Nỗ lực giữ "hồn" văn hóa Xơ Đăng ở Kon Hring
Ngày đăng: 27/09/2018
Trước dòng chảy của cuộc sống hiện đại, trong khi nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang dần bị mai một, hay chỉ xuất hiện trong các dịp biểu diễn mang tính phục dựng thì cộng đồng người Xơ Đăng ở buôn Kon Hring (xã Ea Hđing, huyện Cư M’gar) vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, đặc trưng của dân tộc mình.

Bảo tồn những giá trị truyền thống

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 1-1 hằng năm, đồng bào Xơ Đăng ở buôn Kon Hring lại tổ chức Lễ mừng lúa mới, dâng lễ vật cúng Giàng (thần linh) để cảm ơn thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ tươi tốt, đời sống ấm no, sung túc. Trước kia, Lễ mừng lúa mới chỉ diễn ra trong phạm vi từng gia đình, nhưng đến nay đã trở thành lễ hội chung của cả cộng đồng. Đây là dịp để người đàn ông có thể thể hiện tài nghệ qua việc tạo dáng cây nêu, chế tác các nhạc cụ, vật dụng truyền thống hay biểu diễn các nhạc cụ dân tộc; là dịp để người phụ nữ thể hiện sự khéo léo qua những ống cơm lam và các món ẩm thực, khoe sắc trong những bộ váy áo cùng điệu múa uyển chuyển, lời ca thánh thót. Lễ mừng lúa mới như sợi dây gắn kết mọi người trong cộng đồng. Cả buôn làng cùng quây quần ăn uống, nhảy múa, hỏi thăm sức khỏe, công việc, mùa màng khiến tình cảm ngày càng bền chặt.

Người Xơ Đăng ở buôn Kon Hring rất quý trọng cồng chiêng, coi cồng chiêng là hơi thở cuộc sống. Bên cạnh việc bảo tồn, gìn giữ được hai bộ chiêng quý, những nghệ nhân trong buôn cũng đã nỗ lực truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ sau này. Trong đó, nghệ nhân A Nol dù đã gần bước qua tuổi 80, nhưng vẫn miệt mài chế tác nhạc cụ dân tộc, đan lát và dạy chiêng cho lũ trẻ trong buôn. Cùng với đó, ông còn dạy những điệu múa truyền thống của người Xơ Đăng cho chị em phụ nữ. Nhờ vậy, đội chiêng và đội múa của buôn Kon Hring được biết đến và được mời đi thi, biểu diễn ở rất nhiều nơi, mang về những danh hiệu quý giá cho đội và cho cả buôn làng.

Bên cạnh đó, nghề dệt vải thổ cẩm ở đây vẫn được gìn giữ. Hiện trong buôn vẫn còn khoảng 10 người biết dệt và gắn bó với khung cửi. Bà H’Bên (50 tuổi) tâm sự, tuy không phải là nghề có thể “hái” ra tiền, nhưng vì say mê trang phục truyền thống và không muốn khung cửi bị bỏ trống nên sau những giờ làm việc trên nương rẫy, bà lại ngồi vào khung cửi dệt vải để phục vụ gia đình cũng như bà con trong buôn. Cũng theo bà, màu sắc chủ đạo trên trang phục người Xơ Đăng là màu chàm và hoa văn trên trang phục chủ yếu được trang trí xung quanh áo, váy. Theo đó, đàn ông sẽ mặc áo, đóng khố còn phụ nữ mặc áo chui đầu, tay áo được khoét sát nách và mặc váy quấn. Và ngày nay, những trang phục này được sử dụng trong các lễ hội hay ngày lễ quan trọng của gia đình.

Vẫn còn nhiều trăn trở

Có lẽ, buôn Kon Hring là một trong những nơi còn lưu giữ được nhiều bộ chiêng quý của người Xơ Đăng và cũng là một trong những buôn làng hiếm hoi trên cao nguyên Đắk Lắk duy trì, tổ chức Lễ mừng lúa mới hằng năm với sự tham gia của cả cộng đồng. Tuy vậy đối với dân làng Kon Hring, bên cạnh niềm tự hào cũng còn ẩn chứa nhiều trăn trở. Niềm trăn trở lớn nhất của người dân Kon Hring bây giờ là việc ngôi nhà rông truyền thống, nơi được coi là “trái tim” của buôn làng đã không còn. Theo lời trưởng buôn A Nit, vào một đêm mưa gió cuối đông của nhiều năm về trước, ngôi nhà rông bỗng nhiên bị cháy rụi và đổ sụp. Lúc ấy, các già trong buôn đã vận động bà con đóng góp tiền của, tuy vậy không thể mua được gỗ tốt cũng như tiền đóng góp không đủ để có thể gây dựng lại nhà rông. Về sau, Nhà nước đã đầu tư xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng bằng bê tông kiên cố để buôn làng tổ chức lễ hội và sinh hoạt. Cho đến tận bây giờ, đã nhiều mùa rẫy trôi qua, dân làng Kon Hring vẫn duy trì các lễ hội truyền thống, thế nhưng bóng dáng nhà rông vẫn hiện hữu trong tâm khảm của mỗi người, họ vẫn hy vọng và mong chờ có một ngày, nhà rông được gây dựng lại.

Hiện nay ở Kon Hring vẫn còn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Không chỉ nhà rông, nỗi lo về việc cồng chiêng bị đánh cắp cũng khiến các già mất ăn mất ngủ. Nghệ nhân A Nol xót xa: “Ngày trước chiêng treo đầy nhà, không khóa cửa cũng chẳng sao. Giờ thì ngoài những dịp quan trọng cần tới cồng chiêng mới mang ra sử dụng, còn lại phải mang đi “giấu”, bởi cồng chiêng của buôn đã suýt bị lấy cắp mấy lần”. Và điều khiến các già lo lắng nữa là khi những nghệ nhân đánh chiêng, chỉnh chiêng giỏi dần vắng bóng, không gian nguyên thủy của cồng chiêng ngày càng bị thu hẹp, ảnh  hưởng của xã hội hiện đại đã làm thay đổi ít nhiều nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của thế hệ trẻ, thì liệu những giá trị truyền thống của dân tộc có còn được gìn giữ?.

Nguồn: baodaklak.vn