Xứ đạo nơi vùng biên
Ngày đăng: 28/03/2018Nằm ở huyện biên giới của tỉnh Kon Tum, giáo xứ Đăk Mót (thôn Đăk Mót, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) có hơn 6.500 giáo dân, với khoảng 1.000 giáo dân người Kinh, còn lại hầu hết là đồng bào dân tộc Sê Đăng (Sedang).
Theo linh mục Simon Phan Văn Bình, chính xứ Đăk Mót, đồng bào Sê Đăng có bản sắc, tập quán sinh sống, lao động riêng. Đồng bào sống đơn giản, vốn dựa vào tự nhiên là chính, nay các điều kiện đó đã đổi thay nhiều, vì vậy cũng cần hướng dẫn đồng bào cách nghĩ cách làm để xây dựng cuộc sống no ấm. Nhà nước và chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều chương trình phát triển dành cho đồng bào dân tộc cũng như người dân Ngọc Hồi, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Về phần giáo xứ, linh mục cũng đồng hành chăm lo cho dân qua việc vận động giáo dân thay đổi một số tập quán lạc hậu; tổ chức khoan giếng lấy nước sinh hoạt cho đồng bào, làm hệ thống lọc nước tại khuôn viên nhà thờ để cung cấp nước sạch miễn phí cho người dân, không phân biệt tôn giáo.
Hệ thống lọc nước này có trước khi linh mục Simon Phan Văn Bình về quản xứ, nhưng ngài rất tâm đắc với công trình này, bởi nó có ý nghĩa rất thiết thực với người dân. Ngay chỗ lấy nước, giáo xứ có đặt hòm tùy tâm nhưng hầu như là miễn phí bởi, chẳng mấy khi thấy người lấy nước bỏ tiền. Khi xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, bà con giáo dân chung sức chung lòng thực hiện. Đến nay bộ mặt Đăk Mót đang có nhiều thay đổi, nhà thờ khang trang, đường làng đi lại thuận lợi…
Linh mục Simon Phan Văn Bình dẫn chúng tôi tham quan toàn bộ khuôn viên và bên trong nhà thờ, linh mục phấn khởi vì dăm năm trước, nhờ sự quan tâm của bề trên, các cấp chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ, giáo xứ đã hoàn thành công trình ngôi thánh đường, kiến trúc như mái nhà Rông của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, khuôn viên thoáng đẹp. Theo linh mục xứ, đạo Công giáo có mặt ở Đăk Mot cách nay khoảng 130 năm nhưng vì nhiều lý do mà năm 2011 mới có nhà thờ như hiện nay, và những năm gần đây, Đăk Mót mới có linh mục chính xứ. Hồi chưa có nhà thờ và linh mục, giáo dân phải về tận thành phố Kon Tum, cách Đăk Mót khoảng 40 cây số để dự thánh lễ Chúa nhật hoặc các lễ trọng khác.
Với phần đông là đồng bào dân tộc Sê Đăng, công việc của linh mục xứ cũng vất vả hơn, vì thánh lễ Chúa nhật hay lễ trọng đều phải cử hành riêng hai lễ: một bằng tiếng Kinh, một lễ bằng tiếng Sê Đăng. Việc học giáo lý, tập hát thánh ca… cũng vậy, đều có các buổi riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, các sinh hoạt văn nghệ thì cùng hòa chung như sự đoàn kết, hòa hợp văn hóa.
Trong câu chuyện văn hóa về giáo dân người Kinh và giáo dân người dân tộc Sê Đăng, vợ chồng ông, bà Nguyễn Tuấn Khanh, Phạm Thị Xuyến kể rằng, ông bà rất trân trọng và thích giao lưu với các giáo dân người Sê Đăng, nhất là các dịp hiếu hỷ, lễ trọng. Khi ăn cơm cùng, bà Xuyến cũng ăn bốc như đồng bào dân tộc cho gần gũi hòa đồng. Nhưng khi bà con dân tộc tham gia cỗ bàn của người Kinh, những người cao tuổi họ không quen dùng đũa, nên cũng có khó khăn trong tập quán văn hóa.
Hiện nay, đa phần các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã sử dụng những đồ dùng tiện nghi hiện đại. Nhiều nhà nấu cơm bằng nồi điện, nhưng nấu xong lại đổ ra rá cho nguội ráo rồi bốc ăn.
Ông, bà Nguyễn Tuấn Khanh, Phạm Thị Xuyến vốn là giáo dân Phát Diệm (Ninh Bình) di cư vào Đăk Mót, ban đầu còn lạ nước lạ cái, nay những bỡ ngỡ không còn, thay vào đó là tình người ấp áp và những hội nhập văn hóa, tập quán của đồng bào bản địa. Ông bà phấn khởi vì đạo đời trọn niềm vui. Ông bà có hai con gái, một đang tu ở giáo xứ Hàng Bột- Hà Nội, một lập gia đình ở Đăk Mót. “Cuộc sống no ấm, nhà thờ khang trang, thôn làng bình yên, tôi yên tâm tham gia các sinh hoạt tôn giáo”, bà Xuyến bày tỏ.
Theo linh mục xứ Đăk Mót, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng giáo dân tin tưởng, lạc quan sống tốt đạo đẹp đời, cùng nhau xây dựng giáo xứ để Tết đến xuân về, Đăk Mót lại vui trong tình Chúa tình người./.
Theo ubdkcgvn.org.vn