Bảo tồn sách lá buông của người Chăm
Ngày đăng: 18/04/2023
Chữ viết trên kinh sách
Người Chăm viết chữ trên nhiều chất liệu khác nhau như khắc chữ trên đá, gỗ, kim loại, viết chữ trên giấy, da thú, tre và vải. Trong đó, có việc khắc chữ trên chất liệu lá buông. Loại chữ người Chăm viết trên lá buông là chữ Akhar Thrah xuất hiện đầu tiên trên mi cửa đền tháp Po Ramê vào thế kỷ thứ XVII.

Đến nay, người Chăm vẫn còn sử dụng trong giao tiếp hành chính, ghi chép địa bạ, luật tục, văn chương và kinh kệ. Đối với chữ viết trên lá buông chỉ có tầng lớp chức sắc sử dụng để phục vụ trong tôn giáo, thực hành nghi lễ và tôn chức.

Di sản sách lá buông - một tài liệu quý hiếm

Sách lá buông tiếng Chăm gọi là Agal bac, được bảo quản trong Baganrac và giao cho Cả sư trụ trì đền tháp quản lý. Khi người Cả sư qua đời, kinh sách được bàn giao lại cho Cả sư kế cận tiếp tục quản lý. Việc phân công, phân nhiệm được cộng đồng và luật tục thừa nhận từ bao đời nay, truyền thống đó vẫn được tôn trọng và thực hiện nghiêm túc. Hiện nay, kỹ thuật viết chữ trên chất liệu lá buông của người Chăm đã bị thất truyền, số lượng kinh sách lá còn lại rất ít. Hơn thế nữa, nạn chảy máu cổ vật làm cho kinh sách lá buông của người Chăm trở thành tài liệu quý hiếm, hiện vật cổ được giới sưu tầm đồ cổ tìm đến mua bán, trao đổi, càng làm kinh sách lá buông của người Chăm biến mất khỏi cộng đồng. Trước thực trạng trên, kinh sách lá buông của người Chăm đứng trước nguy cơ bị mai một. Do đó, việc nghiên cứu, tìm ra giải pháp bảo tồn kinh sách lá của người Chăm nói riêng và ở Việt Nam nói chung là một nhiệm vụ khoa học cấp bách và cần thiết.

Lá buông có tên khoa học Corypha lecomtei, tiếng Chăm gọi là hala Lipuel. Lá buông để làm kinh sách, chọn những chiếc lá không quá già, không quá non, chặt mang về phơi nắng, bảo quản trong bóng mát. Cắt từng chiếc lá theo kích thước đã ước lượng trước, tước bỏ gân, chọn lấy những lá có kích thước đều và cân đối với nhau. Lá được ép, nẹp bằng hai thanh gỗ và buộc dây chặt để cho lá buông thẳng, láng và phẳng. Những người chế tác kinh thường chuẩn các xấp lá buông để sẵn, khi cần viết chữ thì mang ra sử dụng. Lá buông được bấm lỗ ở 2 đầu và một lỗ ở chính giữa để xâu dây chỉ giúp liên kết từng chiếc lá chặt trong một quyển sách. Từng chiếc lá buông không có đánh số thứ tự trang nên sợi chỉ có chức năng giữ lá buông theo trật tự sắp xếp cố định. Mỗi lần mở kinh ra đọc từ trang đầu đến trang cuối. Sau đó, được xếp lại như ban đầu và dùng sợi dây chỉ buộc lại bộ sách lá buông như một quyển sách.

Khai thác lá buông trong rừng tự nhiên

Nội dung chính viết trong các sách lá của người Chăm tập trung chủ yếu vào các đề tài tín ngưỡng, tôn giáo, hướng dẫn cách hành lễ và những lời khuyên răn dành cho các chức sắc Basaih. Sách lá buông của người Chăm có tựa đề thánh tẩy đất đai, đền tháp và nhà cửa (Balih tanâh), triết lý tôn giáo (Sakarai adat), truyền thuyết Po Kuk, hướng dẫn nghi lễ chặn nước đầu nguồn (Pakap halau kraong), tế thần lửa (Cuh yang apuei), cầu mưa, cầu đảo (Paralao kasah), tôn chức và tấn phong chức sắc (Agal praong)…

