Bắc Giang: Lễ hội bơi chải Làng Mai xã Mai Đình - Nét độc đáo của cư dân bờ Bắc Sông Cầu
Ngày đăng: 26/04/2021
Người dân làm lễ tế thần bên dòng sông Cầu. (Ảnh: tintuc.vn)
Lễ hội bơi chải làng Mai, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) tái hiện lịch sử huy hoàng của dân tộc thời kỳ chống giặc Tống được diễn ra tại vùng chiến tuyến sông Như Nguyệt xưa năm 1077. Đây là hoạt động tín ngưỡng độc đáo và trở thành sự kiện văn hóa được nhân dân chờ đợi trong nhiều năm. Lễ hội bơi chải còn lưu giữ được nhiều nét bản sắc tôn vinh những người có công với tổ tiên qua những nghi thức trang trọng thể hiện tinh thần thượng võ của nhân dân vùng Kinh Bắc.

Làng Tiếu Mai xưa, tức làng Mai ngày nay có cách đây 1.500 năm là một làng Việt cổ nằm kề bên bờ bắc sông Cầu (Như Nguyệt). Làng gồm ba xóm: Mai Thượng, Mai Trung, Thắng Lợi. Người già trong làng kể rằng, khi giặc Tống đến xâm lược nước ta, Lý Thường Kiệt  dựng lên chiến tuyến sông Như Nguyệt để ngăn chặn quân thù. Những ngày đó, dân làng Tiếu Mai thường xuyên dùng thuyền vận chuyển giúp đỡ quân Lý Thường Kiệt qua sông tạo thế bất ngờ đánh giặc, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt vào ngày 17-2-1077, quân Tống thất bại nặng nề, xác chết thành đống, máu chảy thành sông khiến cho chúng "bạt vía kinh hồn" phải rút quân về nước.

Những cái tên như ngã ba sông Xà, gò Xác, nghè Ngũ Giáp đã trở thành địa danh lịch sử. Tại ngã ba Xà, điểm hội tụ giữa sông Cầu và sông Cà Lồ, đây cũng chính là nơi Lý Thường Kiệt đọc bài thơ nổi tiếng "Nam quốc sơn hà" - bản Tuyên ngôn khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam.

Hội bơi chải bắt nguồn từ tục diễn xướng chiến thắng Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt chống quân xâm lược nhà Tống. Từ đó cứ 5 năm một lần, vào ngày 10-3 (âm lịch) người dân làng Mai tưng bừng mở hội kỷ niệm chiến công oanh liệt của vị tướng tài ba Lý Thường Kiệt. Hội bơi chải kéo dài trong ba ngày với nhiều hoạt động tín ngưỡng, trò chơi dân gian hấp dẫn đã trở thành lễ hội truyền thống của cả một vùng cư dân hai bên bờ sông Cầu.

Lễ hội bơi chải của làng duy trì đến năm 1943 thì bị gián đoạn do đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1951, nhân dân làng Mai đã hiến tặng 5 chiếc chải cho Tiểu đoàn Á Lữ dùng phục vụ chiến đấu phát triển chiến tranh du kích ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Đến năm 1994, một số cụ cao tuổi trong làng từng là người đua chải xưa muốn khôi phục lại lễ hội này đã quyên góp đóng được ba chiếc chải đúng kích thước như cũ tổ chức khánh thành và mở lại hội vào năm 1995 sau hơn nửa thế kỷ bị gián đoạn, cho đến nay người dân địa phương không nhớ đã tổ chức lễ hội được bao nhiêu lần nhưng gần đây nhất là năm 2013.

Dân làng Mai thực hiện lễ nghi trước khi các đội tham gia thi

Sau khi Bắc Giang kiểm soát được dịch bệnh, ngày 21/4/2021 lễ hội được tổ chức đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương, con em từ khắp miền của Tổ quốc và du khách thập phương về tham dự, cổ vũ.

Để chuẩn bị cho lễ hội, nhân dân ba thôn Mai Trung, Mai Thượng và Thắng Lợi đã quyên góp được nguồn kinh phí hơn 1 tỷ đồng xây dựng lễ đài, làm mới 3 chải và chi phí cho các hoạt động lễ hội và các giải thưởng cho cuộc thi bơi chải....

Các đội tham gia cuộc thi về vị trí chuẩn bị dự lễ khai mạc.

Cách đây gần một tháng, ba thôn đã tuyển chọn những thanh niên khỏe mạnh để đưa vào đội tập luyện. Theo thể lệ của cuộc thi, năm nay Mai Đình có 6 đội thi bơi chải và được chia thành hai bảng, mỗi thôn có 2 đội; mỗi chải có 27 người gồm: 24 tay chèo và 3 người làm nhiệm vụ cầm lái, người phất cờ và gõ mõ. Chiều 21/4, sau lễ khai mạc được tổ chức đã diễn ra phần bơi thờ của các bô lão và thi giao hữu.

 Phần thi giao lưu giữa các đội. (Ảnh: m.tintuc.vn)

Đã từ lâu trang phục truyền thống đặc trưng của môn đua thuyền là các màu áo đỏ, áo vàng và áo xanh. Trong quá trình bơi, các động tác bơi đều, đẹp mắt đã hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng cùng người dân reo hò, cổ vũ vang vọng hai bên bờ sông Cầu đã tạo nên không khí sôi nổi, vui tươi, hấp dẫn của ngày Lễ hội.

Hội thi bơi chải không chỉ là lễ hội mà còn là một loại hình văn hoá - thể dục thể thao phong phú, thu hút đông đảo tầng lớp thanh thiếu niên tham gia. Lễ hội ngoài gìn giữ phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, gắn kết cộng đồng còn khơi gợi lòng yêu quê hương đất nước.

Đây là hoạt động của nhân dân địa phương được tổ chức có ý nghĩa đúng dịp giỗ tổ Hùng Vương, kỷ niệm 944 năm Lý Thường Kiệt chiến thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt (1077-2021), 46 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 (1975-2021), chào mừng cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

PV tổng hợp