Dâng hương tưởng niệm 1016 năm ngày mất Lê Đại Hành Hoàng đế
Ngày đăng: 20/04/2021
Ông Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Thọ Xuân dự lễ dâng hương tưởng niệm 1016 năm ngày mất Lê Đại Hành hoàng đế
Sáng 19-4 (tức ngày 8-3 năm Tân Sửu), tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn, làng Trung Lập, xã Xuân Lập, UBND huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 1016 năm ngày mất Lê Đại Hành Hoàng đế.

Dự lễ dâng hương có ông Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Thọ Xuân; các xã, thị trấn thuộc vùng 3 huyện Thọ Xuân cùng đông đảo Nhân dân và du khách.

Lễ dâng hương tổ chức vào ngày 8-3 âm lịch hàng năm nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của Lê Đại Hành Hoàng đế. Năm nay do dịch, bệnh COVID-19 nên huyện Thọ Xuân chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội.

Ông Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dâng hương tưởng niệm 1016 năm ngày mất Lê Đại Hành hoàng đế

Anh hùng dân tộc Lê Hoàn sinh ra và lớn lên tại làng Trung Lập, thuộc Ái Châu (nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân) trong bối cảnh đất nước bị các thế lực địa phương nổi lên và cát cứ gây loạn 12 sứ quân. Ông sớm gia nhập đội quân của Đinh Bộ Lĩnh, được giao 2.000 quân sĩ đánh dẹp 12 sứ quân và được phong giữ chức Thập đạo tướng quân.

Năm Kỷ Mão (979), triều đình Nhà Đinh xảy ra biến loạn, đứng trước họa xâm lăng của phong kiến phương Bắc, với tầm nhìn sâu rộng và tư tưởng chọn người đứng đầu trí dũng song toàn, được sự đồng thuận của ba quân tướng sĩ, Dương Thái Hậu đã đề xuất, lập Thập đạo tướng quân lên ngôi Hoàng đế.

Sau khi lên ngôi, Lê Hoàn đổi niên hiệu là Thiên Phúc, lấy miếu hiệu là Lê Đại Hành Hoàng đế, mở ra triều đình Tiền Lê hiển hách.

Tài năng của ông không chỉ được thể hiện trong lĩnh vực quân sự, dụng binh khiển tướng, bình Chiêm, đuổi Tống, diệt trừ tạo phản, mà còn ở việc củng cố chính quyền, phát triển kinh tế, văn hóa.... Nhà vua đặc biệt coi trọng việc phát triển nông nghiệp, đề cao truyền thống trọng nông khi ông là vị Vua đầu tiên cho tổ chức sự kiện cày tịch điền (mùa xuân năm Đinh Hợi 987).

Với những thành tựu to lớn, toàn diện trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, Lê Đại Hành Hoàng đế là một trong những vị Vua đầu tiên đặt nền móng cho nền quân chủ phong kiến tập quyền Việt Nam cuối thế kỷ X.

Nghi thức đọc chúc văn tại lễ dâng hương tưởng niệm 1016 năm ngày mất Lê Đại Hành Hoàng đế

Với những giá trị to lớn về mặt lịch sử cùng kiến trúc nghệ thuật độc đáo, năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn là Di tích Quốc gia đặc biệt. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã công nhận điểm du lịch Đền thờ Lê Hoàn, huyện Thọ Xuân.

Chúc văn tại buổi lễ đã nêu bật công lao của Lê Đại Hành Hoàng đế cũng như việc phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, nối tiếp công lao của Lê Đại Hành Hoàng đế, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa quyết tâm xây dựng tình Thanh Hóa phát triển giàu màu trở thành tỉnh tiên tiến kiểu mẫu.

Sau nghi thức tế lễ, đông đảo các đại biểu cùng Nhân dân và du khách dâng hương tưởng niệm 1016 năm ngày mất của Lê Đại Hành Hoàng đế

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Thọ Xuân cùng đông đảo Nhân dân và du khách đã dâng hương tưởng nhớ công lao của Vua Lê Đại Hành Hoàng đế.

Theo thanhhoa.vn