Các tổ chức tôn giáo với việc sử dụng truyền thông số trong truyền giáo
Ngày đăng: 23/12/2024Trong thời đại công nghệ số, truyền thông không chỉ là công cụ mà còn trở thành cầu nối quan trọng để các tổ chức tôn giáo tiếp cận cộng đồng, quảng bá các giá trị đạo đức và xây dựng mối liên kết bền vững giữa tín đồ với niềm tin tâm linh. Sự kết hợp giữa truyền thống tôn giáo và công nghệ hiện đại đã giúp nhiều tổ chức tôn giáo thành công trong việc truyền tải thông điệp một cách sáng tạo, rộng rãi và hiệu quả.
Thời gian qua, tuyền thông số đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa các tổ chức tôn giáo, mang lại những lợi ích vượt trội. Thứ nhất, truyền thông số giúp các tôn giáo tiếp cận cộng đồng rộng lớn. Với sự phổ biến của internet, các nền tảng như YouTube, Facebook, TikTok, Instagram trở thành công cụ mạnh mẽ giúp tổ chức tôn giáo truyền bá thông điệp đến hàng triệu người chỉ trong thời gian ngắn. Một bài giảng, buổi cầu nguyện, hoặc thông điệp nhân văn không còn bị giới hạn bởi vị trí địa lý hay thời gian, mà có thể lan tỏa nhanh chóng trên toàn cầu. Điều này đặc biệt hữu ích để tiếp cận những người không thể tham dự trực tiếp tại các cơ sở thờ tự. Thứ hai, truyền thông số giúp các tôn giáo tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa nguồn lực. So với các phương thức truyền thông truyền thống như in ấn hay tổ chức các sự kiện lớn, truyền thông số giúp các tổ chức tôn giáo tiết kiệm đáng kể chi phí trong khi đạt được hiệu quả cao. Việc sử dụng các công cụ như livestream, podcast hoặc blog không chỉ giảm thiểu nguồn lực tài chính mà còn tạo ra sự tương tác linh hoạt, cá nhân hóa cho tín đồ. Thứ ba, truyền thông số giúp các tôn giáo tăng tính kết nối và tương tác. Truyền thông số cho phép tín đồ tham gia các hoạt động tôn giáo như cầu nguyện trực tuyến, hội thảo giáo lý hoặc các buổi thảo luận. Các nền tảng này tạo điều kiện để tín đồ đặt câu hỏi, nhận giải đáp từ các nhà lãnh đạo tôn giáo và duy trì mối quan hệ gắn kết với cộng đồng tôn giáo bất kể khoảng cách địa lý. Những lợi ích trên không chỉ giúp tổ chức tôn giáo phát triển mà còn tạo ra sự đổi mới trong cách tiếp cận, giúp các giá trị tôn giáo dễ dàng đi vào đời sống hiện đại.
Có thể lấy ví dụ từ chiến lược truyền thông số toàn cầu của Giáo hội Công giáo. Tòa thánh Vatican đã sử dụng hiệu quả các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Instagram, YouTube để truyền tải thông điệp của Giáo hoàng đến hàng triệu tín đồ trên toàn thế giới. Tài khoản Twitter chính thức của Giáo hoàng (@Pontifex) với hơn 18 triệu người theo dõi được cập nhật thường xuyên bằng nhiều ngôn ngữ, giúp tiếp cận đa dạng đối tượng tín đồ. Chiến lược thành công do ngôn ngữ gần gũi và hình ảnh trực quan; nội dung được trình bày dễ hiểu, kết hợp với hình ảnh và video có ý nghĩa biểu tượng giúp tín đồ cảm nhận rõ hơn các thông điệp tôn giáo. Các sự kiện cầu nguyện trực tuyến quy mô lớn như Urbi et Orbi (Phép lành toàn cầu) không chỉ truyền tải ý nghĩa tôn giáo sâu sắc mà còn thu hút hàng triệu người theo dõi trực tuyến, tạo không gian kết nối cộng đồng tín đồ. Bên cạnh đó, Tòa thánh đã thiết lập kênh YouTube riêng để truyền trực tiếp các sự kiện tôn giáo lớn như lễ Phục sinh, giúp tín đồ khắp nơi có thể tham dự mà không bị giới hạn bởi khoảng cách hay điều kiện. Sự kết hợp giữa nội dung giàu ý nghĩa, chiến lược truyền thông hiện đại và các nền tảng số đã giúp Giáo hội Công giáo kết nối hiệu quả với cộng đồng toàn cầu, mở rộng tầm ảnh hưởng và lan tỏa các giá trị tôn giáo đến nhiều thế hệ.
