Các tổ chức tôn giáo tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2024
Ngày đăng: 27/12/2024
Các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là kết quả được ghi nhận tại Hội nghị sơ kết 3 năm (2021-2024) triển khai thực hiện chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, diễn ra ngày 26/12/2024.

Sau khi ký kết Chương trình phối hợp, các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, chức việc tỉnh Đồng Nai đã vận động đồng bào các tôn giáo và Nhân dân trong tỉnh tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, như: trồng cây; giảm đốt nhang, vàng mã; phân loại chất thải rắn tại nguồn; sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tiết kiệm năng lượng; sử dụng nước sạch… Cùng với sự giúp đỡ của các ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh, các tôn giáo đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay, toàn tỉnh đang duy trì 154 mô hình tham gia bảo vệ môi trường tại các cơ sở thờ tự, vùng đồng bào các tôn giáo. Nhiều mô hình do các tôn giáo thực hiện trở thành điểm sáng trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Cụ thể: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh ngoài truyền thông đã đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hoạt động hằng năm, giúp tăng, ni, phật tử hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với môi trường sống, đồng thời, động viên các cơ sở Phật giáo vận động phật tử trồng cây; giảm đốt nhang, vàng mã tại nơi thờ tự, trong gia đình. Thượng tọa Thích Đạo Huy, Phó Trưởng ban Trị sự, Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, viện chủ thiền viện Phước Nghiêm, xã Phước Thái, huyện Long Thành cho biết bảo vệ môi trường được cơ sở chú trọng thực hiện với việc trồng, bảo vệ cây xanh tạo cảnh quan; giữ gìn vệ sinh thông qua dọn dẹp rác, phát quang bụi rậm trong cũng như khu vực xung quanh thiền viện. Nhờ vậy mà thiền viện bảo vệ được không gian xanh, sạch, đẹp, là nơi được bà con tìm đến tham quan và đánh giá cao về cảnh quan.

https://moitruongxaydungvn.vn/uploads/images/dong-nai-hieu-qua-tu-chuong-trinh-lien-tich-hanh-dong-bao-ve-moi-truong%20(2).jpg

Thả cá xuống lòng hồ Trị An nhằm bảo vệ môi trường

Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh và Ban Đoàn kết Công giáo các huyện, thành phố đã tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đồng thời, động viên các linh mục, tu sỹ, đồng bào Công giáo phát huy vai trò giám sát tại cộng đồng dân cư về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Các tổ chức tôn giáo Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo cũng tích cực triển khai chương trình hành động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với giáo lý của từng tôn giáo và thông qua các buổi giảng dạy giáo lý, sinh hoạt lễ nghi… Bên cạnh đó, thành viên ban quý tế các cơ sở tín ngưỡng tích cực tham gia tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường; vận động Nhân dân tham gia phong trào xanh - sạch - đẹp tại các đình, miếu; tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động… Với người Công giáo thì bảo vệ môi trường sống là nhiệm vụ trọng tâm của Giáo hội, chức sắc, chức việc, tu sỹ và đồng bào Công giáo, từ đó, nhiều việc làm thiết thực đã được triển khai thực hiện như: gia đình giáo dân giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, cơ sở thờ tự đảm bảo vệ sinh môi trường và xây dựng mảng xanh thông qua hoạt động trồng cây xanh, thảm cỏ, chung tay cùng chính quyền địa phương hưởng ứng các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường gắn với thứ Bảy xanh, Chủ nhật xanh. Ngoài ra, các chức sắc, chức việc, tu sỹ Công giáo còn hỗ trợ chính quyền địa phương tuyên truyền trong tín đồ về các chương trình bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Linh mục Trần Công Hiển, Chánh xứ giáo xứ Biên Hòa cho hay, giáo xứ nằm ở vị trí giao nhau với nhiều trục đường giao thông, giáo dân sinh hoạt tại giáo xứ sống tập trung ở các khu vực trung tâm của thành phố, do vậy, giáo xứ luôn nhắc nhở mọi người chú trọng giữ gìn môi trường sống của gia đình cũng như cộng đồng nơi mình sinh sống, địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tích cực hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường do chính quyền địa phương phát động. Riêng tại giáo xứ vẫn dành không gian để trồng và chăm sóc cây xanh, tạo mảng xanh, điều hòa không khí. Các dịp lễ, Tết, giáo xứ đều trang trí không gian đẹp với nhiều tiểu cảnh để bà con đến tham quan, chụp ảnh. Vật liệu được dùng trang trí thân thiện với môi trường và có thể tái sử dụng nhiều lần vừa giúp tiết kiệm vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung đối với mọi người.

