Đồng bào tôn giáo ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thi đua yêu nước
Ngày đăng: 26/12/2024
Đại diện các tổ chức tôn giáo ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký kết giao ước thi đua yêu nước “Sống tốt đời, đẹp đạo” năm 2025
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc miền Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp Đồng Nai, phía Nam là biển Đông, phía Đông giáp Bình Thuận, phía Tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh, là địa phương có tiềm năng kinh tế to lớn, đồng thời cũng là một trong những vị trí chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng của Tổ quốc.

Trên địa bàn tỉnh có 23 dân tộc anh em sinh sống, đông nhất là người Kinh, Hoa, Châu Ro, ngoài ra còn có các dân tộc Tày, Thái, Mường, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Ngái, Mông, Cơ Ho, Bru, Vân Kiều, Lô Lô, Ê Đê, Rơ Mâm, Chăm, Khmer. Các dân tộc ít người sinh sống tập trung, đan xen trong cùng một cộng đồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có gần 600.000 tín đồ các tôn giáo, chiếm 56,47% dân số toàn tỉnh;  trên 650 cơ sở thờ tự tôn giáo; 4 tôn giáo lớn gồm Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Tin Lành. Bên cạnh đó còn có Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh Lý đạo, Minh Sư đạo, Phật giáo Hòa Hảo và Hồi giáo (Islam). Tín ngưỡng nổi bật của vùng đất này là thờ cúng các vị thần Biển, Thành hoàng, các Anh hùng được tôn là thần thánh có công với làng, với nước.

Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân, đoàn kết, gắn bó, hòa nhập với cộng đồng.

Chỉ riêng trong năm 2024, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội với số tiền vận động, đóng góp hơn 130 tỷ đồng; duy trì 23 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo nhận chăm sóc và nuôi dưỡng gần 1.000 đối tượng là trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, và 08 phòng thuốc Nam phước thiện khám, chữa bệnh miễn phí cho gần 159 nghìn lượt bệnh nhân, phát hơn 1,1 triệu thang thuốc, thực hiện châm cứu, xung điện cho hơn 25.000 lượt người… Ngoài ra, 03 bếp ăn tình thương tại 03 bệnh viện trên địa bàn tỉnh do tăng ni, phật tử đảm nhận được duy trì và đã phục vụ cơm, cháo, nước sôi cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nghèo nội trú với tổng kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh huy động hơn 7,6 tỷ đồng thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Cùng với đó, các tổ chức tôn giáo, đồng bào tôn giáo còn xây dựng 43 căn nhà đại đoàn kết.

05 tập thể, 10 cá nhân tôn giáo tiêu biểu nhận Bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thực hiện phong trào thi đua “sống tốt đời, đẹp đạo” năm 2024

Là địa phương giáp biển và đời sống kinh tế - xã hội ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố tự nhiên, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh, trong đó có đồng bào các tôn giáo, luôn ý thức cao đối với công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sự trong lành và các nguồn tài nguyên của biển. Phong trào bảo vệ môi trường được cụ thể hóa bằng các mô hình, hoạt động cụ thể, thiết thực, như: thu gom rác làm sạch bờ biển, dọn vệ sinh, trồng cây xanh… gắn với thực hiện phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...

Từ năm 2023, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với các tổ chức tôn giáo phát động mô hình “Lực lượng vũ trang tỉnh đồng hành với các tôn giáo trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường và thu gom rác thải, vệ sinh bãi biển”. Mục tiêu của mô hình hướng đến nâng cao tinh thần, trách nhiệm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, thúc đẩy phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”. Nội dung của mô hình bao gồm khuyến khích các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo ủng hộ, tăng cường sử dụng, khai thác các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đồng thời, hướng tới cuộc sống xã hội hài hòa với thiên nhiên, từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Trồng 1.100 cây sao, gõ đỏ, giáng hương… tại huyện Long Điền và thành phố Vũng Tàu; thu gom rác, làm sạch bờ biển bãi Dâu, thành phố Vũng Tàu là hai trong số các hoạt động được triển khai bởi mô hình “Lực lượng vũ trang tỉnh đồng hành với các tôn giáo trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường và thu gom rác thải, vệ sinh bãi biển”

Xã Nghĩa Thành thuộc huyện Châu Đức có 2.969 hộ dân, trong đó có đông bà con theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Trước đây, các tuyến đường của xã vừa nhỏ, vừa khó đi, người dân có thói quen chôn rác, hoặc gom lại đốt, một số người thiếu ý thức vẫn xả rác bừa bãi. 05 năm trở lại đây, chính quyền xã phối hợp với các tổ chức tôn giáo thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình điểm khu dân cư về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Mô hình đã chọn Bửu Sơn Kỳ Hương làm cộng đồng điểm về bảo vệ môi trường, với 2.300 tín đồ - là điều kiện thuận lợi trong công tác tuyên truyền và thực hiện về việc bảo vệ môi trường. Ngay năm đầu tiên phát động, mô hình đã cấp phát hơn 800 bản tuyên truyền và cam kết đến từng hộ dân trong thôn để ký kết tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Hằng tháng, vào dịp lễ chính của đạo, các buổi hội họp, sinh hoạt bổn đạo, chức việc đạo Bửu Sơn Kỳ Hương vận động tín đồ, người dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, như: ra quân quét dọn hàng tuần các tuyến đường, trồng cây xanh, cây ăn trái, tổ chức cuộc sống hằng ngày thân thiện với môi trường...

Bà con tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương trồng và chăm sóc cây xanh, góp phần làm đẹp các tuyến đường trên địa bàn xã Nghĩa Thành

Mô hình áp dụng ở thôn Quảng Tây, sau đó tiếp tục được triển khai đến các thôn khác trong xã Nghĩa Thành. Hiện trên địa bàn xã có 06 ban vận động, 80 tổ tự quản thực hiện mô hình từ vai trò tích cực của cộng đồng tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. Nhờ đó, đến nay, hơn 80% người dân trong xã tham gia thu gom, bỏ rác đúng nơi quy định. Các tuyến đường của Nghĩa Thành đều được mở rộng, vỉa hè trồng hoa rực rỡ, tình trạng rác thải ra môi trường đã giảm đáng kể.

Phát huy các kết quả thi đua yêu nước đã đạt được, phong trào thi đua “Sống tốt đời, đẹp đạo” năm 2025 với 11 nội dung, tiếp tục khuyến khích các tổ chức tôn giáo phát huy vai trò trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; nhân rộng mô hình khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh.

Lam Giang