Một ví dụ thành công từ Giáo hội Tin Lành Hillsong ở Úc đã tận dụng các nền tảng số để tổ chức các buổi lễ nhạc thờ phượng trực tuyến với phong cách hiện đại, thu hút hàng triệu người tham dự trên toàn thế giới. Chiến lược thành công nhờ phát triển một ứng dụng di động tích hợp, nơi tín đồ có thể nghe nhạc thánh ca, đọc Kinh Thánh và đóng góp từ thiện. Giáo hội còn sử dụng YouTube để phát hành các video nhạc thờ phượng chất lượng cao, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, chú trọng vào hình ảnh và nội dung sáng tạo, phù hợp với giới trẻ, qua đó, gia tăng sự hấp dẫn và tiếp cận hiệu quả. Bằng cách kết hợp truyền thống tôn giáo với các công cụ hiện đại, Hillsong đã không chỉ củng cố vị trí của mình trong cộng đồng tín đồ mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu, truyền cảm hứng cho nhiều tổ chức tôn giáo khác.
Ở Việt Nam, truyền thông số đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tổ chức tôn giáo với tín đồ và cộng đồng tại Việt Nam. Tận dụng công nghệ hiện đại, nhiều tổ chức tôn giáo đã đổi mới phương thức truyền tải thông điệp, tổ chức các sự kiện trực tuyến và xây dựng cộng đồng trực tuyến mạnh mẽ. Các tôn giáo lớn tại Việt Nam, như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành và Cao Đài, đã và đang sử dụng truyền thông số để thích nghi với thời đại công nghệ.
Đối với Phật giáo, những ngày đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, thời điểm Việt Nam được kết nối với thế giới qua mạng internet, một tăng sỹ người Úc tiên phong trong lĩnh vực đưa Phật giáo lên mạng internet đã mạnh dạn khẳng định rằng, nếu Đức Di Lặc ra đời trong hoàn cảnh này, thì chắc chắn ngài không thể không sử dụng đến phương tiện internet để hoằng pháp. Thích ứng với thời đại, những năm gần đây, ứng dụng công nghệ 4.0 hay chuyển đổi số việc ứng dụng các tiện ích sẵn có của công nghệ, Phật giáo với tinh thần khế lý, khế cơ đã kết nối truyền thống với hiện đại thông qua truyền thông số. Là một trong những tôn giáo lớn nhất tại Việt Nam, Phật giáo đang phát huy hiệu quả truyền thông số để tiếp cận đông đảo tín đồ, đặc biệt là giới trẻ, đồng thời, giữ vững giá trị truyền thống lâu đời. Phật giáo có các hoạt động nổi bật như giảng pháp khóa tu thiền, lễ hội tôn giáo trực tuyến trên YouTube, Facebook, TikTok thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và tạo không gian kết nối cho cộng đồng phật tử và lễ hội trực tuyến với các kênh truyền thông Phật giáo phổ biến như Phật pháp ứng dụng hay pháp thoại… đã trở thành nơi học hỏi giáo lý Phật pháp, với hàng trăm nghìn lượt xem và bình luận tích cực mỗi ngày, thể hiện sức hút mạnh mẽ từ nội dung có chiều sâu và giá trị nhân văn. Các buổi livestream hỏi đáp về tâm linh, đời sống và đạo đức không chỉ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu mà còn mở ra không gian trao đổi trực tiếp giữa phật tử và các nhà sư, góp phần giải quyết các vấn đề thực tế trong cuộc sống. Đặc biệt, truyền thông số của Phật giáo đã tiếp cận trực tiếp được tới tín đồ trẻ tuổi, đem giáo lý Phật giáo đến gần hơn với giới trẻ thông qua video, hình ảnh, podcast sinh động, tạo cảm giác gần gũi và dễ tiếp nhận. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đã giúp Phật giáo duy trì sức sống mạnh mẽ, không chỉ trong việc bảo tồn giá trị mà còn trong việc lan tỏa tư tưởng nhân văn đến với mọi tầng lớp xã hội.
