Những phong tục đón Phục sinh thú vị trên khắp thế giới
Ngày đăng: 29/03/2018
Nhiều nước trên thế giới quen thuộc với những quả trứng đầy màu sắc, hình ảnh chú thỏ hay việc ăn tối với gia đình và bạn bè trong dịp Lễ Phục sinh, tuy nhiên chuyện mừng Lễ Phục sinh ở một số nơi trên thế giới lại rất khác biệt.

Tại Australia

Vào năm 1991, Tổ chức Rabbit-Free Australia (một tổ chức nghiên cứu Chống Thỏ) đã phát động một chiến dịch để thay thế hình ảnh thỏ phục sinh bằng hình ảnh chú chuột đất ( tên gọi một của một họ động vật có túi gồm nhiều loài chuột nhỏ bé, kỳ lạ với hình dạng lai tạp giữa thỏ và chuột túi, ngày nay chỉ có hai loài còn tồn tại). Lý do bởi tại Australia, thỏ thường được coi là loài vật nuôi gây hại cho mùa màng và đất đai. Nhiều công ty hiện nay đã sản xuất ra những viên kẹo sô cô la hình chú chuột đất cho mùa Phục sinh góp phần bảo vệ động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng này.

Florence, Ý

Tại Florence, Ý, người dân địa phương sẽ tổ chức kỷ niệm Lễ Phục sinh với truyền thống 350 năm với tên gọi là “Sự bùng nổ của chiếc xe chở hàng”. Một chiếc xe ngựa bốn bánh được bao quanh bởi pháo hoa được đưa qua các con phố bởi những người mặc trang phục thế kỷ 15 đầy màu sắc trước khi dừng lại tại nhà thờ lớn (Duomo). Sau đó, trong thánh lễ Phục sinh, Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận Florence sẽ châm ngòi nổ khiến chiếc xe phát sáng rực rỡ. Ý nghĩa của phong tục này là mong muốn một vụ mùa bội thu.

Phần Lan

Trẻ em ở đất nước Scandinavian này (thuộc Bắc Âu) sẽ ăn vận như những phù thủy nhỏ và đi xin trứng socola với khuôn mặt được trang điểm và khăn quấn quanh đầu, mang theo một bó cây gai được trang trí bằng lông. Tại một số vùng phía Tây của Phần Lan, người ta đốt những đống lửa vào ngày Chủ nhật Phục sinh, một truyền thống tại Bắc Âu bắt nguồn từ niềm tin rằng những ngọn lửa sẽ xua đuổi những phù thủy bay khắp nơi trên những cây chổi vào giữa Thứ sáu Tuần thánh và Chủ nhật Phục sinh.

Ba Lan

Người Ba Lan có truyền thống té nước vào nhau trong dịp Lễ Phục sinh, truyền thống này gọi là Thứ hai té nước - “Śmigus-dyngus”. Vào ngày Thứ hai Phục sinh, những chàng trai sẽ cố gắng làm ướt người khác bằng xô nước, súng phun nước hoặc bất cứ thứ gì họ có thể có được trên tay. Những có gái bị té nước được cho rằng sẽ kết hôn trong năm đó. Truyền thống này có nguồn gốc từ lễ rửa tội của Hoàng tử Ba Lan Mieszko vào ngày Thứ hai Phục sinh năm 966 sau Công nguyên.

Thị trấn Haux, Pháp

Hàng năm vào dịp Lễ Phục sinh, thay vì những quả trứng bằng chocolate, người dân ở thị trấn Haux thuộc miền nam nước Pháp dùng hơn 4,500 quả trứng thật để làm món trứng tráng khổng lồ, phục vụ cho khoảng 1000 cư dân trong làng tại quảng trường chính của thị trấn. Chuyện kể rằng khi Napoleon và binh lính đi qua miền nam nước Pháp họ đã dừng chân tại một thị trấn nhỏ và ăn món trứng tráng. Naponeon thích món trứng đến nỗi ông đã yêu cầu người dân thị trấn làm một suất khổng lồ cho toàn bộ binh lính vào ngày hôm sau.

Đảo Corfu, Hy Lạp

Vào buổi sáng của Thứ bảy Tuần thánh, người dân đảo Corfu sẽ thực hiện một nghi thức truyền thống đó là “ném bình”. Họ sẽ nghiêng mình ra ngoài cửa sổ và ném đi chậu, chảo và đồ dùng khác, đập vỡ chúng trên phố. Một số người cho rằng phong tục này xuất phát từ người dân thành phố Venice, nước Ý, vào ngày đầu năm mới thường ném tất cả đồ vật cũ của họ đi. Một số người lại cho rằng việc “ném bình” là để chào đón mùa xuân và những nông sản trong vụ mùa mới sẽ được đựng trong những chiếc bình mới.

