Phong tục tảo mộ - nét đẹp của người Tày, Nùng
Ngày đăng: 17/04/2018Theo phong tục của người Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đúng dịp mùng 3 tháng Ba âm lịch hằng năm, con cháu đi tảo mộ để tỏ lòng hiếu thảo và mời tổ tiên về chứng kiến cuộc sống ở nhân gian, phù hộ độ trì cho con cháu luôn khỏe mạnh, mùa màng bội thu, có nhiều tài lộc...
Từ quan niệm đó, hằng năm đúng vào dịp này, con cháu dù đi làm ăn xa đều nhớ về nguồn cội, tìm về quê hương để tảo mộ. Ông Nông Văn Trạng, ở xã Lý Quốc (Hạ Lang), nay sống tại xã Đồng Đạt, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tâm sự: Do điều kiện ở xa, một số việc tại quê nhiều khi không thể về được. Nhưng hằng năm vào dịp mùng 3 tháng Ba, gia đình cố gắng sắp xếp công việc về quê tảo mộ. Việc tảo mộ tại quê hương là bổn phận, trách nhiệm của các con cháu đối với tổ tiên.
Người Tày, Nùng ở Cao Bằng rất coi trọng đồ cúng ngày tảo mộ. Mâm cúng không thể thiếu được xôi ngũ sắc (tiếng địa phương gọi là khẩu nua đăm đeng); thịt gà, cá rán, thịt lợn rán, đậu phụ nhồi... Các món ăn trong dịp lễ này cũng mang tính thời vụ, đặc biệt món măng rán, người Tày, Nùng gọi là “máy nhương”. Thời điểm này là măng mọc rộ, cách chế biến cũng rất đơn giản. Măng có hương vị đặc trưng riêng, hòa quyện với các gia vị tạo sự hấp dẫn. Để chế biến từng loại món ăn mang ý nghĩa của ngày tảo mộ, món xôi sử dụng các lá, hoa để tạo ra nhiều màu sắc khác nhau... Xôi nhiều màu sắc khi được dâng lên tổ tiên, sẽ được tổ tiên phù hộ và làm ăn phát đạt.
Đúng ngày mùng 3 tháng Ba, khi mọi đồ lễ đã được chuẩn bị xong, tùy từng địa phương, bắt đầu từ sáng sớm, mỗi thành viên trong gia đình ăn mặc chỉnh tề gánh mâm cúng, vác cuốc xẻng đến từng phần mộ để tảo mộ. Thủ tục ban đầu khi đến nơi là bày mâm cỗ, thắp hương, mời tổ tiên đến để chứng giám. Khi mâm cỗ được bày xong, dưới mâm cỗ thường được các gia đình đặt một gói xôi là phần thức ăn để dành cho các linh hồn không có người đến cúng.
Khi tảo mộ, đầu tiên làm sạch cỏ, đắp phần mộ khỏi bị lồi lõm; đồng thời không để rễ cây mọc hoặc cắm xuống phần mộ vì dân gian cho rằng nếu rễ cây cắm vào phần mộ sẽ ảnh hưởng đến linh hồn người đã mất, gây ngứa ngáy, làm cho con cháu sống không yên ổn. Chính vì vậy, khi làm sạch cỏ trên phần mộ cũng phải nhẹ nhàng; nếu thấy lỗ thủng xuống trên phần mộ, theo quan niệm, nên cắt giấy tiền được gọi là tiền âm phủ và ít xôi bịt vào lỗ thủng rồi mới được đắp đất cho phẳng, như vậy mới không làm tổ tiên phật ý.
Mọi người ngồi quây quần bên nhau, thắp những nén hương thơm, rót rượu dâng lên tổ tiên hưởng thụ phúc lộc; cầu mong tổ tiên phù hộ cho mọi thành viên trong gia đình về sức khỏe, làm ăn phát đạt... Người Tày, Nùng có câu nói về cầu khấn cho chăn nuôi “Slam bươn kha sộc, slốc bươn kha loỏng”, có nghĩa là nuôi lợn 3 tháng to bằng cối giã gạo, 6 tháng to bằng cái loỏng đập lúa. Việc cầu khấn lên tổ tiên mang tính chất tượng trưng, nhưng làm cho con cháu tự tin trong cuộc sống. Khi đã hoàn thành mọi thủ tục của ngày tảo mộ, trên phần mộ không thể thiếu cây nêu. Cây nêu mang ý nghĩa quan trọng đó là ngày tết lớn của tổ tiên và sự báo hiếu của con cháu. Tại nhiều địa phương, đặc biệt ở các huyện miền Đông của tỉnh, thường có bãi đồi rộng để chôn cất những người đã mất. Đến ngày tảo mộ, mỗi gia đình thường đi tảo mộ những nơi có mộ lẻ, sau đó tập trung vào buổi chiều để tạo không khí đông vui. Lúc này, cả dòng họ ngồi bên nhau, những người lớn tuổi am hiểu về nguồn gốc giới thiệu cho con cháu về những bậc tiền nhân trong dòng họ, sắp xếp thứ tự theo thứ bậc, để các con cháu sau này tiếp tục truyền đạt lại cho các thế hệ sau.
Ngày tảo mộ của dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng mang một ý nghĩa rất quan trọng, qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó với các dòng họ khác, tỏ lòng thành đối với những người đang sống và những người đã mất. Đây là phong tục tập quán có ý nghĩa nhân văn sâu sắc mang đậm bản sắc dân tộc.
Theo Báo Cao Bằng