Một thánh lễ cầu nguyện của Công giáo được phát trực tiếp trên YouTube
Học hỏi từ chính Tòa thánh Vatican, Công giáo tại Việt Nam cũng nhanh chóng ứng dụng công nghệ để phục vụ mục tiêu kết nối với tín đồ và quảng bá thông điệp tôn giáo của mình để phát triển cộng đồng số hóa, kết nối tín đồ, lan tỏa đức tin và duy trì các hoạt động tôn giáo trong bối cảnh hiện đại. Những nỗ lực này không chỉ đáp ứng nhu cầu tôn giáo trong nước mà còn tạo cầu nối với cộng đồng Công giáo trên toàn thế giới, với các hoạt động nổi bật như: truyền thông trên mạng xã hội, sự kiện trực tuyến, ứng dụng và podcast học hỏi giáo lý… Nhiều giáo phận và giáo xứ lớn như Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng Facebook, YouTube để truyền tải thông báo, tổ chức thánh lễ trực tuyến, chia sẻ thông điệp đức tin, đặc biệt trong thời kỳ dịch COVID-19, giúp tín đồ có thể tham dự từ xa. Các trang web và ứng dụng như: Công giáo Việt Nam, Giáo phận Hà Nội, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn… cung cấp lịch thánh lễ, bài giảng và thông tin giáo lý; tận dụng mạng xã hội để chia sẻ các thông điệp đạo đức, kêu gọi quyên góp từ thiện và tổ chức sự kiện cộng đồng. Các trang mạng xã hội này thường thu hút lượng lớn tín đồ theo dõi, cung cấp thông tin nhanh chóng về các sự kiện tôn giáo. Trong đại dịch COVID-19, nhiều nhà thờ đã tổ chức thánh lễ trực tuyến, với các buổi lễ lớn như Giáng sinh, Phục sinh được phát trực tiếp, thu hút hàng trăm nghìn tín đồ tham gia; hay như Tòa Giám mục Đà Nẵng thường xuyên tổ chức cầu nguyện qua Zoom và Facebook Live, tạo nên không gian gắn kết giữa các tín đồ. Nhiều ứng dụng như Giáo lý online cung cấp bài giảng qua video và trắc nghiệm, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận kiến thức tôn giáo; Podcast Công giáo Việt Nam cũng là một sáng kiến nổi bật, chia sẻ suy niệm và câu chuyện truyền cảm hứng qua các nền tảng như Spotify, Apple Podcasts. Ở Việt Nam, việc số hóa đời sống nhà thờ được thể hiện khá sôi động. Số hóa các dịch vụ nhà thờ và các dịch vụ kỹ thuật số khác là xu hướng tất yếu trong bối cảnh đại dịch và sau đại dịch hiện nay. Mô hình cầu nguyện trực tuyến, học giáo lý online và các thánh lễ được tổ chức qua mạng có thể được xem như các mô hình đầu tiên của số hóa. Trên thực tế, trong các nhà thờ, đời sống đức tin cộng đồng đã gặp gỡ sinh động trong không gian kỹ thuật số. Với hình thức sinh hoạt tín ngưỡng này thì các tín đồ sẽ không bị cô đơn trong thời gian bị hạn chế gặp gỡ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa nhà thờ không đơn thuần là biện pháp đối phó với đại dịch thế kỷ, mà nó là xu thế tất yếu trong tương lai bởi khả năng kết nối, bảo tồn các giá trị và bản sắc tôn giáo, đồng thời, tạo ra một phạm vi tiếp cận rộng rãi và bền vững trên toàn thế giới.
Có thể thấy, Công giáo Việt Nam đã thành công khi kết hợp hiệu quả giữa việc bảo tồn các giá trị truyền thống và sử dụng công nghệ số để làm mới nội dung, điển hình như kênh YouTube của nhà thờ Đức Bà Sài Gòn không chỉ phát sóng thánh lễ mà còn chia sẻ những video giới thiệu về lịch sử và kiến trúc nhà thờ, tạo hứng thú cho giới trẻ. Một thành công nữa là gắn kết được giới trẻ thông qua các nhóm Công giáo trẻ tuổi tận dụng TikTok để sáng tạo video ngắn, truyền tải thông điệp đức tin qua bài học từ Kinh Thánh hoặc trích đoạn bài giảng ý nghĩa và các sự kiện cầu nguyện trực tuyến đã tạo cơ hội để giới trẻ gắn bó hơn với cộng đồng đức tin. Cộng đồng số hóa cũng giúp cho Công giáo người Việt ở nước ngoài cũng tích cực tham gia các buổi cầu nguyện trực tuyến do giáo phận trong nước tổ chức, tạo nên mạng lưới kết nối xuyên biên giới.