Na Uy

Người dân Na Uy lại đón Phục sinh theo một cách rất khác. Đây lại là dịp khá phổ biến để người dân Na Uy đắm mình với những tiểu thuyết trinh thám. Phong tục này được cho là bắt đầu vào năm 1923, một nhà xuất bản quảng bá tiểu thuyết tội phạm mới của mình trên các trang nhất của báo chí chỉ ngay trước ngày Chủ nhật lễ Lá. Các quảng cáo giống như tin tức đến nỗi mọi người không biết đó là quảng cáo. Câu chuyện hoàn toàn đánh lừa được người dân, khiến họ tin tưởng trong suốt một thời gian và nó nhanh chóng trở thành một hiện tượng sau đó.

Tại Vatican

Vào Thứ sáu Tuần thánh Giáo hoàng sẽ làm lễ kỷ niệm Via Crucis (Con đường Thập tự) tại Đấu trường La Mã: Một cây thánh giá khổng lồ với ngọn đuốc đốt chiếu sáng bầu trời được đánh dấu bởi 14 Trạm dừng của Thập tự giá và được mô tả bằng nhiều thứ tiếng. Thánh Lễ được cử hành vào tối Thứ bảy Tuần thánh và vào Chủ nhật Phục sinh với sự tham dự hàng ngàn người tại Quảng trường Thánh Phêrô để chờ đợi sự ban phước và bài phát biểu truyền thống "Urbi et Orbi" ("Nói với thành phố và với thế giới ") của Giáo hoàng từ ban công nhà thờ.

Cộng hòa Séc và Slovakia

Nếu bạn đi du lịch tới Séc và Slovakia vào dịp Lễ Phục Sinh thì hãy chú ý tới phía sau của bạn nhé. Trong ngày này người dân sẽ tổ chức lễ Thứ hai Phục sinh, người đàn ông sẽ “đánh yêu” những phụ nữ bằng roi làm bằng liễu và trang trí bằng  những dải ruy băng. Theo truyền thuyết, cây liễu là cây đầu tiên nở hoa vào mùa xuân, do đó các cành cây được cho là truyển sức sống và khả năng thụ thai cho phụ nữ.

Thị trấn Verges, Tây Ban Nha

Vào Thứ năm Tuần thánh, người dân thị trấn Verges sẽ hóa trang thành những bộ xương, đeo mặt nạ, nhảy nhót và diễu hành qua những con phố. Màn biểu diễn truyền thống được bắt đầu lúc nửa đêm, tiếp tục ba tiếng đồng hồ vào buổi sáng sớm và kết thúc bằng hình ảnh những bộ xương đáng sợ mang theo hộp tro tàn  nhằm tái hiện lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô.

Lễ Phục sinh tại Nhà Trắng

Vào dịp Lễ Phục sinh, Nhà Trắng sẽ tổ chức cuộc thi lăn trứng Phục sinh (the Easter Egg Roll) tại Bãi cỏ phía Nam. Đây là một cuộc thi vui nhộn có truyền thống hơn 130 năm với đối tượng tham gia chính là những người trẻ tuổi. Ban đầu là cuộc thi lăn những quả trứng luộc được tô màu bằng một thìa lớn, nhưng hiện nay còn có thêm một nhiều hoạt động thú vị khác như như các nhóm nhạc biểu diễn, săn trứng, thể thao và làm đồ thủ công.

Hungary

Vào ngày Thứ hai Phục sinh, người dân Hungary sẽ té nước vào nhau. Phong tục truyền thống này được gọi là “Ngày Thứ hai ẩm ướt” Những chàng trai sẽ té nước hoặc xịt nước hoa vào các cô gái và đề nghị một nụ hôn. Người ta tin rằng nước có tác dụng làm sạch, làm lành và tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở.

Jerusalem, Israel

Tại thành phố được cho là nơi Chúa Jêsus bị đóng đinh, các Kitô hữu ăn mừng Thứ sáu Tuần thánh bằng cách đi theo con đường mà Chúa Jêsus đã từng đi trong ngày Người bị đóng đinh trên cây thập tự. Để tưởng nhớ tới sự đau đớn của Chúa Jêsus, một số người còn mang trên mình cây thập tự giá. Vào Chủ nhật Phục sinh, nhiều người hành hương sẽ tham dự một buổi lễ tại nhà thờ trong Khu vườn mộ (Garden Tomb), nơi mà người ta tin rằng Chúa Giêsu đã được chôn cất.

Thị trấn Sicily, Ý

Theo The Telegraph , người dân tại thị trấn Prizzi, đảo Sicily sẽ đeo những chiếc mặt nạ bằng kẽm tượng trưng cho ma qủy và mặc chiếc áo choàng đỏ trong dịp lễ Phục sinh. Họ tin rằng mặc những trang phục như vậy sẽ khiến những linh hồn xấu xa e sợ cho đến buổi chiều khi Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Phục sinh bảo vệ Ngày Phục sinh bằng cách nhờ những thiên thần mang quỹ dữ đi xa.

Phương Thủy dịch theo womansday.com