Độc đáo lễ cưới của người Chăm ở Nam bộ
Ngày đăng: 27/09/2021
Khi đến nhà cô dâu, chú rể sẽ được bố vợ đón và cùng các ông cả làm lễ. Thủ tục quan trọng nhất là con rể bắt tay bố vợ sau đó đọc kinh, cầu phúc cho đôi vợ chồng trẻ
Đồng bào người Chăm sinh sống ở Nam bộ theo đạo Hồi Islam, kho tàng văn hóa của họ vô cùng phong phú với những nét đặc trưng riêng có. Trong đó lễ cưới được xem là một trong những nghi thức quan trọng hàng đầu trong cuộc sống của người Chăm, tái hiện nét văn hóa đặc sắc của dân tộc này.

Trải qua nhiều biến động, thăng trầm của cuộc sống, người Chăm vẫn luôn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, từng bước phát triển và hòa nhập sâu rộng với các dân tộc khác. Với tín ngưỡng tôn thờ đạo Hồi Islam, người Chăm quan niệm hôn nhân chính là thước đo chuẩn mực của mỗi con người, lễ cưới cũng vì thế được tổ chức với những cách thức rất đặc sắc, tạo nên một nét văn hóa đẹp của người Chăm ở Nam bộ.

Trong văn hóa cưới hỏi của người Chăm, chuyện hôn nhân sẽ do cha mẹ quyết định, khi đã chọn được người con gái, cha mẹ sẽ nhờ ông cả làng đến ngỏ lời với nhà gái, khi được chấp thuận sẽ tổ chức lễ hỏi.

Trong Lễ Clok Pa Nôith (lễ đính hôn), nhà trai sẽ mang đến mâm trái cây làm lễ vật cùng với những vật dụng cần thiết cho cô dâu như: áo dài cưới, xà rông, khăn đội đầu, kim chỉ. Gần ngày cưới, thầy cả cùng với nhà trai sẽ mang giường đến nhà gái, tiến hành cầu nguyện và trang trí phòng cưới.

Sau khi thực hiện đủ các nghi lễ, cô dâu sẽ trao cho chú rể những vật dụng sử dụng hằng ngày

Khi diễn ra lễ cưới, nhà cửa, phòng cưới đều được trang hoàng lộng lẫy với những màu sắc sặc sỡ. Đặc biệt, trang phục của cô dâu và chú rể cũng chính là điểm nhấn đặc sắc trong lễ cưới của người Chăm.

Trong lễ cưới, cô dâu sẽ mặc áo dài nhung không xẻ hông, trùm khăn ren trắng, tóc và  tai đều được cài trâm và tô điểm thêm những món trang sức như vòng vàng, kiềng, nhẫn… Chú rể sẽ mặc chiếc áo dài Kơ rông truyền thống của Hồi giáo, đầu quấn khăn sà pạnh vô cùng lịch lãm. Trang phục cưới của người Chăm mang đậm dấu ấn văn hóa Hồi giáo, thể hiện sự kết tinh văn hóa truyền thống, từng chi tiết trên bộ trang phục đều được thể hiện một cách độc đáo, khác biệt và vô cùng ấn tượng.

Lễ cưới của người Chăm thường được tổ chức trong 3 ngày. Ngày đầu tiên là họp họ; lễ cầu nguyện ở gia đình và mời cơm dân làng sẽ được diễn ra trong ngày thứ 2. Đặc biệt, nếu lễ cưới của các dân tộc khác thường có "lễ rước dâu" thì lễ cưới của người Chăm lại thêm phần độc đáo với "lễ đưa rể" vào ngày thứ 3.

Trong ngày cưới, cô dâu mặc áo dài nhung đỏ, tím hay nhiễu dài đến gối, không xẻ hông.

Trong ngày này, sẽ có một đoàn nhà trai tháp tùng chú rể đến nhà gái, một vị chức sắc có uy tín trong làng sẽ cầm theo chiếc khăn dắt tay chú rể vào nhà gái, tiếng trống, kèn rộn rã theo từng đoàn người nối đuôi nhau vào nhà gái.

Hai bên gia đình sẽ tọa lạc trên sàn gỗ và tiến hành nghi thức cưới xin. Trước sự chứng kiến của những người nam giới đại diện cho 2 bên gia đình và thầy cả, bố cô dâu cầm tay chú rể và nói: "Ta gả con gái ta tên Atica cho con với số tiền sính lễ là..." và chú rể Facốp đáp: "Tôi nhận cưới Atica với số tiền sính lễ là...".

Sau đó, nhà trai sẽ trình sính lễ cho thầy cả kiểm tra, sau đó những người chứng kiến và thầy cả sẽ đọc kinh cầu nguyện cùng chúc cho cô dâu, chú rể sống trăm năm hạnh phúc.

Sau nghi lễ "bắt tay giao con", thầy cả sẽ dắt chú rể vào phòng cô dâu, chú rể sẽ tháo cây trâm trên đầu, dùng ngón trỏ chỉ vào trán cô dâu tượng trưng cho việc cô dâu là hoa đã có chủ. Sau nghi lễ này, cô dâu, chú rể mới được bước ra ngoài chào hỏi quan khách và mời những người đến dự lễ cưới rồi tất cả ăn bánh và nghe ca hát chào mừng...

Trong nghi lễ “lên giường”, các ông cả, phù dâu sẽ tiếp tục làm lễ chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ

Ông A Ly ở ấp Vạt Lài, xã Khánh Bình, huyện An Phú, An Giang, người có thâm niên hơn 15 năm làm Giáo cả cho biết, ngày nay, đồng bào Chăm được Nhà nước quan tâm một cách đặc biệt. Bà con được hỗ trợ và tạo điều kiện để xóa đói, giảm nghèo, được tự do hành lễ Hồi giáo theo quy định. Đồng bào còn được chính quyền địa phương và ngành chức năng giúp đỡ trong việc xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, có cả đội bóng đá, đội bóng chuyền, đội văn nghệ...

Đạo Hồi có sức ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa của người Chăm, từ nghi thức, trang phục, ẩm thực trong lễ cưới đều thể hiện rất rõ điều này. Đây cũng chính là nét văn hóa đặc trưng được người Chăm gìn giữ và phát huy qua từng giai đoạn với những lễ cưới rất khác biệt và độc đáo.

 

Nguồn: baodansinh.vn