https://www.dongnai.gov.vn/TinTucHinhAnh/dongnai/a677fcbbdd3e178fba3a5e27f4a4a2f3-2024-12-18.14-14-56.jpg

Bà con giáo dân dọn dẹp vệ sinh tại nhà thờ giáo xứ Gia Ray, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai

Một trong những hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu tiêu biểu của các chức sắc, chức việc, cơ sở tôn giáo là xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Chức sắc, chức việc các tôn giáo còn tích cực vận động tín đồ giữ gìn vệ sinh nơi sinh sống và vệ sinh chung. Ở huyện Thống Nhất có 04 tôn giáo đang hoạt động là Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Tin Lành với 75 cơ sở tôn giáo cùng 381 chức sắc, nhà tu hành, 205 chức việc. Tín đồ các tôn giáo chiếm 87,26% trong tổng số 171 nghìn người của huyện và phần lớn trong số này là người theo Công giáo tích cực chung tay hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu bằng việc tham gia các hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường ở khu dân cư, tổ chức trồng hoa, cây xanh ở các tuyến đường, đóng góp vào kết quả chung của huyện trong việc trồng gần 179 nghìn cây xanh các loại, xóa bỏ hình ảnh các ụ rác tự phát dọc nhiều tuyến đường… Linh mục Ngô Hùng Tráng, Chánh xứ giáo xứ Xuân Đức, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất chia sẻ giáo xứ cùng bà con tích cực tham gia vào các hoạt động, phong trào do địa phương phát động trong đó có bảo vệ môi trường. Ngoài ra, giáo xứ còn duy trì việc phục vụ nguồn nước sinh hoạt cho bà con không phân biệt lương - giáo. Huyện Long Thành có gần 40% dân số là đồng bào tôn giáo cũng thực hiện được nhiều kết quả. Tiêu biểu như Phật giáo có 110 tự viện, 16 cơ sở đăng ký hoạt động và 04 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung với trên 2,9 nghìn tu sỹ tuyên truyền, vận động mỗi tự viện tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường gắn với các mô hình tự quản bảo vệ môi trường ở khu dân cư. Theo Đại đức Thích Đạt Ma Trí Hải, Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Long Thành cho biết, các chức sắc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu vào những buổi thuyết pháp cho phật tử gắn với việc giữ gìn sạch sẽ nơi mình sinh sống, đến nơi công cộng phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Bên cạnh đó, hướng dẫn tín đồ trồng cây thuốc Nam nhằm tăng mảng xanh và cung cấp nguồn dược liệu chữa bệnh từ thiện cho người nghèo. Trong số 71 mô hình “Tổ tự quản môi trường ở khu dân cư”, nhiều mô hình có sự tham gia tích cực của Phật giáo, như: trồng cây xanh, vườn thuốc Nam, tổ chức quét dọn vệ sinh các tuyến đường, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh… Ngoài ra, hưởng ứng đợt phát động thi đua, các cơ sở Phật giáo, gia đình phật tử còn tích cực tham gia trang trí đường làng, ngõ xóm vào những dịp lễ, Tết, làm đẹp cho khu dân cư. Một trong những hoạt động được Phật giáo Đồng Nai thực hiện thường xuyên và liên tục là phóng sinh. Theo Thượng tọa Thích Huệ Khai, Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, việc phóng sinh giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản, giúp bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Trong đó, định kỳ hằng năm, vào dịp lễ Phật đản, các tăng, ni, phật tử lại đồng loạt thực hiện hoạt động phóng sinh. Cụ thể, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và thành phố Biên Hòa đã tổ chức phóng sinh hàng trăm nghìn con cá thuộc nhiều loại khác nhau xuống sông Đồng Nai đoạn chảy qua thành phố Biên Hòa. Riêng tại huyện Cẩm Mỹ, theo Đại đức Thích Nhuận Hành, Phó Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện, các tăng, ni cùng phật tử tại nhiều tự viện trên địa bàn đã tổ chức thả cá phóng sinh ở một số con suối lớn. Hoạt động thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của Nhân dân góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ làm điều lành, tránh điều dữ, chung tay bảo vệ môi trường sống trong đó có giữ gìn sự đa dạng động thực vật.

