Các tổ chức tôn giáo ở Lạng Sơn tích cực hưởng ứng việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 25/06/2024
Các tổ chức tôn giáo tỉnh Lạng Sơn ký kết Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, những năm gần đây, Lạng Sơn cũng đang phải gánh chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, bão lụt, hạn hán diễn ra ngày càng khốc liệt. Trước thực trạng đó, các cơ quan, ban ngành của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến với đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển bền vững, trong đó có phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân tôn giáo và người dân trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm các nội dung: phối hợp, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo nâng cao chất lượng các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng tôn giáo nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành vi theo hướng tích cực của các tổ chức, cá nhân tôn giáo và người dân trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ các tổ chức tôn giáo xây dựng năng lực tự ứng phó của các cộng đồng tôn giáo và người dân khi có rủi ro thiên tại xảy ra bằng việc xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở các địa phương phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các tổ chức tôn giáo trong việc vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo và người dân ở cộng đồng tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ việc biên soạn, phát hành các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với các tôn giáo; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là tuyên truyền Luật Bảo vệ Môi trường đi vào cuộc sống; tăng cường phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo trong việc tham gia trồng, bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên, rừng sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ các tôn giáo tham gia trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm góp phần thực hiện tốt Đề án của Chính phủ đến năm 2025 cả nước trồng được 01 tỷ cây xanh.

Xây dựng mô hình điểm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Tỉnh Lạng Sơn hiện có hơn 11.000 tín đồ thuộc 03 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo và Tin Lành, chiếm khoảng 1,4% dân số toàn tỉnh. Thực hiện Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong thời gian vừa qua, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là Luật Bảo vệ Môi trường 2020, nâng cao vai trò, trách nhiệm của tín đồ các tôn giáo và cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Giai đoạn 2016-2021, 05 mô hình điểm tự quản bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới, mô hình Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong đồng bào dân tộc - tôn giáo tại hhu dân cư Nà Ghéo, xã Đồng Ý (huyện Bắc Sơn), khu dân cư Làng Nắc, xã Mai Sao (huyện Chi Lăng), khu dân cư Khun Slam, xã Hoàng Việt (huyện Văn Lãng), khu dân cư Cửa Nam, phường Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) đã được xây dựng và đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn tỉnh đã nhân rộng lên được hơn 30 mô hình; các huyện, thành phố nhân rộng thêm gần 460 mô hình; cấp xã thêm gần 340 mô hình tự quản về bảo vệ môi trường.

Cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp của cơ sở tôn giáo giữ gìn

Các mô hình này phù hợp với giáo lý, giáo luật, điều kiện, đặc điểm cụ thể của các tôn giáo và nhiệm vụ chung của địa phương, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo chuyển biến mạnh về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhờ sự quan tâm, hướng dẫn của chính quyền các cấp, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, các tổ chức tôn giáo tại địa phương đã triển khai tốt công tác vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan cơ sở tôn giáo xanh - sạch - đẹp, trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thu gom, xử lý các điểm rác thải tự phát; tuyên truyền vận động tín đồ, người dân phân loại rác tại nguồn, thúc đẩy sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, di dời chuồng trại ra xa nơi ở… Theo Thượng tọa Thích Quảng Truyền, Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, trong những năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh có nhiều việc làm thiết thực để bảo vệ môi trường cụ thể như: vận động phật tử đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; hạn chế sử dụng túi nilon, chai nhựa; tuyên truyền, phát động trồng cây xanh, ngày 23 tháng Chạp hằng năm không vứt đồ thờ cúng xuống sông Kỳ Cùng gây ô nhiễm môi trường, tổ chức phóng sinh các loài cá xuống sông Kỳ Cùng để tái tạo nguồn thủy sản và làm sạch nguồn nước... Năm 2023, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức được 20 buổi phóng sinh, tái tạo môi trường các loài cá, cua, ốc tại sông Kỳ Cùng, với tổng số tiền thực hiện là hơn 200 triệu đồng.

Thả cá phóng sinh tại sông Kỳ Cùng

Đồng bào tôn giáo trên địa bàn đã phát huy những điểm tương đồng giữa đường hướng của Giáo hội và chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường của Nhà nước để tuyên truyền, phổ biến quy định về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại cơ sở có đông đảo đồng bào tôn giáo, quần chúng nhân dân. Xu hướng “sống xanh” tại các cơ sở tôn giáo đã và đang là điểm sáng về môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, bà con tín đồ tôn giáo và Nhân dân huyện Bắc Sơn đã hiến gần 188.000m² đất, đóng góp gần 6,2 tỷ đồng, tham gia trên 190.000 ngày công để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi, đồng hành cùng các cấp chính quyền tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ môi trường… Thôn Nà Ghéo, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn hiện có 88 hộ, trong đó có 14 hộ với 76 nhân khẩu theo đạo Tin Lành. Phát huy vai trò tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, từ năm 2016, Ban Liên lạc Hội thánh Tin Lành tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mô hình “Đoàn kết đồng bào lương - giáo tham gia thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” trên địa bàn thôn, hỗ trợ xây dựng 03 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, 11 hố xử lý rác thải tại cụm gia đình, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động tín hữu, người dân tích cực tham gia thực hiện bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan trong lành, trồng cây gây rừng,....

http://tinlanhmienbac.org/wp-content/uploads/2024/05/z5464031026500_006bfdedfb97a0b0ece9f3b728162b58.jpg

Cơ sở tôn giáo được xây dựng khang trang, môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng tôn giáo

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã ký kết, triển khai Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026 với chính quyền các cấp. Chương trình phối hợp giai đoạn mới nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng tôn giáo phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo nâng cao chất lượng các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp. Các tổ chức tôn giáo cam kết nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai nhiều giải pháp tích cực, nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để góp phần thay đổi hành vi theo hướng tích cực về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của cộng đồng tôn giáo và xã hội.

Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tiếp tục vận động đồng bào xóa bỏ những tập quán, thói quen gây ô nhiễm môi trường; xây dựng cơ sở tôn giáo xanh, sạch, đẹp, văn minh; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho chức sắc, chức việc, tín đồ và người dân; đồng thời xây dựng và nhân rộng những mô hình điểm cộng đồng tôn giáo và Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo; tăng cường phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo trong việc tham gia trồng, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên, rừng sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ các tôn giáo tham gia trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm góp phần thực hiện tốt Đề án của Chính phủ đến năm 2025 cả nước trồng được 01 tỷ cây xanh..

Thực hiện tốt Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần phát huy mạnh mẽ hơn nữa sự gắn bó giữa đạo và đời của các tôn giáo, lan tỏa các giá trị tốt đẹp, phát huy vai trò của các vị chức sắc, chức việc, người có uy tín trong cộng đồng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thanh An