Tin Lành Việt Nam với việc hiện đại hóa truyền thông tôn giáo đã có sự sáng tạo và nhanh nhạy trong việc sử dụng truyền thông số để lan tỏa thông điệp tôn giáo. Việc này không chỉ giúp Tin Lành mở rộng ảnh hưởng mà còn tạo ra sự gắn kết mạnh mẽ trong nội bộ cộng đồng tín hữu. Nhiều hội thánh Tin Lành ở Việt Nam, như Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam tổ chức các buổi thờ phượng trực tuyến với âm nhạc hiện đại, phong cách gần gũi, thu hút sự quan tâm của giới trẻ; tích cực phát triển các kênh YouTube, Zalo, Facebook và podcast chia sẻ bài giảng, câu chuyện đức tin, kinh nghiệm sống theo giáo lý Tin Lành; truyền tải thông điệp, thông báo lịch sinh hoạt, tổ chức các buổi giảng Kinh Thánh trực tuyến; sử dụng các ứng dụng di động để quản lý sinh hoạt tín đồ, gửi thông báo và tổ chức nhóm nhỏ học Kinh Thánh trực tuyến giúp tín đồ dễ dàng tiếp cận và tham gia vào các hoạt động tôn giáo. Các buổi lễ thờ phượng trực tuyến được phát trực tiếp trên YouTube hoặc Facebook đã thu hút hàng nghìn lượt xem, đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Các kênh YouTube như “Tin Lành hôm nay” hay “Giảng kinh online” chia sẻ nội dung giáo lý và lời dạy, nhận được sự tương tác tích cực từ cộng đồng tín hữu. Những video ngắn truyền tải thông điệp tôn giáo bằng hình ảnh và âm nhạc sống động cũng được sản xuất để tiếp cận đối tượng trẻ tuổi trên các nền tảng như TikTok. Các hội thánh Tin Lành cũng tận dụng công nghệ để huy động tài trợ cho các dự án từ thiện, cung cấp hỗ trợ nhân đạo, kết nối cộng đồng thông qua các chiến dịch số hóa. Có thể thấy, Tin Lành Việt Nam, với sự nhanh nhạy trong việc hiện đại hóa truyền thông, đang tạo ra một mô hình phát triển tôn giáo vừa truyền thống vừa hiện đại, góp phần đưa thông điệp đức tin đến gần hơn với cuộc sống của người dân trong thời đại số.
Đối với Cao Đài, là một tôn giáo nội sinh, Cao Đài cũng đã bắt đầu khai thác tận dụng truyền thông số để tăng cường nhận diện và kết nối với tín đồ. Với những hoạt động nổi bật như: sử dụng mạng xã hội để chia sẻ các nghi thức tôn giáo, giáo lý và hình ảnh lễ hội tại các thánh thất; tổ chức các buổi nói chuyện trực tuyến về lịch sử, triết lý và giá trị nhân văn của đạo Cao Đài đã giúp tăng cường nhận thức cộng đồng về giá trị văn hóa và triết lý tôn giáo của Cao Đài và hỗ trợ tín đồ giữ gìn đời sống đạo qua các nội dung hướng dẫn trực tuyến.
Với những thành công trên cho thấy sự ứng dụng truyền thông số trong các tôn giáo ở Việt Nam là một minh chứng cho thấy công nghệ không chỉ phục vụ đời sống vật chất mà còn góp phần phát triển đời sống tinh thần, là cầu nối giúp truyền bá các giá trị đạo đức và tâm linh đến với đông đảo cộng đồng. Để tiếp tục phát triển và phát huy hiệu quả của truyền thông số, các tổ chức tôn giáo cần đầu tư vào chiến lược truyền thông dài hạn, sử dụng công nghệ mới một cách sáng tạo nhưng vẫn giữ được tính chính thống, giá trị nhân văn cốt lõi và phù hợp với nhu cầu của thời đại. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để tôn giáo tiếp tục khẳng định vai trò tích cực trong đời sống xã hội hiện đại.
Minh Hồng