Kỹ thuật viết chữ trên lá buông

Việc khắc chữ trên lá buông đòi hỏi một kỹ năng nhất định, cần có sự tập trung, tỉ mỉ và khéo léo. Nếu mạnh tay quá thì làm rách lá, thủng lá, còn nhẹ tay thì nét chữ hiện ra không rõ nét. Khắc nhanh cũng không được, người khắc chữ phải cầm mũi dao đều tay, cân đối từng chữ cái, dấu âm và hàng chữ. Trước khi khắc chữ, các chức sắc người Chăm tắm rửa sạch sẽ, khấn thần linh xin phép được khắc chữ làm bộ kinh để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo. Người khắc chữ thường chọn không gian yên tĩnh, mát mẻ ngồi khắc từng chữ cái. Theo nội dung được chuẩn bị sẵn, người khắc chữ ngồi vào bàn dùng một miếng gỗ bằng phẳng lót dưới lá buông, tay cầm con dao nhỏ, khắc mũi dao vào lá buông. Quá trình khắc chữ, hoàn thành hết một chiếc lá như một trang giấy mời dừng tay. Cứ như thế, cho đến khắc xong nội dung một quyển kinh. Khi kết thúc một nội dung, chuyển sang một nội dung mới, người khắc chữ thường khắc hình xoắn ốc để đánh dấu, kết thúc một câu khắc dấu hai vạch thẳng đứng như dấu chấm câu trong tiếng Việt để kết thúc ý hoặc xuống hàng.

Khắc chữ trên lá buông

Giải pháp bảo tồn và phát huy di sản sách lá buông của người Chăm

Để bảo tồn và phát huy di sản sách lá buông của người Chăm nói riêng và ở Việt Nam nói chung, trước hết cần có cuộc khảo sát, điều tra và thống kê số lượng các quyển kinh lá buông đang lưu hành hiện nay. Từ đó, có cơ sở để thực hiện số hóa, giúp công tác lưu trữ và bảo tồn di sản sách lá cho thế hệ mai sau. Mặt khác, việc số hóa là phương pháp cứu các quyển lá buông đang bị rách, nát, mối mọt, côn trùng gây hại và sự tác động của môi trường theo thời gian.

Mở lớp truyền dạy kỹ thuật viết chữ trên lá buông cho đối tượng chức sắc, người tham gia thực hành cúng lễ, các chuyên viên bảo tàng, chuyên viên nghiên cứu văn hóa Chăm để họ truyền dạy lại cho người dân. Các nhà khoa học, nhà quản lý và chức sắc tôn giáo cần có sự hợp tác đọc, dịch và xuất bản nội dung ghi chép trên chất liệu lá buông. Thứ nhất, phục vụ tư liệu cho các chức sắc hành lễ. Thứ 2, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của sách lá buông đã được chế tác từ hàng trăm năm trước. Thứ 3, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản ngôn ngữ và chữ viết của người Chăm. Giải pháp xuất bản các bộ kinh lá buông giải quyết được tình trạng khan hiếm kinh hành lễ trong tầng lớp chức sắc tôn giáo. Mặt khác, lưu trữ tri thức, ký ức của nhân loại từ hàng trăm năm trước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Các chức sắc Chăm Bàlamôn xướng kinh trên đền tháp

Chữ viết Akhar Thrah sử dụng để viết trên lá buông được sử dụng phổ biến trong cộng đồng người Chăm. Nhưng, kỹ thuật viết chữ trên lá buông đã bị thất truyền. Người Chăm không thể chế tác ra các bộ kinh sách lá như ngày xưa. Do đó, việc tiếp thu kỹ thuật chế tác kinh lá buông của người Khmer hiện nay là con đường đúng đắn để hồi sinh kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Chăm. Vì 2 tộc người cùng ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ và có đặc điểm chung sử dụng lá buông để ghi chép kinh hành lễ phục vụ tín ngưỡng, tôn giáo. Kinh lá buông không chỉ là tư liệu quý hiếm mà còn được xem là tài sản thiêng liêng của cộng đồng Chăm.

 

Nguồn: baobinhthuan.com.vn