Đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham dự Hội nghị Bàn tròn Phật giáo Đông Á và Đông Nam Á
Ngày đăng: 17/12/2024
Từ ngày 12-15/12/2024, tại Kathmandu, Nepal diễn ra Hội nghị Bàn tròn Phật giáo Đông Á và Đông Nam Á với sự tham dự của chư tôn đức, quý đại biểu từ 28 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Thượng tọa Thích Quang Thạnh, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm Trưởng đoàn.

Hội nghị có chủ đề “Nương vào chánh pháp để góp sức vì sự hòa hợp thế giới” nhằm lan tỏa giá trị nội hàm sâu sắc về tu tập theo lời Phật dạy để hướng đến nếp sống an vui, kiến tạo hòa bình nội tại và thế giới.

Các đoàn tham dự Hội nghị chụp hình lưu niệm với Thủ tướng Nepal

Trong phiên toàn thể của Hội nghị ngày 13/12, Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli đã đến dự và có bài phát biểu. Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli cho biết từ khi được thành lập từ 09 năm trước, Hội nghị Bàn tròn Phật giáo Đông Á và Đông Nam Á là cơ hội để cộng đồng Phật giáo các khu vực này cùng nhau tạo sự tương thông, hiểu biết cũng như thảo luận những vấn đề lớn của khu vực và thế giới. Thủ tướng Nepal đề nghị chư tôn đức, quý đại biểu tận dụng thời gian có mặt tại vùng đất Nepal - nơi Đức Phật chào đời để cùng nhìn lại những vấn đề của thế giới hiện đại, vận dụng trí tuệ Phật giáo thúc đẩy hòa bình nhân loại.

Tại Hội nghị, Thượng tọa Thích Quang Thạnh đã trình bày thông điệp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chuyển lời tán thán của lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến Hòa thượng Ấn Thuận, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Trưởng ban Tổ chức Hội nghị. Thượng tọa cho biết, sự kiện được tổ chức tại Nepal không chỉ là sự hoằng dương truyền thừa tinh thần của Đức Phật mà còn là sức mạnh để thúc đẩy cho sự phát triển, truyền bá văn hóa Phật giáo trong phạm vi khu vực và trên toàn thế giới. Thượng tọa Thích Quang Thạnh khẳng định Nepal là nơi Phật giáo phát sinh, nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích và những thánh tích thiêng liêng về lịch sử của Đức Phật như vườn Lumbini. Những nơi này vốn có công năng đề cao giá trị văn hóa và tôn giáo đối với Phật giáo đồ trên toàn thế giới.

Trong Diễn đàn Thanh niên của Hội nghị, Thượng tọa Thích Giác Hiệp, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết thế giới ngày nay thay đổi nhanh chóng với những thách thức, như: xã hội thay đổi, khoa học kỹ thuật phát triển, văn hóa đa dạng... vì thế, trách nhiệm của thế hệ trẻ là hiểu rõ giá trị cốt lõi của Phật giáo để giúp Phật giáo ngày càng phát triển hơn.

Cũng tại Hội nghị, Thượng tọa Thích Giải Hiền, Ủy viên Thường trực Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trình bày tham luận “Tìm về cội nguồn Thiệu Hưng tinh thần của Huyền Trang, khai mở sự hổ thông, thúc đẩy giao lưu đối thoại”; Đại đức Thích An Đạt, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Ủy viên Thường trực Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trình bày tham luận “Nhận thức lịch sử, địa vị Phật giáo Nepal; làm sâu sắc thêm giao lưu - hợp tác Phật giáo thế giới”.

Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng quà lưu niệm đến Hòa thượng Ấn Thuận, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Trưởng ban Tổ chức Hội nghị

Dịp này, các đại biểu tham dự còn lắng nghe thông điệp của đại diện Chính phủ Trung Quốc, Lào, Campuchia, nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair, lãnh đạo Phật giáo các nước và vùng lãnh thổ...

Trong phiên kết thúc Hội nghị ngày 14/12/2024, toàn thể đại biểu đã thống nhất đưa ra khuyến nghị Kathmandu: giữ vững niềm tin và sứ mệnh chung, gìn giữ những giá trị cốt lõi của Đạo Phật; thúc đẩy hòa bình và hỗ trợ lẫn nhau, tôn trọng sự đa dạng, tăng cường giao lưu văn hóa Phật giáo và ngoại giao nhân dân; hỗ trợ các sáng kiến nhân đạo, xây dựng những cơ chế lâu dài cho các tổ chức từ thiện; đẩy mạnh giáo dục Phật giáo để gìn giữ chính pháp và lan tỏa giá trị các thánh tích Phật giáo.

Diệu Anh