Học viên thực tập thiền trong môi trường gần gũi với thiên nhiên tại thiền viện Phước Sơn

Bên cạnh việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tín đồ các tôn giáo còn thu gom rác thải để sàng lọc phế liệu bán gây quỹ thực hiện hoạt động an sinh xã hội. Một trong số đó là mô hình “Gom ve chai - tạo quỹ bác ái” của giáo xứ Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom. Với mô hình này, các gia đình đem ve chai ra trước cổng nhà để các bạn trẻ trong ban giới trẻ giáo xứ đi thu gom vào những ngày cố định được thông tin trước, từ đó, tạo thói quen cho mỗi gia đình là khi nhà có đồ ve chai thì gom lại. Sau khi thu gom, thành viên thực hiện mô hình tập kết, phân loại, sau đó, liên hệ với các vựa thu mua phế liệu đến thu mua.  Việc gom ve chai được tổ chức rất chu đáo, các xe đi gom đều mở loa tuyên truyền thông điệp bảo vệ môi trường. Số tiền có được từ hoạt động này dùng mua thực phẩm giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn thể hiện tình cảm gần gũi, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng. Hay mô hình “Nhân dân và điểm nhóm Tin Lành Ruộng Tre” tham gia bảo vệ môi trường gắn với giữ gìn an ninh trật tự liên tổ 9, tổ 11, ấp Ruộng Tre, xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh có 38 thành viên là giáo dân và Nhân dân tham gia vào các hoạt động ra quân dọn dẹp vệ sinh khu dân cư, tuần tra đảm bảo an ninh trật tự góp phần đem lại bình yên cho Nhân dân. Hoạt động của các mô hình này lan tỏa rộng, mỗi đợt ra quân bảo vệ môi trường là các gia đình khác cử thành viên cùng tham gia xây dựng và giữ gìn cơ sở thờ tự của điểm nhóm trang nghiêm, trong lành, nơi ở xanh - sạch - đẹp. Ngoài ra, từ nguồn lực đóng góp của các thành viên cộng với một phần tiết kiệm từ bán phế liệu trong lúc dọn dẹp vệ sinh môi trường tại nhà của các thành viên, thông qua mô hình này, đã đóng góp lắp bóng đèn chiếu sáng và 6 camera an ninh giám sát dọc theo tuyến đường, trị giá gần 20 triệu đồng, đồng thời, thành viên mô hình cùng bà con trong ấp đã xây dựng tuyến đường xanh, sạch, đẹp dài 400m, trồng 300 cây xanh và các thảm hoa, lắp đặt 43 trụ cờ Tổ quốc.

https://www.dongnai.gov.vn/TinTucHinhAnh/dongnai/a677fcbbdd3e178fba3a5e27f4a4a2f3-2024-12-27.09-20-53.jpg

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai trao Bằng khen đến các cá nhân tôn giáo

Với những kết quả đạt được, nhân dịp Hội nghị sơ kết 3 năm (2021-2024) triển khai thực hiện chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã trao tặng khen thưởng cho 10 tập thể và 10 cá nhân; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh khen thưởng 25 tập thể và 25 cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện chương trình.

Anh Vũ