Các tôn giáo ở Nghệ An đóng góp 15,9 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong năm 2024
Ngày đăng: 27/11/2024Tỉnh Nghệ An nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ có diện tích tự nhiên rộng nhất cả nước. Dân số toàn tỉnh gần 3,4 triệu người, trong đó có hơn 440.000 tín đồ các tôn giáo khác nhau, chiếm hơn 13% dân số toàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh có 02 tôn giáo lớn là Phật giáo và Công giáo. Công giáo có hơn 292 nghìn tín đồ, 02 giám mục và 218 linh mục; có Tòa giám mục Giáo phận Vinh và 366 nhà thờ xứ, họ đạo ở 174/460 xã, phường, thị trấn của 20/21 huyện, thành phố, thị xã. Phật giáo có khoảng 150 nghìn tín đồ sinh hoạt ở 71 chùa, 01 niệm Phật đường, dưới sự hướng dẫn của 109 tăng, ni, tu sỹ; có 05 chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia và 15 chùa được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, đồng bào tôn giáo ở Nghệ An đã có nhiều đóng góp tích cực cho quá trình phát triển của địa phương.
Trong năm 2024, đồng bào tôn giáo tại Nghệ An đã phối hợp triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về việc vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025.
Kết quả cho thấy, các tổ chức tôn giáo và bà con tín đồ đã đóng góp hơn 15,9 tỷ đồng, hiến 14.265m2 đất, tháo dỡ 3.576m2 tường bao, giải tỏa 11.331m2 lề đường giao thông, đóng góp 15.560 ngày công tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đồng bào tôn giáo trên địa bàn tỉnh còn ủng hộ hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ, xây dựng và tu sửa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn…
Đó là kết quả được nêu tại Hội nghị gặp mặt, lắng nghe tiếng nói các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tiêu biểu trong tôn giáo năm 2024, vừa diễn ra ngày 25/11 với sự tham dự của 110 chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo tiêu biểu trên địa bàn.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An phối hợp Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh xây dựng nhà “Đại đoàn kết” tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu
Không chỉ riêng năm 2024 mà những năm qua, đã xuất hiện nhiều điển hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội , “sống tốt đời, đẹp đạo” trong đồng bào tôn giáo ở Nghệ An; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GDP vùng đồng bào tôn giáo bình quân giai đoạn 2017-2022 ở mức 8,44%, tăng 0,19%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 48 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ khá, giàu năm 2018 là 52,7%, đến nay là 55%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,5%.
Đặc biệt, đồng bào Phật giáo, Công giáo đã làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là các quy định về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về đất đai; đóng góp xây dựng chính quyền cơ sở, góp ý xây dựng các văn bản pháp luật; thể hiện trách nhiệm cao trong các hoạt động chính trị - xã hội của địa phương và đất nước, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026...; tham gia đấu tranh, phản bác những thông tin tiêu cực, luận điệu sai trái, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước; kịp thời chấn chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật, giới luật làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của chức sắc, chức việc và hình ảnh của Phật giáo và Công giáo.
Đồng bào tôn giáo toàn tỉnh tích cực lan tỏa, phát huy các mô hình “Xóm đạo đoàn kết chung tay xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp”, mô hình “Đường cờ, điện sáng đại đoàn kết”, mô hình “Đường cây dân vận”, mô hình “Xây dựng đường cờ và thiết chế nhà văn hóa”, mô hình “Vận động giải phóng mặt bằng xây dựng đường sáng, xanh, sạch, đẹp”... Từ một số mô hình điểm tại vùng giáo, hiện nay có 73,9% cơ sở, 64,3% hộ gia đình Công giáo; 100% cơ sở, 96,3% hộ gia đình Phật giáo treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ, Tết, các sự kiện lớn của đất nước và của các tôn giáo; 84,3% hộ gia đình Công giáo, 100% hộ gia đình Phật giáo treo cờ Tổ quốc trong quá trình ra khơi bám biển bảo vệ chủ quyền biên giới.
Phòng khám đa khoa Xã Đoài của Tòa Giám mục giáo phận Vinh với 72 giường bệnh, 26 bác sỹ và nhân viên y tế, mỗi năm khám chữa bệnh cho khoảng 11.000 lượt bệnh nhân
Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh cũng bước đầu tham gia vào các lĩnh vực giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội và đạt được những kết quả nhất định bằng việc thành lập và vận hành ổn định các phòng khám đa khoa, cơ sở giáo dục trẻ mầm non, tủ thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo, trung tâm trợ giúp xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồi côi, trẻ khuyết tật, duy trì tốt các quỹ khuyến học, khuyến tài,… khẳng định tôn chỉ “đồng hành cùng dân tộc” và tiềm lực lớn cả về vật chất lẫn tinh thần của đồng bào tôn giáo có thể đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An và đất nước.
Minh Thanh