CÁC HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Ngày đăng: 03/07/2024
Hội thánh Tin Lành Khả Cảnh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình tham gia bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp
Bảo vệ thiên nhiên là trân trọng món quà của Chúa Trời. Thánh Kinh của đạo Tin Lành có viết: “Đấng Tạo hóa tạo dựng nên thế giới đã có sự cân bằng giữa thiên nhiên và con người”; sách Sáng thế ký chép: “Hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên đất. Đất phục tùng nghĩa là không để đồi hoang đất trống, mà phải trồng cây để bảo vệ môi trường”. Trong quá trình khai thác, chinh phục giới tự nhiên, con người có những giới hạn của mình và cần phải khai thác hợp lý các nguồn lực tự nhiên chứ không phải có sức mạnh toàn năng hay có thể khai thác thỏa thích các nguồn lực tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống của mình. Con người cần phải biết đối xử với thiên nhiên cũng giống như Đức Chúa Trời đối với giới tự nhiên. Nhiều hiện tượng tự nhiên như: sấm sét, lũ lụt, bão và sóng thần đều nằm ngoài tầm kiểm soát của con người, đôi khi còn được xem như là các hình phạt mà Đức Chúa Trời dành cho các tội lỗi của con người.

Hưởng ứng lời kêu gọi về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện Chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026 do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo tại Việt Nam cùng ký kết; thấu hiểu những lẽ phải trong Thánh Kinh, nắm rõ thông điệp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, cộng đồng Tin Lành Việt Nam cùng các tôn giáo cũng như người dân Việt Nam đã chung sức, đồng lòng, có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Những hành động thiết thực được nhân rộng góp phần làm thay đổi cách sống, từ việc ăn, uống, đến sử dụng những đồ dùng sinh hoạt có ảnh hưởng đến môi trường sống như: túi ni lông, chai nhựa,... hình thành thói quen tốt trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, cộng đồng Tin Lành Việt Nam cũng phát huy nhiều sáng kiến, triển khai những mô hình hay nhằm chung tay với các tôn giáo bạn, với chính quyền và người dân thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Phát huy tinh thần “bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của chính mình, của mọi người và bảo vệ hành tinh xanh”, một số Hội thánh Tin Lành ở Việt Nam đã triển khai nhiều mô hình phù hợp với thực tiễn địa phương, cụ thể:

Hội thánh Tin Lành Hà Nội với phương châm “Sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” đã vận động các tín hữu nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, góp sức xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp”. Hội thánh đã vận động các tín hữu dọn vệ sinh nơi sinh sống, phân loại rác thải sinh hoạt hằng ngày, chấp hành tốt luật giao thông đường bộ khi tham gia giao thông. Ngoài ra, Hội thánh còn vận động cư dân địa phương trồng thêm nhiều cây xanh; tổ chức các chương trình đi dọn rác ở xung quanh khu vực bờ Hồ Hoàn Kiếm, bởi Hội thánh cho rằng đây không chỉ là trách nhiệm của mỗi tín hữu với bản thân mình, với cộng đồng tín hữu mà còn là trách nhiệm chung của mỗi công dân Việt Nam đúng như tôn chỉ của Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc là: “Sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”. Hoạt động bảo vệ môi trường được người dân trong khu dân cư hưởng ứng tích cực, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết lương - giáo tại địa phương.

Cuối năm 2016, Hội thánh Tin Lành Hà Nội đã tham gia báo cáo tại Hội thảo khoa học “Bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong tình hình mới, tầm nhìn 2025” với bài tham luận về vai trò của một tín hữu trong việc bảo vệ môi trường sống cùng với các tổ chức khác trên địa bàn Thủ đô chung tay bảo vệ môi trường bằng trách nhiệm của mình để truyền thông cho mọi người xung quanh nâng cao ý thức. Hội thánh Tin Lành Hà Nội luôn vận động bà con tín hữu tích cực tham gia các hoạt động xã hội, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Hội thánh đã soạn những bài giảng vào ngày Chúa nhật dựa trên lời Kinh thánh để tín hữu thấy được mình đang ở đâu và trách nhiệm của mình đến đâu trong công tác bảo vệ môi trường cũng như những vấn đề liên quan đến cuộc sống hằng ngày của mỗi tín hữu. Việc làm này đã giúp họ thay đổi nhận thức trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu từ ngay chính gia đình mình cũng như từ cộng đồng nơi họ đang sinh sống.  

