6/2024, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký kết với Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng “cho đi là còn mãi” và khởi động đăng ký hiến mô, tạng tại các cơ sở của Phật giáo trên toàn quốc.

Hoạt động nhằm hưởng ứng lời kêu gọi đăng ký hiến mô, tạng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với thông điệp “cho đi là còn mãi”.

Với sự phát triển của y học hiện đại, việc ghép mô, tạng đã trở thành một phương pháp điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh lý hiểm nghèo. Trải qua hơn 30 năm thực hiện, từ ca ghép thận đầu tiên vào tháng 6/1992, Việt Nam đã thực hiện gần 9.000 ca trên cả nước với sự tham gia của 26 bệnh viện, trung tâm. Hai năm trở lại đây, Việt Nam đứng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, đã thực hiện thành công trên 1.000 ca ghép tạng mỗi năm. Tuy nhiên, con số đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của Nhân dân. Tỷ lệ 94% tạng ghép từ hiến sống là quá cao và tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng từ người chết não ở Việt Nam là rất thấp. Điều này đặt ra thách thức và trách nhiệm lớn lao trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và khuyến khích cộng đồng tham gia hiến tặng mô, tạng.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể tăng ni, phật tử và Nhân dân chung tay góp sức vào phong trào đăng ký hiến mô, tạng

Tại Chương trình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể tăng ni, phật tử và Nhân dân chung tay góp sức vào phong trào đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận người đầy ý nghĩa và cao cả. Hiến mô, tạng cứu người là hành động thể hiện tinh thần từ bi bác ái của Phật giáo, đồng thời là nghĩa cử cao đẹp của dân tộc. Mỗi mô tạng, mỗi bộ phận cơ thể được hiến tặng là nguồn sống quý giá, mang lại cơ hội cho sống cho những bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.

Chương trình phối hợp giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam nhằm tăng cường công tác tuyên truyền tới chức sắc, tăng ni, cộng đồng phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa nhân văn cao đẹp của việc hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người, từ đó, phát tâm tự nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết/chết não, hiến xác khi qua đời, đồng thời đẩy mạnh công tác thành lập các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngay tại Chương trình có 365 phật tử đăng ký hiến mô, tạng cho y học.

Sau lễ ký kết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khởi động việc đăng ký hiến mô, tạng trực tiếp và online tại các cơ sở của Phật giáo trên toàn quốc.

Hữu Hưng