Đồng bào Công giáo tỉnh Thái Bình sống tốt đời, đẹp đạo theo tinh thần Thư Chung 1980
Ngày đăng: 06/12/2024Thái Bình là tỉnh có 03 tôn giáo lớn được Nhà nước công nhận là Phật giáo, Công giáo và Tin Lành. Trong đó, Công giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ cũng như cơ sở tôn giáo xếp thứ 2 sau Phật giáo, với 113 giáo xứ, 229 giáo họ, 338 nhà thờ hơn 120.000 tín đồ (chiếm 6.3% dân số toàn tỉnh), sinh sống khắp trên 260 xã, phường, thị trấn.
Những năm qua, với tư tưởng kính Chúa, yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo, đồng bào Công giáo tỉnh Thái Bình luôn đồng sức, đồng lòng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước xây dựng mối đoàn kết giữa giáo hội - xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội xây dựng quê hương Thái Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh. Nhiều chức sắc, chức việc và đồng bào Công giáo tỉnh Thái Bình ngoài việc làm tròn bổn phận của mình đối với việc đạo còn thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người công dân, cùng chung tay gánh vác công việc xã hội, là thành viên tham gia nhiệt tình, tích cực, có trách nhiệm trong các tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, hội, đoàn thể các cấp và ở khu dân cư. Theo thống kê, kết quả Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 có 02 vị đại biểu Phật giáo và Công giáo; 13 vị chức sắc Phật giáo và tín đồ Công giáo tham gia hội đồng nhân dân huyện, thành phố; 192 vị chức sắc Phật giáo và tín đồ Công giáo tham gia hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn. Việc tích cực tham gia các tổ chức, đoàn thể của cá nhân đã góp phần phát huy dân chủ, đại diện đem tiếng nói, nguyện vọng của đồng bào Công giáo, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở các cấp, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, thông qua đó, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước do chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phát động đến được với đồng bào tôn giáo đạt hiệu quả hơn.
Hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, nhiều gương đồng bào Công giáo, giáo xứ, giáo họ tiêu biểu xuất hiện, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá, thúc đẩy kinh tế - xã hội củng cố thêm lòng tin của đồng bào có đạo vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền tỉnh nhà. Cụ thể:
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế và phong trào xây dựng nông thôn mới đồng bào Công giáo đã tích cực thi đua lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững. Các xứ họ đạo, linh mục và giáo dân trên khắp địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia góp công, góp của, hiến đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng và chỉnh trang các công trình công cộng, khuôn viên thờ tự, tạo ra cảnh quan khang trang, sạch đẹp góp phần thay đổi diện mạo quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, điển hình năm 2023 Giáo xứ Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ hiến 300m2 đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp, 17 hộ giáo dân đã hiến đất thổ cư với diện tích là 138 m2 để làm đường phát triển kinh tế xã hội… Đến nay, 100% đường làng, ngõ xóm của các xứ, họ đạo trên toàn tỉnh đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi để bà con giáo dân phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa và sinh hoạt tôn giáo.
Bên cạnh việc chung tay xây dựng, kiến thiết quê hương, các hộ giáo dân còn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ vào phát triển kinh tế nông nghiệp làm giàu cho gia đình, cho xã hội như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo ruộng cấy lúa kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao như trồng đào, trồng quất, trồng cây cảnh… hay tận dụng mở rộng bờ bãi nuôi trồng thủy hải sản cho thu nhập cao hàng năm như: giáo dân họ giáo xứ Sa Cát, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình trồng đào; giáo dân họ giáo xứ Cát Nội, xã Đông Hòa, thành phố Thái Bình trồng quất cảnh, giáo dân giáo xứ Hợp Châu, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải mở rộng bờ bãi nuôi ngao, giáo dân giáo xứ Thuận Nghiệp, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư trồng cây cảnh...
Nhiều gia đình giáo dân còn mạnh dạn vay vốn, kịp thời nắm bắt cơ hội đã trở thành những doanh nhân, nhà sản xuất, kinh doanh giỏi để phát triển các ngành dịch vụ, kinh doanh, tiểu thủ công nghiệp vừa thu lại hiệu quả kinh tế cao vừa giải quyết công ăn việc làm tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương và đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách hằng năm của tỉnh tiêu biểu như: giáo dân Nguyễn Văn Tiếp giáo xứ Hoàng Xá (xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư) trên cơ sở phát huy nghề mộc truyền thống của gia đình, đã mở cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ quy mô diện tích hơn 2.200m2, tạo việc làm cho 20-30 lao động/xưởng; giáo dân Trần Thị Phượng, đảng viên người Công giáo, thôn Cự Lâm, xã Xuân Hòa (huyện Vũ Thư) đã sáng lập ra công ty chuyên gia công giầy, dép với tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong khu vực; hay thương hiệu “Vua cá vược” của giáo dân Trương Văn Trị, là người con giáo xứ Trung Đồng, xã Nam Trung, huyện Tiền Hải… , là giám đốc trẻ công ty TNHH giống thủy sản Hải Long không những nổi tiếng khắp đất nước mà còn là thương hiệu xuất khẩu sang nước ngoài.
