Tín ngưỡng thờ cúng chủ đất của người Pa Cô
Ngày đăng: 31/05/2018Trong quan niệm của người Pa Cô nói riêng cũng như các dân tộc khác sinh sống ở miền Tây Quảng Trị nói chung, thế giới xung quanh có vô số vị thần ngự trị, cai quản với những quyền năng tối cao.
Không chỉ con người mà mọi sự vật trong cuộc sống chung quanh như cỏ cây, con thú... cũng có linh hồn. Vì thế, trong đời sống làng bản gắn bó mật thiết với rất nhiều thế lực siêu nhiên (thần linh, ma quỷ), từ quan niệm này đã nảy sinh và tồn tại phổ biến tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng này gắn chặt với quan niệm về thế giới vô hình tồn tại song song với thế giới con người. Cuộc sống của bản làng luôn được bảo trợ hay bị trừng phạt bởi các vị thần với những mối liên hệ mật thiết với con người: có thần ác quấy phá, có phúc thần giúp đỡ phù hộ.
Không chỉ tồn tại phổ biến, tín ngưỡng này còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến nếp nghĩ, hành động của đồng bào được phản ánh qua những tập tục kiêng cữ khắt khe trong sinh hoạt, sản xuất. Tín ngưỡng thờ chủ đất - giàng Knée của người Pa Cô phần nào phản ánh tập tục này.
Knée có nơi gọi là Tang kin, Kniah là vị thần - chủ của vùng đất nơi bản làng người Pa Cô sinh sống, vị thần này có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tâm linh của họ; mọi điều phúc hay họa đều do vị thần này quyết định và điều này còn tùy thuộc vào lòng thành kính của mỗi thành viên trong bản làng. Ở mỗi làng bản đều dành một ra một khu rừng để thờ giàng Knée. Đây là khu rừng thiêng, cạnh nguồn nước và luật tục bản làng ngăn cấm tuyệt đối mọi hành vi xâm phạm (chặt cây, khai thác gỗ, săn bắn...) làm kinh động đến giàng. Trong khu rừng này, giàng Knée của mỗi làng có những vật biểu trưng khác nhau, có làng thờ Knée là một cái chai, có làng thờ tảng đá to hoặc gốc cây cổ thụ... Mặc dù vật thờ có khác nhau nhưng khi nhắc đến giàng Knée đều biểu hiện sự tôn kính và có niềm tin tuyệt đối vào vị thần này. Người được bà con dân bản trao trách nhiệm thông linh với giàng Knée là già làng.
Trong tất cả các nghi lễ liên quan mang tính cộng đồng, vị thần được dân làng xướng danh đầu tiên là giàng Knée. Thời gian cúng giàng cố định hàng năm và khoảng 10 năm cúng lớn 1 lần. Nhưng thời gian cúng này còn tùy thuộc nhiều điều kiện mà đôi lúc 3 năm hoặc 5 năm hoặc 7 năm người dân phải cúng giàng Knée; hoặc những khi trong làng xảy ra các sự việc bất thường như có nhiều người chết đột ngột cùng lúc, dịch bệnh, thiên tai mất mùa trong nhiều năm liên tiếp hoặc có ai đó đã vi phạm vào khu rừng cấm... Bởi vậy lễ cúng Knée cũng được chia ra làm hai loại, nếu cúng theo định kỳ một năm một lần thì lễ cúng sẽ được tổ chức ngay tại làng vào đầu năm hoặc cuối năm tùy theo quyết định của già làng. Còn đối với trường hợp xảy ra các sự kiện đột xuất có liên quan đến khu rừng cấm như là có người xâm phạm đến vùng đất thiêng hoặc có người chết đột tử ở vùng đất thiêng thì lễ cúng sẽ diễn ra tại đó.
Trường hợp lễ cúng tại sân làng
Trước khi tiến hành các nghi lễ cúng giàng đất khoảng 1 tuần, già làng sẽ mời các trưởng họ họp bàn chọn ngày làm lễ và thông báo chuẩn bị các lễ vật. Thông thường, nếu những năm nào xảy ra các sự kiện lớn như Lễ A riêu ping, mất mùa, thiên tai hoặc có nhiều người chết đột tử thì lễ vật của làng bắt buộc phải có lễ vật hiến sinh là trâu, heo, dê, gà. Còn những năm cúng bình thường ít có sự kiện xảy ra thì có thể cúng heo hoặc dê. Ngoài ra, mỗi dòng họ sẽ chuẩn bị một mâm lễ vật khác. Toàn bộ lễ vật của làng và các dòng họ sẽ được đặt ngay tại sân làng để tiến hành lễ.
