Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa
Ngày đăng: 31/10/2024
Ngày 31/10/2024, tại Trung tâm Hội nghị 25B, thành phố Thanh Hóa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (01/11/1984-01/11/2024).

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập đã tạo tiền đề quan trọng, thôi thúc, cổ vũ tăng ni, phật tử xứ Thanh chuẩn bị điều kiện thành lập tổ chức hội trên địa bàn tỉnh. Được sự giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, ngày 01/11/1984, Ban Đại diện Phật giáo Việt Nam tỉnh (nay là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh) chính thức được thành lập tại chùa Thanh Hà, thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa).

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa luôn phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước củng cố, phát triển và lớn mạnh về mọi mặt. Ban Trị sự qua các nhiệm kỳ đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, không ngừng đổi mới Phật sự; chú trọng đào tạo tăng ni cả về thế học và Phật học, đồng thời, quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy hành chính của Giáo hội từ tỉnh đến cơ sở theo hướng ổn định, nền nếp và nâng cao về chất lượng hoạt động. Nhiều cơ sở tự viện được khôi phục, trùng tu, tôn tạo và xây dựng mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của Nhân dân. Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa có 224 tăng ni; thành lập và kiện toàn 15 ban, ngành chuyên môn Tỉnh hội, 27 ban trị sự Giáo hội Phật giáo cấp huyện; 187 ngôi chùa có sư trụ trì tại 27 huyện, thị xã, thành phố. Xác định hoạt động nhân đạo từ thiện là nhiệm vụ Phật sự quan trọng, thời gian qua Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các cấp và tăng ni, phật tử trong tỉnh đã vận động, quyên góp, ủng hộ trên 500 tỷ đồng xây dựng nhà ở, tặng quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm thăm hỏi, động viên tăng ni, phật tử có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa dấn thân phụng đạo - yêu nước.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa kêu gọi tăng ni, phật tử, những người có cảm tình với đạo Phật cùng lan tỏa, kết nối với những người con của Thanh Hóa đang học tập, công tác, lập nghiệp trên mọi miền Tổ quốc cũng như ở nước ngoài cùng hướng về quê hương để góp phần xây dựng Phật giáo tỉnh nhà, xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ đã căn dặn. Tăng ni Thanh Hóa cần phải siêng năng hành trì giới luật - thượng tôn pháp luật, gìn giữ sự hòa hợp thanh tịnh của tăng đoàn Phật giáo tỉnh nhà, kiên định đường lối “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Tiếp tục dấn thân đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để hành đạo, góp phần an dân, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo Tổ quốc...

Các tập thể, cá nhân đạt thành tích nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trao Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng 01 tập thể và 05 cá nhân; Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tặng 09 tập thể và 19 cá nhân; Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho 12 tập thể và 14 cá nhân có thành tích thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan; Bằng tuyên dương công đức giai đoạn 1984-2024 của Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho 28 tập thể, 27 cá nhân.

Các tập thể đã có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh

Phát biểu tại Đại lễ, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết quả mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong thời gian qua. Ông khẳng định, những kết quả Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đạt được đã thể hiện rõ nét nỗ lực trách nhiệm xã hội của chức sắc, chức việc, tín đồ Phật giáo tỉnh Thanh Hóa trong hưởng ứng, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về phát huy nguồn lực của tôn giáo cho công cuộc phát triển quê hương, đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Ông mong muốn và tin tưởng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cùng tăng ni, phật tử trong tỉnh sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo; thực hiện đoàn kết giữa đồng bào Phật giáo với đồng bào các tôn giáo khác và Nhân dân trong tỉnh. Tiếp tục thực hiện các hoạt động Phật sự theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội và hướng dẫn, vận động tăng, ni, phật tử tỉnh Thanh Hóa hoạt động tôn giáo thuần túy, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung tay cùng các cấp chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân xây dựng tỉnh Thanh Hóa có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Ông đề nghị các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa và các tăng ni, phật tử tỉnh nhà hoạt động Phật sự theo đúng Hiến chương, Điều lệ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, quy định của pháp luật, tạo môi trường sinh hoạt tôn giáo ổn định, lành mạnh.

