Nước trong đời sống tinh thần của người Dao họ ở Lào Cai
Ngày đăng: 20/08/2019Người Dao họ ở Lào Cai có tục mua nước đầu năm mới. Sáng sớm mùng Một tết, khi gà gáy canh 3, ông chủ nhà thức dậy chuẩn bị 1 nén hương, 1 tờ giấy bản, bật lửa và xuống bếp cầm ống nứa đi mua nước. Ống đựng nước là ống nứa, được rửa sạch không dính mỡ, nếu chủ nhà vô ý để ống lấy nước dính mỡ thì coi như năm đó làm ăn không may mắn, nước không đảm bảo cho sinh hoạt, tưới tiêu đồng ruộng, cây trồng.
Nước trong lễ cúng đầu năm của người Dao họ. Tại thôn Khe Mụ, xã Sơn Hà (Bảo Thắng) và thôn Ba Soi, xã Tân An (Văn Bàn), người Dao họ dùng cây nứa làm máng dẫn nước từ khe về nhà, nên ngày tết đến, gia chủ mang ống ra hứng nước mới. Người Dao họ quan niệm, vạn vật đều có thần cai quản, nước cũng vậy. Nước và nguồn nước do Long Vương cai quản, ở vùng người Dao họ xã Sơn Hà cho rằng, nước là do hà bá, thuồng luồng cai quản. Do đó, khi đi mua nước, gia chủ phải có 1 nén hương, 1 tờ giấy bản tượng trưng làm tiền, vàng dâng cúng thần nước.
Theo người Dao họ ở thôn Khe Mụ, đến giờ tốt là giờ Tý của ngày mùng Một tết, ông chủ nhà mang đầy đủ những lễ vật trên, đặt bên cạnh phía đầu máng nước chảy. Để làm thủ tục mua nước mới, ông chủ cầm chân que hương cắm xuyên qua tâm tờ giấy bản, rồi bật lửa thắp hương. Que hương và tờ giấy bản cắm bên phải hoặc bên trái của máng nước đều được. Cắm hương xong, ông chủ nhà bắt đầu khấn cầu thần Ngọc Vương (Long Vương), xin phù hộ độ trì cho gia đình suốt năm được uống nước sạch, nước ngon, nước quanh năm không cạn. Cầu khấn xong, trước đây chủ nhà dùng ống nứa để hứng nước, còn ngày nay, chủ nhà sẽ dùng bát hứng nước mới chảy ở đầu máng, rồi đem về nhà đặt lên bàn thờ. Bát nước này dùng để cúng tổ tiên trong gia đình, dòng họ, do đó, khi đặt lên bàn thờ, chủ nhà phải làm phép làm cho bát nước trở nên tinh khiết, thơm ngon và linh nghiệm hơn.
Lễ mua nước là một nghi lễ thiêng, độc đáo của người Dao họ, việc mua nước được cả cộng đồng trân trọng, giữ gìn. Người Dao họ thôn Ba Soi, xã Tân An có nghi lễ đi mua nước đầu năm mới khá độc đáo. Thời khắc giao thừa đã điểm, tiếng gà gáy đầu tiên của năm mới cất lên, chủ nhà (ông chủ) mang lễ vật và ống nứa đi lấy nước. Ống đựng nước là một dóng nứa có đường kính 20 cm, dài 60 - 100 cm, ống to chứa được 5 - 10 lít nước. Miệng ống đẽo vát để hứng nước cho tiện, cổ ống có buộc dây để tiện cho việc xách nước. Lễ vật gồm 2 đồng xu, 1 nén hương, 1 tờ giấy bản. Khi đến chỗ đầu máng nước chảy, ông chủ cắm tờ giấy bản xiên qua chân hương rồi châm hương. Nếu là máng nước thì cắm ở bên phải, cạnh chỗ đầu nước chảy. Nếu là giếng thì cắm hương vào miệng giếng. Cắm hương xong, ông chủ chắp tay lạy 3 lạy cầu khấn thần thổ địa, xin nước để rửa mặt cho các cháu, để một năm không bị ốm đau. Khấn xong, ông chủ lạy 3 lạy cảm ơn thần thổ địa, rồi đem ống nước về nhà. Nước được mang vào bếp, lấy một bát nước đặt trên bàn thờ tổ tiên với ý nghĩa thông báo tổ tiên biết, gia đình đã làm lễ mua nước mới, mong tổ tiên chứng giám và phù hộ. Sau đó, ông chủ nhà xuống bếp, đổ nước vào ấm rồi đun để các thành viên trong gia đình, bắt đầu từ ông chủ nhà rồi đến lượt các con trai, cháu trai rồi mới đến bà chủ nhà và các con dâu, con gái và cháu gái lấy nước ấm rửa mặt, mũi cho sạch sẽ.
