Công giáo chung tay cùng cả nước bảo vệ môi trường thu gom, xử lý pin đã qua sử dụng
Ngày đăng: 15/07/2024
Trong bối cảnh xã hội phát triển ngày càng nhanh, lượng rác thải do con người tạo ra ngày càng nhiều, trong đó có pin là một sản phẩm tiêu dùng phổ biến đã trở thành một vấn đề môi trường nghiêm trọng. Pin là nguồn năng lượng khá phổ biến, được sử dụng khá rộng rãi trong cuộc sống, học tập, công việc. Pin giúp các máy móc, thiết bị quen thuộc hoạt động, thường được dùng cho đồng hồ, điều khiển, chuột máy tính, đồ chơi… tuy nhiên, trong pin có chứa các kim loại nặng như: chì, kẽm, cadmium, thủy ngân. Pin đã qua sử dụng nếu không được phân loại, xử lý đúng cách sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Pin được chôn lấp dưới đất, các hóa chất trong đó ngấm xuống đất, gây ô nhiễm đất và nguồn nước. Nếu xử lý bằng cách đốt thì các thành phần nguy hại trong pin sẽ bốc lên thành khói độc, hay chất độc còn dư lại trong tro sẽ gây ô nhiễm không khí. Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2023, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày, trong đó, 70% được xử lý bằng cách chôn lấp thô sơ, nhưng chỉ có dưới 20% được xử lý và chôn lấp đúng khoa học.

Trong những năm qua, hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường, bảo vệ ngôi nhà chung trái đất; thực hiện theo chương trình phối hợp, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026 do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức; hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Laudato Sĩ và Tông huấn Laudatae Deum, đồng bào Công giáo Việt Nam đã phát động và tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường trong đó có hoạt động thu gom và xử lý pin đã qua sử dụng.

 Ban Bác ái xã hội Caritas giáo phận Hà Tĩnh phát động chương trình thu gom pin đã qua sử dụng theo phạm vi từng giáo xứ, giáo hạt. Dưới sự hướng dẫn của các linh mục giáo phận Hà Tĩnh, giáo dân thu gom pin đã qua sử dụng, đưa đến điểm tập kết chờ xử lý, không vứt chung với rác thải sinh hoạt hằng ngày. 06 tháng một lần, Văn phòng Caritas giáo phận Hà Tĩnh sẽ tiến hành thu gom pin và đưa đi xử lý theo quy trình để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Trong thông báo kêu gọi các tín hữu tham gia vào hoạt động thu gom pin đã qua sử dụng, Giám đốc Caritas, Linh mục Nguyễn Huy Tuấn cho biết, sự góp sức, chung tay của giáo dân giáo phận Hà Tĩnh xuất phát từ thực tế đáng báo động là trong số rác thải sinh hoạt hằng ngày, có một lượng pin khá lớn đã qua sử dụng không được xử lý đúng cách, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người nghiêm trọng. Một viên pin có thể gây ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong vòng 50 năm, gây ảnh hưởng nguy hại cho hệ thống thần kinh, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người. Linh mục kêu gọi các linh mục và cộng đoàn các giáo xứ hưởng ứng, chung tay góp sức để ngôi nhà chung của nhân loại có một tương lai tươi sáng hơn; người dân cũng cần thay đổi từ những thói quen nhỏ, như: không để chung pin với các loại rác thải sinh hoạt khác, bỏ những thỏi pin đã qua sử dụng vào một chiếc lọ thủy tinh sạch rồi mang tới điểm tập kết để mang đi xử lý đúng cách…

Điểm thu gom pin bên gian hàng trà sữa của Ban Giới trẻ giáo xứ Phú Trung

Giáo xứ Phú Trung, Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chương trình “10 viên pin cũ đổi 01 ly trà sữa”. Ðây là “tiêu chí” cũng như lời gọi mời của Ban Giới trẻ giáo xứ Phú Trung khi thực hiện chương trình thu gom pin cũ để bảo vệ môi trường. Điểm thu gom pin được đặt tại quán trà sữa trong khuôn viên nhà thờ Phú Trung bởi từ hai năm nay, vào Chủ nhật hằng tuần, giới trẻ giáo xứ Phú Trung đã mở quán bán các loại trà sữa do các bạn trẻ tự chế biến với mục đích góp thêm vào Quỹ Bác ái của giới trẻ giáo xứ, quán trà do vậy đã thành cơ duyên để các bạn trẻ cộng tác trong chương trình thu gom pin cũ của giáo xứ.

