Các tổ chức tôn giáo thành phố Hải Phòng hành động thiết thực để bảo vệ môi trường
Ngày đăng: 08/07/2024
Đại diện các tổ chức tôn giáo của Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài tại Hải Phòng tham gia ký kết chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, giai đoạn 2023-2026
Thành phố Hải Phòng hiện có 04 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Tin Lành, với hơn 700 cơ sở tôn giáo, gần 500 chức sắc, 1.400 chức việc và trên 410 nghìn tín đồ, chiếm 21% dân số toàn thành phố. Những năm trở lại đây, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở thành phố Hải Phòng diễn ra phong phú, sôi nổi. Chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đóng góp tích cực trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có sự chung tay góp sức làm tốt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Từ nâng cao nhận thực về bảo vệ môi trường

Với số lượng chức sắc, tín đồ chiếm 1/5 dân số toàn thành phố, đồng bào tôn giáo là nhân tố nòng cốt để tuyên truyền chủ trương, chính sách an sinh - xã hội của Đảng và Nhà nước vào đời sống, trong đó, công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với quá trình phát triển bền vững. Từ tháng 7/2016, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố đã tham gia ký kết chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng mô hình điểm bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư. Chương trình do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp phát động.

Ngay sau lễ ký kết chương trình phối hợp cấp thành phố, nhiều địa phương đã tổ chức ký cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giữa các thôn, tổ dân phố, các cơ sở tôn giáo, hộ gia đình qua nhiều nội dung và tiêu chí cụ thể. Trong quá trình triển khai, nhiều mô hình điểm được xây dựng và bước đầu mang lại hiệu quả, ý thức bảo vệ môi trường thực sự được lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Tại các cơ sở tôn giáo, bảo vệ môi trường được xem là một quan điểm chuẩn mực, với phương châm “tốt đời, đẹp đạo”. Hành động bảo vệ môi trường được coi là nhân tố bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của các tín đồ. Cùng với đó, các giá trị tốt đẹp và tình đoàn kết giữa các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy. Nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh cùng các hoạt động vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác thải ở thôn, tổ dân phố, khu dân cư được thực hiện đa dạng với nhiều biện pháp. Việc giữ gìn cảnh quan đường làng, ngõ xóm, sạch đẹp, trồng cây xanh ở những nơi công cộng được thực hiện tự quản, thường xuyên.

Từ đó đến nay, nhận thức của đồng bào tôn giáo và Nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu từng bước được nâng lên, lan tỏa đến từng cộng đồng dân cư, phù hợp với giáo lý, giáo luật của mỗi tôn giáo và mục tiêu phát triển xã hội chung của địa phương nên được đông đảo chức sắc, tín đồ và cộng đồng tôn giáo nhiệt tình hưởng ứng. Chính quyền tại các quận, huyện thường xuyên phối hợp, trao đổi với chức sắc tôn giáo, hướng dẫn, phổ biến về chủ trương bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay; vận động chức sắc, tín đồ cam kết xây dựng, giữ gìn cơ sở thờ tự, nơi sinh hoạt tôn giáo bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp. Ở nhiều cộng đồng tôn giáo, việc tổ chức ký cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai đến từng hộ gia đình, từng cơ sở thờ tự của tôn giáo. Chức sắc tôn giáo chủ động hướng dẫn, phổ biến đến bà con tín đồ không chặt phá cây xanh, không khai thác cát, sỏi, đổ chất thải trái phép, không sử dụng chất cấm, chất kích thích và chất bảo vệ thực vật trái với quy định trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến… phát động chiến dịch dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh cơ sở thờ tự và địa bàn dân cư theo từng tuần, vận động người dân ý thức phân loại rác từ trong gia đình.

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20220819145313-6.jpeg

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20220819145313-7.jpeg

Tín đồ phật tử tham gia tưới nước, chăm sóc cây xanh, vệ sinh không gian đường phố xung quanh khu vực chùa Hang, quận Đồ Sơn

Đến hành động thiết thực của các tôn giáo

Từng tổ chức tôn giáo của Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài đều có hình thức tuyên truyền, vận động đồng bào tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng đưa nội dung tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các trường hạ an cư, khóa tu của phật tử, các buổi học chính khóa và chương trình sinh hoạt ngoại khóa của tăng, ni sinh tại trường đào tạo Phật học. Các cơ sở tự viện tham gia ký kết giao ước thực hiện phóng sinh các loài cá, chim và tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã; khuyến khích đồng bào phật tử tích cực thực hiện nếp sống thiểu dục, tri túc, ăn chay - sống xanh - bảo vệ môi trường - lan tỏa yêu thương... tuyên truyền ý thức về bảo vệ môi trường trong phật tử, Nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm, không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan trong mỗi dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội gắn liền với di tích, cơ sở thờ tự.

