Phụng sự Tổ quốc là trách nhiệm của người Công giáo
Ngày đăng: 10/10/2018
Đó là khẳng định của linh mục Trần Xuân Mạnh, quyền Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.

Khoảng 400 linh mục, tu sĩ, giáo dân tiêu biểu trên cả nước sẽ tham dự Đại hội Đại biểu người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023, diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/10 tại Hà Nội.

Tại cuộc họp báo sáng nay 8/10 ở Hà Nội, linh mục Trần Xuân Mạnh, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam khẳng định: Chủ đề của Đại hội là “Đồng hành- Hiệp thông-Phục vụ". 

Đồng hành được hiểu thế nào? Trả lời câu hỏi này, Linh mục Trần Xuân Mạnh chia sẻ: Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt. Chúng tôi phải làm tốt hai bổn phận giống như con chim 2 cánh, vừa theo đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đặc biệt là Thư chung năm 1980 với phương châm “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”. Về mặt xã hội, Ủy ban có trách nhiệm động viên gần 7 triệu người Công giáo Việt Nam chấp hành tự giác các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia tích cực các phong trào của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nghĩa là yêu nước”. 

Quan hệ giữa Việt Nam và Vatican đang có tiến triển tích cực

Trả lời câu hỏi của phóng viên VOV về quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Ban Tôn giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, có sự tiến triển tích cực trong quan hệ này, thể hiện qua rất nhiều hoạt động. Chẳng hạn như các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều đã viếng thăm Tòa thánh Vatican, hội kiến với Giáo hoàng, hội đàm với Thủ tướng hoặc Quốc vụ khanh của Tòa thánh.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Ban tôn giáo, MTTQ Việt Nam

Trên cơ sở quan hệ phát triển theo hướng tích cực đó, Tòa thánh đã có Đặc phái viên không thường trú tại Việt Nam. Trong Lễ Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa qua, lần đầu tiên, Tòa thánh Vatican cử Đặc phái viên không thường trú tại Việt Nam và Hội đồng Giám mục Việt Nam đến viếng. Thứ ba, tất cả các phong trào thi đua yêu nước, người Công giáo tham gia rất tốt, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhiều huyện có số lượng người Công giáo chiếm đa số như Nghĩa Hưng, Hải Hậu (Nam Định), huyện Thống Nhất, thị xã Long Khánh, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai)... đã được công nhận là những huyện xây dựng nông thôn mới sớm nhất của cả nước.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là tổ chức xã hội của người Công giáo, là cầu nối giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam với chính quyền. Ở nhiều nơi, tổ chức này đã thể hiện rất tốt vai trò của mình, như: đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người Công giáo liên quan đến đất đai, hay sự tham gia của người Công giáo đối với các hoạt động xã hội từ thiện, nhân đạo...Những năm gần đây, số lượng linh mục, nam nữ tu sĩ Công giáo tham gia vào Ủy ban Đoàn kết Công giáo ở các địa phương ngày càng nhiều, chẳng hạn như TP.Hồ Chí Minh, Đồng  Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa..

Được biết, Ủy ban Đoàn kết Công giáo hiện đã có mặt ở 42 tỉnh, thành trong cả nước. Những tỉnh, thành chưa thành lập được, phần lớn là do có ít người Công giáo./.

Lược theo vov.vn