Hội thánh Hồ Sì Pán, xã Pu Sam Cáp, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, từ nhiều năm nay, Ban Chấp sự Hội thánh luôn thực hiện tuyên truyền giữ gìn vệ sinh trong bản làng, để đảm bảo môi trường sinh sống của tín hữu trong bản. Kết quả. hiện nay, đồng bào Mông không còn nuôi nhốt động vật trong nhà, khu nuổi động vật được tách biệt lập với khu sinh hoạt của con người. Trẻ em nơi đây được sống trong một trường sạch sẽ, an toàn, đi trên những con đường sạch, đẹp. Khắp bản đều có nơi thu gom rác sinh hoạt để không ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. “Trước khi tin Chúa, người Mông mình không biết quan tâm đến bảo vệ môi trường, không biết giữ gìn vệ sinh bản làng sạch sẽ để ở. Bây giờ tin Chúa rồi, vì người Mông mình học ít nên chẳng biết cách nói nhiều về điều Chúa làm cho mình, chỉ biết bày tỏ bằng hành động thôi!”, Mục sư nhiệm chức Hầu A Sử, Quản nhiệm Hội thánh Hồ Sì Pán cho biết.

Hố thu gom rác do tín đồ tự làm ở nhiều nơi trong bản Hồ Sì Pán

Hội thánh Tin Lành Khả Cảnh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, gia đình các tín hữu nơi đây rất tích cực trong việc triển khai mô hình vừa tăng gia sản xuất kết hợp với bảo vệ môi trường. Hầu hết các tín hữu và người dân xã Khả Cảnh chủ yếu sống bằng nghề nông là trồng lúa. Mỗi năm, có hàng nghìn tấm rơm rạ bị đốt cháy, thải ra rất nhiều khí cacbonic, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Qua tuyên truyền, Hội thánh đã vận động các hộ gia đình chuyển sang mô hình chăn nuôi khép kín. Mô hình cho phép thu gom rơm rạ ngoài đồng về làm thức ăn chăn nuôi thay vì đốt xả thải ra môi trường, nguồn phân thải ra từ chăn nuôi được ủ thành phân hữu cơ phục vụ cho trồng trọt. Bên cạnh đó, Hội thánh Tin Lành Khả Cảnh còn tuyên truyền cho các tín hữu và người dân xung quanh về việc sử dụng hợp lý thuốc bảo vệ thực vật cũng như việc xử lý các vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định, quán triệt đến toàn thể tín hữu trong Hội thánh không làm những việc như “trồng rau hai luống, nuôi gà hai chuồng”.

Ngoài ra, Hội thánh Tin Lành Khả Cảnh cũng mở nhiều các lớp học truyền thông giúp các hội viên có ý thức và thực hiện nhiều công việc có lợi cho môi trường sống như: tổ chức đi phát quang bờ, bụi rậm, những khu vực quanh đường đi; đóng góp tiền bạc xây dựng đường giao thông nông thôn; khuyến khích bà con trồng những vườn rau nhỏ sạch trong chính gia đình mình, canh tác hữu cơ, chăn nuôi khép kín. Bên cạnh đó, một số xưởng may do các tín hữu của Hội thánh trong quá trình sản xuất đã xử lý những mảnh vải vụn để tái chế thành những sản phẩm như: sản phẩm lau chân, cái bắc nồi trong nhà bếp… giúp vừa giảm thiểu được rác thải lớn thải ra môi trường, lại tạo thêm thu nhập cho công nhân. Mô hình này được nhân rộng ra các xưởng may trên địa bàn xã.

Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) tại Gia Lai thông qua việc tích cực lồng ghép tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong sinh hoạt tôn giáo đã lan tỏa tinh thần tham gia bảo vệ môi trường sống cho các tín hữu tại địa phương. Năm 2017, Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam tại Gia Lai đã tham gia ký kết Chương trình phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Gia Lai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Mục sư Hanh - Trưởng ban Ban Đại diện Hội thánh Tin Lành miền Nam tại Gia Lai cho biết, thông qua việc thực hiện Chương trình phối hợp, các cấp hội thường xuyên hướng dẫn, vận động tín đồ cập nhật kiến thức về bảo vệ môi trường, bắt đầu từ chính gia đình và nơi sinh hoạt của tín đồ như: không vứt rác bữa bãi, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phải được thu gom và bỏ đúng nơi quy định, trồng nhiều cây xanh xung quanh nhà và nơi công cộng, nơi sinh hoạt tôn giáo.

https://btnmt.1cdn.vn/2021/11/26/anh-1-1-.jpg

Tín đồ Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam tại Gia Lai tự đào hố và xử lý rác tại nhà để hạn chế thải rác ra môi trường

Đa số các tín đồ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều làm nông nghiệp, do đó, Hội thánh đã thực hiện tuyên truyền để các tín đồ tổ chức sinh hoạt, sản xuất thân thiện với môi trường, không gây ra những tác nhân làm ảnh hưởng đến môi trường, gia tăng biến đổi khí hậu như: sử dụng chất kích thích và thuốc bảo vệ thực vật theo chỉ dẫn, không đổ rác thải ra môi trường, thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định, tự đào hố rác tại nhà và xử lý sau khoảng 3-4 tuần, không khai thác cát, đá xây dựng bừa bãi, không phá rừng… Nhờ cách thức tuyên truyền thường xuyên kết hợp lồng ghép trong các buổi thuyết giảng Kinh Thánh, họp thôn, làng, Hội thánh Tin Lành tại Gia Lai đã giúp tín đồ trong đạo hiểu được bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là đem lại lợi ích, sức khỏe cho chính mình và xã hội.

https://btnmt.1cdn.vn/2021/11/26/anh-2(2).jpg

Bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được đồng bào đạo Tin Lành thải bỏ đúng nơi quy định

Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) Chi hội Dương Yên ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam xây dựng các mô hình thu gom, phân loại các vật dụng từ nhựa, bao bì ni lông… được triển khai từ năm 2020 đến nay, đã huy động sự tham gia của các tín đồ Tin Lành. Các tín đồ tham gia giữ gìn cảnh quan tại cơ sở thờ tự và tư gia xanh, sạch, đẹp, đồng thời, thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” để tiến tới bỏ thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Trong sinh hoạt hằng ngày, tại các cuộc hội họp, tín đồ Tin Lành của Chi hội cũng được tuyên truyền không sử dụng ly, cốc, bình nhựa dùng một lần, thay vào đó là các sản phẩm làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường, dễ phân hủy. Phong trào hoạt động của Chi hội đã thu hút được rất nhiều tín đồ Tin Lành tham gia thu gom, phân loại rác thải, mang rác thải nhựa để đổi lấy các cây ăn quả về trồng.

Có thể nói, thông qua công tác tuyên truyền, vận động kết hợp của các cấp chính quyền, các Hội thánh Tin Lành trên khắp Việt Nam đã và đang tạo nên các mô hình, phong trào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thực hiện tại địa phương của mình. Những việc làm đó đã lan tỏa rộng, trở thành thói quen sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Tin Lành các địa phương góp phần thể hiện văn hóa ứng xử tốt đẹp của đạo Tin Lành với môi trường, với xã hội, chung tay vào nỗ lực của cộng đồng tôn giáo Việt Nam trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thụy Giang