Một lễ cúng tại vùng đất thiêng
Đối với năm làm lễ lớn, lễ vật hiến sinh là trâu thì người đứng đầu dòng họ được phân công sẽ đại diện dân làng đi rước giàng Knée về dự lễ. Trong quy ước của người Pa Cô, việc rước giàng Knée sẽ do dòng họ lớn thứ hai trong làng đảm nhiệm. Khi đi đem theo lễ vật là một con gà trống và một mâm cơm. Khi đến nơi trú ngụ của giàng Knée, gà sẽ được cắt tiết dâng lên, báo với giàng và mời giàng về dự lễ. Để kiểm chứng cho sự đồng ý của giàng hay không, họ sẽ dùng 2 thanh tre (tiếng Pa Cô gọi là A séo) tung lên, nếu cả hai thanh tre đều ngửa có nghĩa là giàng đồng ý. Giàng sẽ nhập hồn vào người này, lúc này chiêng, trống, thanh la nổi lên những âm thanh này vẫn vang lên suốc dọc đường dẫn về bản.
Về đến cổng làng, lúc này người ta chuẩn bị sẵn một bát nước ớt cho trưởng họ uống (lúc này đã được xem là giàng Knée đã nhập hồn). Nếu sau khi uống bát nước ớt này mà trưởng họ vẫn bình thường không có biểu hiện gì, chứng tỏ giàng đã nhập vào ông và cả làng sẽ rước giàng vào làng dự lễ. Theo như nhiều người đã từng chứng kiến kể lại rằng, nếu như người đó cảm thấy cay và có biểu hiện khó chịu, chứng tỏ thần đất đã không về và không nhập vào ông, do đó ngay lập tức ông sẽ bị ngất đi hoặc đau ốm.
Khi đã rước được giàng Knée về làng, nghi lễ bắt đầu diễn ra, thông qua các lễ vật để tạ ơn giàng Knée đã bảo trợ cho cuộc sống dân làng được bình yên, chống lại mọi tai ương, dịch bệnh... Sau khi kết thúc nghi thức dâng lễ vật và nhận được sự đồng ý của các thần linh thông qua A Séo, giàng Knée được mời trở lại nơi trú ngụ và kết thúc lễ.
Người Pa Cô có niềm tin tuyệt đối vào giàng Knée, nếu có ai xâm phạm đến khu vực ngự trị của giàng, nếu phát hiện được thì bắt người đó tạ lỗi với giàng, mọi lễ vật lúc này do người bị phạt chịu, nếu không không bắt gặp mà trong bản xảy ra nhiều điều không hay thì toàn thể dân làng góp lễ vật để nghi lễ diễn ra trên vùng đất thiêng nơi trú ngụ của giàng.
Tại đây, dân bản dựng lên ngôi miếu nhỏ để đặt các lễ vật, nhằm báo cáo với giàng Knée về việc hôm nay làng đưa lễ vật đến xin làm lễ. Khi lễ vật được dâng lên, già làng tung hai thanh tre A séo, nếu cả hai thanh tre đều ngửa thì có nghĩa là giàng đã đồng ý. Nghi lễ cũng được diễn ra như cúng tại làng, mục đích dâng lễ vật nhằm tạ lỗi với thần linh vì đã làm kinh động đến thần. Nhưng có một điều đặc biệt là tất cả những lễ vật dâng cúng giàng Knée thì đều phải được dân làng ăn hết tại chỗ tuyệt đối không được đưa về làng. Nếu trường hợp lễ vật không ăn hết muốn mang về thì già làng phải tung A séo để xin giàng Knée, nếu thần không đồng ý thì không được phép. Bởi người Pa Cô quan niệm rằng, tất cả các lễ vật đã được dâng cho thần linh, nếu mang về làng mà không được sự đồng ý của thần thì sẽ bị trừng phạt giáng tai họa xuống dân làng, phá hoại cuộc sống bình yên của bà con dân bản.
Vị chủ/thần đất giàng Knée là một vị thần đặc biệt trong đời sống của người Pa Cô, ở đó con người có niềm tin tuyệt đối vào quyền năng của thần mong muốn được sự che chở, bảo vệ của thần, đồng thời lại ràng buộc con người với nhau cộng đồng trách nhiệm thông qua các quy định của luật tục. Tín ngưỡng thờ chủ đất giàng Knée của người Pa Cô phản ánh những phong tục tập quán, nét văn hóa đặc trưng riêng biệt của cộng đồng người Pa Cô ở miền Tây Quảng Trị. Trải qua thời gian cùng với sự giao lưu văn hóa với các dân tộc khác nhưng tín ngưỡng này vẫn còn nguyên giá trị tạo nên nét đẹp văn hóa của tộc người Pa Cô trong bức tranh văn hóa các dân tộc ở Việt Nam.
Theo Quehuong Online/Thegioidisan.vn