Ông chủ cầu khấn thần thổ địa, xin nước
Khi ông chủ nhà mở cửa nhà đi lấy nước mới thì con cháu trong gia đình mới được phép đi ra ngoài. Nếu ông chủ nhà chưa đi lấy nước mới thì tất cả con cháu trong nhà chưa được đi ra ngoài, nếu ai đi ra ngoài trước lúc lấy nước mới thì cả năm đó gia đình sẽ bị ốm đau, dịch bệnh. Ngày lễ đi mua nước thực sự trở thành ngày hội của cả làng, không ai bảo ai, cứ nghe tiếng gà gáy canh 3 là mang ống ra máng mua nước. Mọi người thi nhau đi sớm để mua nước, mua được nước tinh khiết là tốt nhất.
Đối với người Dao họ, thông qua biểu tượng nước để dự báo thời tiết của năm (mưa nhiều, hạn hán...). Để biết năm nào thời tiết mưa thuận gió hòa, người Dao họ xem lịch vạn niên. Năm nào ít ngày Thìn thì năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, cuộc sống của người dân gặp nhiều may mắn. Năm nào mà mùng Một Tết vào đúng ngày Thìn thì năm đó mưa thuận gió hòa, vì ngày Thìn thường hay có mưa, mưa đầu năm thì may mắn, tốt đẹp cả năm.
Thông qua biểu tượng nước để dự đoán về sự may mắn, thuận lợi của gia đình trong năm mới. Đối với người Dao họ, nước rất trong sạch, tinh khiết được nâng thành biểu tượng cho sự trường tồn và may mắn, bởi mọi sự vật, hiện tượng đều bắt nguồn, xuất phát từ nước, nguồn nước. Theo quan niệm của người Dao họ, nhất thiết nước và người không thể xa nhau. Do vậy, người Dao họ tìm chọn vùng đất có khe nước, khe suối và gần sông để dựng làng, ổn định cuộc sống. Người Dao họ thường ở theo khe dưới chân đồi, vì thế tên làng của người Dao họ đều có từ “khe”, dựa vào đặc điểm của vùng đất đó mà đặt tên làng, ví dụ như Khe Ba Soi (thôn cây ba soi), Khe Lau (thôn cây lá nốt), Khe Cam (thôn cây Cam), Khe Quýt (thôn cây quýt), Khe Vầu (thôn cây vầu)...
Thông qua biểu tượng nước, người Dao họ dự đoán về những gì không may mắn, trắc trở, rủi ro của gia đình. Khi đi lấy nước, chẳng may chủ nhà thấy nước chảy ở máng nhà mình bị đục hoặc bị đổ, mất nước thì đó là điềm báo gia chủ năm mới làm ăn không gặp may mắn, ruộng vườn không đủ nước. Trên đường đi lấy nước gặp con rắn bò qua trước mặt hoặc con chim cú mèo kêu thì năm đó là năm xui xẻo của gia đình. Khi xách nước bị vấp đổ nước làm nước vơi đi, năm đó làm ăn không tốt. Khi đi lấy nước chẳng may gặp phụ nữ đang mang thai, đó cũng là điềm báo không may mắn.
Ống nước mới mang về phải đặt ở chỗ cao, nếu để gà, chó nhảy qua hoặc trẻ con bước qua thì nước sẽ mất thiêng, báo hiệu năm mới gia chủ làm ăn không gặp may. Trong những ngày Tết, từ mùng Một đến ngày rằm, nếu thấy ống nước để trên bàn thờ bị vơi đi báo hiệu năm đó mưa ít, làm ăn không may mắn, gia đình có nhiều chuyện lục đục.
Nguồn: baolaocai.vn