Đặc sắc lễ hội Nàng Han của người Thái trắng ở Lai Châu
Ngày đăng: 06/03/2023
Lễ hội Nàng Han diễn ra tại vùng đất tổ của người Thái trắng Tây Bắc tại xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Đây là nghi lễ tâm linh của đồng bào Thái trắng, nhằm tôn vinh, tri ân nữ anh hùng Nàng Han - một nữ tướng người Thái trắng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, mang lại bình yên cho bản làng. Năm nay, lễ hội Nàng Han diễn trong 2 ngày là 5 và 6/3.

Tương truyền, Nàng Han xuất thân trong gia đình người Thái trắng nghèo ở Chiềng Sa, nay là xã Mường So. Khi giặc ngoại xâm phương Bắc đánh chiếm, cướp bóc bản làng, Nàng Han cải trang thành nam giới, đứng lên kêu gọi thanh niên trai tráng các bản đoàn kết đánh giặc.

Nàng đứng đầu cuộc khởi nghĩa của đồng bào 16 xứ Thái quật cường đánh bại giặc xâm lược. Sau khi dẫn đoàn quân thắng trận trở về, Nàng Han tắm gội ở mó nước Tây An, xã Mường So rồi bay về trời.

Đền thờ Nàng Han ở thôn Tây An, xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu

Từ đó, nhớ công ơn của Nàng Han, bà con lập đền thờ và tổ chức lễ hội ngay ở mó nước Nàng tắm. Vì thế, đối với người Thái trắng ở Phong Thổ, thần tượng Nàng Han như một người có công lớn với đất nước và là thần tượng tâm linh trong đời sống.

Những năm gần đây, lễ hội được tổ chức thường niên đã thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia. Nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái trắng khu vực Mường So, Khổng Lào, huyện Phong Thổ ngày càng được bảo tồn và phát huy lan tỏa.

Lễ khai mạc diễn ra với nhiều nghi thức độc đáo; các điệu múa, ẩm thực; trò chơi dân gian ném còn, đẩy gậy, kéo co, đánh tó má lẹ, đánh cầu, bắn nỏ... cho thấy được cuộc sống, tập tục, văn hóa của người Thái trắng đặc sắc và da dạng.

Nghi thức lấy nước cúng từ giếng nước Nàng Han của thiếu nữ Thái trắng

Bà Mai Thị Hồng Sim - Phó Chủ tịch UBNB huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết năm nay lễ hội được tổ chức với quy mô cấp huyện, là việc làm cụ thể trong công cuộc bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, gắn với phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay.

Lễ hội còn là dịp để nhân dân các dân tộc cùng hội tụ giao lưu văn hóa, tăng thêm sự hiểu biết, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian phát triển, kết hợp giữa văn hóa truyền thống với văn hóa đương đại. Từ đó góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Phụ nữ Thái trắng thể hiện sự khéo léo trong phần thi ẩm thực dân tộc

Mường So là cái nôi văn hóa của người Thái trắng Tây Bắc và được lưu giữ, phát triển bao đời nay. Tựa mình dưới chân núi Phu Nhọ Khọ, nơi giao thoa giữa hai dòng suối Nậm So và Nậm Lùm là bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo, một trong những bản cổ xưa nhất của người Thái trắng ở Lai Châu. Nơi đây hội tụ nhiều nét văn hóa đặc trưng, cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và thơ mộng, đang giúp người dân khai thác thế mạnh để phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo./.

 

Nguồn vov.vn