Pin cũ các loại được bà con trong và ngoài xứ đạo thu gom

Linh mục Bùi Thế Cường, Trưởng ban Ban Giới trẻ của giáo xứ cho biết hiện nay, trà sữa là thức uống được ưa thích của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Vì vậy, chương trình khuyến khích đổi pin lấy trà sữa để thu hút các em tham gia, “đổi 10 viên pin để có được ly trà sữa là mức ước lệ đặt ra. Tuy nhiên, có nhiều em đem đến 7-8 viên pin vẫn được trao một ly trà sữa. Mục tiêu là khuyến khích các em tham gia việc làm hữu ích, tập làm quen với việc bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ. Điều này cũng gây ý thức cho cộng đồng”. Linh mục cho biết thêm đây là hoạt động hưởng ứng Thông điệp Laudato Si’ và chương trình “Giáo dục bảo vệ môi trường” của Ban Mục vụ Môi trường Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đợt đầu ra mắt chương trình, sau một tuần thực hiện, đã có gần 3.000 viên pin cũ các loại được thu gom. Số pin cũ sau đó được tập kết trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình để đem về nhà máy xử lý. Sau đợt thu gom pin đầu tiên, Ban Giới trẻ giáo xứ Phú Trung đã đặt thùng thu pin cũ trong khuôn viên nhà thờ để giáo dân có thể thu gom pin cũ bất cứ lúc nào hoặc thu gom tập trung mỗi tháng một lần vào ngày Chủ nhật. Sau kỳ nghỉ Hè, khi thiếu nhi bắt đầu vào năm học giáo lý mới, giáo xứ sẽ thực hiện chương trình dài hơi về bảo vệ môi trường và khuyến khích các em tham gia.

Thông qua chương trình “10 viên pin cũ đổi 01 ly trà sữa”, nhiều bạn nhỏ ở độ tuổi mẫu giáo cũng được bố mẹ hướng dẫn thu gom pin đúng cách để mang đến điểm tập kết, hình thành thói quen tốt trong việc bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Chị Hoàng Lê Thụy Vy cùng con gái 6 tuổi của mình tham gia vào chương trình cho biết: “Việc thu gom pin là một sáng kiến hay. Phần thưởng trà sữa lại càng thú vị, thu hút các bé. Thức uống này được các bạn pha chế vệ sinh trong bếp nhà xứ nên phụ huynh an tâm cho con uống”.  

Người dân giáo xứ Phú Thành tham gia hoạt động thu gom và xử lý pin trên địa bàn

Tham gia vào các hoạt động thu gom và xử lý pin đã qua sử dụng, các khối cơ quan đoàn thể, trường học, tổ chức xã hội trên khắp cả nước đã chung tay cùng các tổ chức tôn giáo trong chương trình đổi pin lấy sách, cây xanh của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Buôn Ma Thuột; mô hình “Hộp pin cũ” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thị trấn Châu Thành, tỉnh Bến Tre; mô hình “Nhà của pin” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội; mô hình “Thu gom pin cũ - tặng bản đồ Việt Nam” của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hưng Yên, dự án “Giải cứu pin cũ” của nhóm Green Puzzle của nhóm sinh viên thuộc Quỹ học bổng VietSeeds, dây chuyền phá dỡ pin, ắc quy thải của Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai; hoạt động thu gom pin cũ của Linh Sơn cổ tự, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu kết hợp với nhóm thanh niên thành phố Vũng Tàu vào mỗi tối thứ Năm hằng tuần… Để bảo vệ môi trường đã đến lúc mỗi người cần thay đổi thói quen vứt pin cũ vào thùng rác, đem pin đến các điểm tập kết, thu gom để pin được “giải cứu”, xử lý theo đúng quy trình xử lý chất thải nguy hại vì một môi trường xanh, sạch, không ô nhiễm.

Thụy Giang