Quảng Bình: Đồng các tôn giáo vui Tết Cổ truyền
Ngày đăng: 22/02/2018
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, có 02 tôn giáo đó là Công giáo và Phật giáo, với trên 100.000 tín đồ, chiếm khoảng 12% dân số toàn tỉnh. Hòa chung không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc, đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh cũng có những hoạt động vui xuân, đón Tết vui tươi, phấn khởi, ấm áp, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong những ngày trước Tết, các tín đồ Phật tử cũng như bà con giáo dân chuẩn bị chào đón năm mới Mậu Tuất với không khí tưng bừng, phấn khởi; nhà nhà, người người đều lo dọn dẹp, trang trí nhà cửa, làm đẹp thôn xóm, nhà thờ, nhà chùa; từ ngày 27 Tết, bà con tập trung tại các nhà thờ, nhà chùa để gói bánh chưng, làm những món dâng lên bàn thờ Phật, bàn thờ Chúa và bàn thờ tổ tiên để thể hiện lòng thành kính, mong muốn năm mới an lành. Bên cạnh đó, phát huy tinh thần tương thân tương ái nhằm chia sẻ những khó khăn với cộng đồng nhân dịp Tết đến xuân về, đồng bào theo đạo trên địa bàn tỉnh cũng có các hoạt động thiết thực, hiệu quả. Tại các giáo xứ, giáo họ của đạo Công giáo, dưới sự hướng dẫn của các linh mục quản xứ, bà con giáo dân đã đóng góp ngày công sửa sang lại nhà cửa, quyên góp, ủng hộ những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong giáo xứ; các chùa, các nhóm thiện nguyện Phật giáo tổ chức tặng quà cho người dân, hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà…Anh Khánh Bảo, một Phật tử của nhóm thiện nguyện “Vô lượng tâm” tại huyện Quảng Ninh cho biết, dưới sự hướng dẫn của Ban Trị sự GHPG Việt Nam huyện Quảng Ninh, nhóm thiện nguyện của anh đã hoạt động tích cực, không quản khó khăn để đem xuân ấm đến cho người nghèo, trước thềm năm mới Mậu Tuất 2018, đã có 05 căn nhà tình thương được nhóm phối hợp với bà con Phật tử xây dựng và bàn giao cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.

Hoàn tất những công việc trong năm cũ, đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đón Xuân mới với nhiều hoạt động vui tươi, ý nghĩa. Với người Công giáo, năm mới được bắt đầu từ dịp Noel và tính theo lịch dương. Theo họ, Chúa là mùa xuân của nhân loại, năm mới và tết là tận hưởng niềm vui của Chúa ban nên với họ Tết cổ truyền cũng mang nhiều ý nghĩa và diễn ra những lễ nghi đặc sắc. Sáng mùng 1 Tết, bà con giáo dân tại các giáo xứ dậy rất sớm đến nhà thờ tham dự buổi lễ đầu tiên trong năm mới và để các giáo dân được gặp gỡ, chúc xuân linh mục, chúc nhau những điều tốt đẹp, may mắn và an lành; cầu mong thế giới hòa bình, thịnh vượng, yên vui. Sau ngày mùng 1, mùng 2 Tết, bà con dự lễ cầu cho cha mẹ, mùng 3 Tết, đồng bào Công giáo thành phố tham dự lễ thánh hóa công ăn việc làm để nguyện cầu những điều tốt lành, thuận lợi trong làm ăn, công việc. Cũng trong dịp này, một số giáo xứ tại huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, huyện Tuyên Hóa tổ chức các hoạt động vui xuân như giao lưu bóng đá giữa các giáo họ trong giáo xứ, thi hát đàn và hát Thánh ca…làm cho không khí xuân càng thêm ngập tràn.

Đối với Phật giáo, ngay từ sáng sớm mùng 1 Tết Mật Tuất, hàng ngàn người dân đã đến chùa để cầu an, cầu phúc đầu năm. Tại chùa Đại Giác (TP.Đồng Hới), trong ngày đầu năm mới Tết Mậu Tuất 2018 đã có hơn 2.000 người dân ở khắp nơi trong tỉnh đã đến chùa với tấm lòng thành kính, thắp hương, cầu cho năm mới an lành. Đặc biệt, năm nay hàng ngàn người dân Quảng Bình và khắp nơi trên cả nước đã nô nức đến chùa Hoằng Phúc (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy) để cầu an, cầu phúc vào ngày đầu năm mới, chỉ tính riêng trong ngày mùng 1 Tết, đã có gần 5000 lượt tín đồ và du khách đến thăm chùa, lễ Phật. Đây là một nét văn hóa đẹp của người dân Quảng Bình nói chung.

Có thể nói rằng, với đặc thù của mỗi tôn giáo, dù vui xuân, đón Tết theo những cách riêng của tôn giáo mình, song cái Tết của đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đều mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng, mang đậm bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc , góp phần làm phong phú nét đẹp trong Tết cổ truyền dân tộc Việt./.

Hoàng Huế