Về xây dựng đời sống văn hóa: Hàng năm có trên 70% xứ, họ đạo đạt danh hiệu “khu dân cư văn hóa”, trên 87% hộ gia đình giáo dân đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”. Số lượng xứ, họ đạt 4 gương mẫu ngày một tăng, trong 5 năm qua toàn tỉnh đã có 330/342 xứ, họ được công nhận “xứ họ đạo 4 gương mẫu”, trong đó có 145 xứ, họ đạt danh hiệu “xứ họ đạo 4 gương mẫu “ 5 năm liên tục chiếm 43% tăng so với giai đoạn 2012-2017 là 30 xứ, họ và ngay từ những ngày đầu năm 2024, có trên 95% hộ gia đình giáo dân đồng bào Công giáo đã tập trung nghiêm túc đăng ký thi đua thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; các phong trào tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, xây dựng các mô hình “địa bàn, dòng họ, họ giáo không có ma túy; thôn, xóm, tổ dân phố, họ giáo tự quản an ninh trật tự, tổ tự quản an toàn giao thông” cũng được bà con giáo dân hưởng ứng tích cực. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả cao đã được các cấp khen thưởng như mô hình dòng họ đoàn kết - văn hóa - an toàn ở xã Đồng Phú (huyện Đông Hưng), tự quản an ninh trật tự ở xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ), Thụy Trình (huyện Thái Thụy), khu dân cư tự quản ở Bình Định (huyện Kiến Xương), địa bàn không có ma túy ở thôn Tiền Phong, xã Vũ Tây (huyện Kiến Xương)… các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ được duy trì hoạt động có hiệu quả và tiếp tục được tổ chức nhân rộng. Đến nay, toàn tỉnh Thái Bình đã có 194 xứ, họ đạo đạt tiêu chuẩn họ giáo 4 gương mẫu.
Cùng với nhân dân trên địa bàn tỉnh, bà con giáo dân còn tích cực tham gia phong trào bảo vệ môi trường, cùng nhau phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình, cơ sở tôn giáo, trồng hoa thay thế cỏ dại, xây dựng tuyến đường xanh, sạch, đẹp không những mang lại hiệu quả thiết thực mà còn góp phần tạo được sự chuyển biến về nhận thức, làm thay đổi thói quen của nhân dân ở cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phong trào xã hội học tập cũng được bà con giáo dân tích cực hưởng ứng thông qua đóng góp quỹ khuyến học, khuyến tài và xây dựng nhiều mô hình hiếu học trong các giáo họ, giáo xứ. Trong những năm qua, đã có hàng trăm con em giáo dân đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định.
Thực hiện đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 và Huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI “Người Công giáo tốt cũng là Người công dân tốt”, các họ đạo cũng như từng giáo dân luôn ý thức trách nhiệm, bổn phận của người con Công giáo và người công dân Việt Nam, ngoài chú trọng phát triển kinh tế nhưng vẫn không quên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh. Bà con giáo dân đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, xã hội hóa giáo dục, y tế, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, phát thuốc miễn phí, thăm hỏi, tặng quà, xây nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, hỗ trợ trang thiết bị học tập, xây dựng, sửa chữa trường học cho các trường khó khăn về cơ sở vật chất...; tiêu biểu như: Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập có 01 phòng khám chữa bệnh chẩn trị Y học cổ truyền Thiên Ân đã được Sở Y tế Thái Bình cấp phép hoạt động phục vụ cho người dân tại địa phương, đặc biệt là những người nghèo với khoảng 10 giường bệnh tại xã Vân Trường, huyện Tiền Hải hay việc tổ chức khám sức khoẻ, cấp phát thuốc miễn phí định kỳ, phát quà và tiền mặt trong dịp lễ, Tết cho những người có hoàn cảnh khó khăn diễn ra hàng năm của Ban Bác ái Xã hội Caritas Thái Bình, hay việc Dòng Mân Côi, họ giáo Đông Thọ thường xuyên tổ chức chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ các bệnh nhân phong đang sinh sống và điều trị bệnh tại Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn, xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư,…Trong những năm diễn ra đại dịch COVID-19 và thiên tai xảy ra ở các tỉnh miền Trung, cùng với Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, các giáo xứ, giáo họ đã có nhiều hoạt động thiết thực trong tuyên truyền, hướng dẫn bà con giáo dân nghiêm túc thực hiện phòng, chống đại dịch COVID-19, đồng thời tham gia ủng hộ đồng bào bị bão lũ, ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trị giá hàng trăm triệu đồng. Có thể khẳng định, đây là những nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc của đồng bào Công giáo trong đời sống hàng ngày, thể hiện đạo lý “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam, chu toàn lời dạy của Chúa “Chia sẻ cảm thông với những người bất hạnh”. Các hoạt động trên đã góp phần tích cực cùng với nhân dân toàn tỉnh thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo sự đoàn kết, gần gũi, thống nhất giữa đồng bào lương - giáo trong cộng đồng dân cư.
Những nội dung, đường hướng “sống tốt đời đẹp đạo”, “người Công giáo tốt cũng là công dân tốt” luôn được các Linh mục xứ lồng ghép giảng dạy trong các buổi lễ và các giờ học giáo lý. Nhờ đó, việc thực hiện nếp sống văn minh trong đồng bào Công giáo cũng được đảm bảo; không còn tình trạng làm cỗ trong đám hiếu, tổ chức ăn uống kéo dài hoặc mở loa đài quá khuya trong việc cưới, việc tang và lễ hội…
Có được những kết quả trên, trước hết là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, hệ thống Mặt trận, các tổ chức chính trị, xã hội, sự tích cực triển khai phong trào thi đua và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân và truyền thống đoàn kết, đồng hành tốt đời, đẹp đạo của các vị linh mục, chức sắc, chức việc, bà con giáo dân. Có thể thấy, kết quả của phong trào thi đua yêu nước sống “Tốt đời, đẹp đạo” với những việc làm cụ thể ở mỗi mỗi giáo xứ, mỗi khu dân cư, mỗi gia đình và từng cá nhân trong đồng bào Công giáo là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của đồng bào Công giáo đúng như tinh thần, đường hướng Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Nguyễn Lê