Các cá nhân thuộc Giáo hội Phật giáo tỉnh Thanh Hóa nhận Bằng tuyên dương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Phát biểu tại Đại lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, những thành tựu Phật sự đạt được của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua trước hết là nhờ sự nỗ lực tự thân phấn đấu của tăng ni, phật tử tỉnh nhà, sự quan tâm chỉ đạo của chư tôn đức lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đặc biệt là sự giúp đỡ tận tình và trực tiếp của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng như lãnh đạo cơ quan, ban, ngành chức năng của tỉnh. Đây là những tình cảm cao quý mà địa phương đã dành cho Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Hòa thượng tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Trung ương Giáo hội và chính quyền tỉnh, sự trợ giúp, hỗ trợ của các đoàn thể, chư tôn đức, tăng ni, phật tử và Nhân dân, trong thời gian tới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa vẫn luôn vững vàng, phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình vì sự nghiệp hoằng pháp, độ sinh...

Nhân Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa (01/11/1984-01/11/2024), ngày 30/10/2024, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo Phật giáo Thanh Hóa - 40 năm phát triển và trưởng thành.

Phật giáo từ khi du nhập vào Việt Nam đã trưởng thành và phát triển qua từng giai đoạn lịch sử, trở thành tôn giáo của dân tộc - tôn giáo có truyền thống “Hộ quốc an dân”, đồng hành cùng dân tộc. Trong lịch sử cũng như hiện tại và tương lai, Phật giáo Thanh Hóa luôn đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước; đồng thời, có những ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa và tư tưởng dân tộc. Là đạo của từ bi, của lòng nhân ái, với phương châm “Phật pháp bất ly thế gian giác”, Phật giáo Thanh Hóa đã cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp chung tay, góp sức xây dựng cuộc sống “tốt đời đẹp đạo”. Phật giáo Thanh Hóa từng bước khẳng định vị thế của mình trong lòng Nhân dân, đặc biệt là kể từ khi thành lập Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thanh Hóa năm 1984 đến nay.

Tại Hội thảo, các tham luận đã tập trung nghiên cứu Phật giáo Thanh Hóa trong bối cảnh đương đại và phát triển, với 53 bài tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu, nhà tu hành... đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo với 06 chủ đề, gồm: lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo Thanh Hóa qua các thời kỳ; văn hóa, lễ hội và nghệ thuật kiến trúc chùa xứ Thanh; Phật giáo Thanh Hóa và vấn đề an sinh xã hội; Phật giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa; Phật giáo Nam tông tại Thanh Hóa; nguồn tư liệu Phât giáo Thanh Hóa mới... Các tham luận đều tập trung làm rõ sự hình thành, phát triển của Phật giáo Thanh Hóa qua từng giai đoạn lịch sử, đặc biệt là những ảnh hưởng, những lan tỏa tích cực của Phật giáo trong đời sống văn hóa và xã hội của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tại Hội thảo, các đại biểu tiếp tục đi sâu phân tích, làm rõ thêm một số vấn đề: làm thế nào để phát huy hiệu quả của Phật giáo Thanh Hóa trong công cuộc hoằng dương giáo pháp và lan tỏa văn hóa Phật giáo tại điạ phương; công tác bảo tồn, tu tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo ở Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai; công tác đào tạo, phát triển tăng tài và sự thích ứng của tăng ni trong giai đoạn hiện nay; các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động từ thiện xã hội và hướng đến an sinh xã hội bền vững của Giáo hội Phật giáo, các tự viện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa các cấp; các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động Phật sự ở các huyện miền núi...

Hội thảo là cơ hội để Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Thanh Hóa tiếp nhận những ý kiến đóng góp, nhận diện những tồn tại, hạn chế, qua đó, phát huy những thành tựu, những điểm mạnh; đồng thời, khắc phục, cải thiện những mặt tồn tại, hạn chế, hướng đến “phụng sự đạo pháp, phụng sự xã hội, phụng sự Nhân dân”.

Nguyễn Xuân