Phum sóc ngày càng khởi sắc
Ngày đăng: 07/09/2018
Tỉnh Bạc Liêu có khá đông đồng bào Khmer sinh sống (gồm 15.000 hộ với 66.000 nhân khẩu, bà con chủ yếu theo Phật giáo Nam tông Khmer), chiếm 7,74% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước trong việc ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cho vay ưu đãi, hỗ trợ cây, con giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nên cuộc sống bà con ngày càng nâng cao. Số hộ khá giàu không ngừng tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm.

Ông Trương Thuôl (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) chăm sóc hoa màu. Ảnh: C.L

Thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (XDNTM), thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm phát huy sức mạnh nhân dân trong việc thực hiện các công trình, phần việc. Các địa phương thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với địa bàn vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống; phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức Hội, đoàn thể họp dân, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về chương trình XDNTM. Đặc biệt là làm tốt việc phát huy vai trò của các sư sãi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer để vận động bà con XDNTM. Từ đó, diện mạo phum, sóc - nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống - ngày càng khởi sắc. 

Bên cạnh việc xây dựng đời sống văn hóa mới, văn hóa truyền thống dân tộc cũng được giữ gìn. Nhiều con em đồng bào Khmer nhờ được Nhà nước hỗ trợ về học tập đã trở thành những cán bộ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Sóc Trăng.

Ông Danh Mỹ (ấp Tà Ben, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, chia sẻ: “Từ khi thực hiện chương trình XDNTM, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer được nâng lên rất nhiều. Phấn khởi nhất là trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường học tập”.

Trước đây, cuộc sống của đa số đồng bào Khmer trong tỉnh chủ yếu chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do sản xuất kém hiệu quả, giá cả đầu ra các mặt hàng nông sản không ổn định, nên tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer còn khá cao. Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhất là từ khi các chương trình mục tiêu của Chính phủ được triển khai thực hiện như: hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, cho vay vốn phát triển kinh tế, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí… đã giúp bà con Khmer có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chỉ tính riêng năm 2017, Sóc Trăng đã chi ngân sách 17 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, cho 16.000 hộ đồng bào Khmer vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế nông hộ. Ðến nay, gần 95% số hộ đồng bào Khmer trong tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng nước sạch. Ông Trương Thuôl (ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) phấn khởi nói: “Nhờ sự ưu ái của Đảng và Nhà nước, giờ đây đường làng ngõ xóm thẳng tắp, sạch đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng nâng cao”.

Vừa qua, phát biểu tại buổi họp mặt tuyên dương hộ đồng bào Khmer nghèo vượt khó, ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Năm 2017, Bạc Liêu có sự đột phá rất lớn trên nhiều lĩnh vực. Đạt được kết quả trên là nhờ sự đóng góp của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer, từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh”.

Theo Báo Sóc Trăng