Giám đốc Caritas Hải Phòng trình bày tham luận tại Hội thảo - cập nhật kiến thức về quản lý rủi ro thiên tai, bảo vệ môi trường cho các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo và các cơ quan, ban, ngành thành phố Hải Phòng, năm 2019

Thực hiện những giáo huấn về bảo vệ môi trường của Giáo hoàng Phanxicô trong thông điệp Laudato Si’, Caritas Hải Phòng đã có nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu với phương châm bảo vệ môi trường bắt đầu từ những hành động nhỏ của mỗi người trong sinh hoạt hàng ngày, sử dụng hiệu quả nguồn nước, các thiết bị tiết kiệm điện, thu gom và xử lý rác thải đúng nơi quy định, nói không với túi nilông, tích cực trồng cây xanh… Nhận thấy nhận thức của người dân về môi trường còn hạn chế, ý thức tự giác bảo vệ môi trường và gìn giữ môi trường chưa thực sự trở thành thói quen trong cách sống của nhiều người, cộng đoàn giáo xứ Hải Phòng chú trọng đẩy mạnh truyền thông và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường ngay tại cộng đoàn giáo xứ để mỗi thành viên tích cực hơn trong tham gia bảo vệ môi trường.

Theo đó, Caritas Hải Phòng đã tổ chức các buổi hội thảo, truyền thông về môi trường, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức cho giáo dân trong công tác bảo vệ môi trường, như Hội thảo - cập nhật kiến thức về quản lý rủi ro thiên tai và bảo vệ môi trường cho các tổ chức tín ngưỡng tại giáo xứ Đông Xuyên, hoạt động truyền thông với chủ đề “Bảo vệ môi trường là việc làm đẹp lòng Chúa” tại giáo xứ Thủy Giang. Truyền thông và hội thảo đã kết nối những sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, có tính ứng dụng cao về bảo vệ môi trường. Không chỉ dừng lại ở những hoạt động truyền thông, Caritas Hải Phòng còn phối hợp với các giáo xứ triển khai các chương trình ra quân trồng cây xanh, trao tặng thùng rác thân thiện, thu gom rác thải, xây dựng bãi tập kết rác thải tại giáo xứ; phòng ngừa rủi ro thiên tai bằng cách dạy bơi cho trẻ em vùng nước mở.

Thanh niên, học sinh tham gia dọn vệ sinh, thu gom rác thải tại bờ kè Gia Lộc, huyện Cát Hải

Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) tại Hải Phòng thường xuyên kết hợp, lồng ghép trong các giờ lễ để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở tín hữu, thanh niên phải có ý thức, lối nghĩ, cách làm, hành vi ứng xử thân thiện với thiên nhiên, môi trường; quan tâm gìn giữ, bảo vệ môi trường sống cho chính mình và cho cộng đồng; đưa nội dung phân tích về thiên tai, động đất, sóng thần xâm ngập mặn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu… vào bài giảng của các mục sư, truyền đạo Hội thánh. Tại các cộng đồng Tin Lành, việc phát huy tinh thần “bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của chính mình, của mọi người và bảo vệ hành tinh xanh” trong các hoạt động huy động sự tham gia của tín đồ ở các chi hội thực hiện thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì nilon, tiến tới bỏ thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy đều được chức sắc, tín hữu nhiệt tình hưởng ứng. Cùng với đó, họ đạo Cao Đài thành phố thường xuyên vận động cộng đồng tín đồ trồng nhiều cây xanh, cây cảnh, tổ chức dọn vệ sinh, bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp, hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được

Sau 07 năm triển khai chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều mô hình điểm đã được triển khai trên địa bàn thành phố thu được kết quả tốt, như: mô hình “Tự quản bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư” tại thôn Đốc Hậu, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng đã được tổng kết và phát động nhân rộng ra toàn thành phố; mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ven biển hải đảo” tại xã Văn Phong, huyện Cát Hải và xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy; mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư” tại thị trấn An Dương, huyện An Dương; mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại cộng đồng dân cư” vùng đồng bào đạo Tin Lành tại tổ dân phố số 3, phường Bắc Sơn, quận Kiến An… Tại các mô hình điểm, ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, giữ gìn đường làng, ngõ xóm phong quang, vệ sinh, sạch đẹp, trồng cây xanh ở những nơi công cộng được thực hiện tự quản, thường xuyên, đạt kết quả tốt. Thông qua hoạt động tự quản đã phát huy được vai trò của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư, trở thành hành động tự giác từ mỗi người, mỗi nhà cùng tham gia bảo vệ môi trường, tạo hiệu ứng tích cực có sức lan tỏa trong xã hội.

Những kết quả đạt được nêu trên là minh chứng cho việc thay đổi nhận thức của đồng bào tôn giáo và của người dân trên địa bàn thành phố về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời, từ nhận thức đã trở thành những hoạt động thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, đem lại kết quả đáng trân trọng. Các tổ chức tôn giáo tại thành phố Hải Phòng trong quá trình thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng tăng cường sự gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao hiệu quả và từng bước nhân rộng các mô hình điểm trong đồng bào các tôn giáo. Thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai chương trình phối hợp số 08/CTPH-MTTW-TNMT-TCTG, ngày 25/11/2022 về phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2026, tiếp tục cụ thể hóa các hoạt động từng năm phù hợp với giáo luật, giáo lý, đặc điểm tôn giáo và tình hình thực tiễn của mỗi địa phương.

Minh Thanh