Người giáo dân luôn “đi đầu dậy trước”
Ngày đăng: 11/11/2020


Đã vào tuổi 80 nhưng ông vẫn chưa ngơi nghỉ mà luôn say sưa với các hoạt động xã hội. Từ việc đạo đến việc đời, ở đâu cũng có tiếng nói của ông. “Đi đầu dậy trước” là “danh hiệu” mà bà con ở xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) dành cho ông – giáo dân Hồ Sỹ Quảng.



 


Về xã Kỳ Tân, hỏi nhà ông Hồ Sỹ Quảng, thì từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng biết. “Chú cứ đi thẳng, qua nhà thờ xứ đạo Quy Hội là đến nhà bác Quảng” – mấy đứa nhỏ từ đầu xã rành rẽ chỉ đường.

Ông Quảng có dáng người quắc thước, gương mặt đôn hậu. Tuy đã 80 tuổi nhưng vẫn còn cường tráng lắm, chuyện trò, thỉnh thoảng ông lại điểm một vài câu vần vè, rất hóm hỉnh. Thấy tôi cứ nhìn vào cánh tay bị cụt, ông giải thích: Bác bị thương ở chiến trường Quảng Trị. Thế là câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi của ông.

Năm 1968, khi cuộc chiến vào hồi cam go, thanh niên Công giáo Hồ Sỹ Quảng đang là Bí thư chi đoàn xóm Quy Hậu. Ông thấy buồn khi thanh niên cả xứ đạo không ai đi bộ đội. Mình là thanh niên, là công dân của nước Việt Nam, đất nước lâm nguy sao nỡ yên phận ở hậu phương…thế là ông đã xung phong tòng quân. “Lúc đó tôi đã học xong chương trình trung cấp y rồi. Tôi xung phong đi bộ đội, phần để góp sức mình đánh giặc, phần để làm gương cho thanh niên Công giáo noi theo. Sau ngày tôi lên đường, có 5 thanh niên khác trong xứ đạo cũng xung phong nhập ngũ” – ông Quảng nhớ lại.

Vào quân ngũ, ông được giao nhiệm vụ y tá, bám sát các trận đánh để kịp thời cứu thương cho bộ đội. Cuối năm đó, trong một trận đánh ác liệt ở Vĩnh Linh, ông đã bị thương, mất đi một bàn tay.

Sau điều dưỡng, ông trở về quê với mức độ thương tật 2/4. Không cam chịu tàn phế, ông tự rèn luyện để một tay vẫn cứ lao động, sản xuất được. Thế là các phong trào nung vôi để khử chua đồng ruộng, nuôi bèo hoa dâu…được ông phát động. Bấy giờ địa phương có chủ trương di dời dân lên vùng cao để nhường đất cho cây lúa, nhưng trở ngại là cả xóm không ai chịu di dời. Ông Quảng lại là ngọn cờ, tự di dời nhà mình đi trước. Chẳng mấy hôm, công việc di dời tái định cư hoàn thành hơn cả mong đợi. Ông nói: “Tôi thấy việc di dân là có cả lợi chung và lợi riêng nên vận động bà con thực hiện. Muốn người ta nghe theo thì mình phải gương mẫu đi đầu. Đơn giản thế thôi”.

Những lò vôi, những ruộng bèo hoa dâu và cả “công cuộc” vận động di dời dân của ông Quảng…đã góp phần làm nên cánh đồng 5 tấn cho HTX Quy Hậu lúc bấy giờ.

Tin tưởng vào người giáo dân “đã nói là làm” nên ông được bầu làm uỷ viên uỷ ban xã Kỳ Tân, phụ trách tài chính – chính sách. Đồng thời liên tiếp nhiều kỳ Đại hội, ông được bầu Phó Chủ tịch Mặt trận, phụ trách tôn giáo. Hơn 20 năm làm công việc được coi là “tay hòm chìa khoá” của xã, nhưng ông chưa để xẩy ra một sơ suất nào. Ông nói, người cán bộ tài chính – chính sách, muốn đừng sai sót thì phải thuộc lòng câu này: “Đầu đội chính sách, vai mang chứng từ”. Trước hết là phải nắm vững và thực hiện cho đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, sau đó là việc làm phải minh bạch, công bằng, đừng tư lợi…thì sai thế nào được. Đặc biệt, hơn 20 năm làm công tác mặt trận, ông Quảng chưa một lần kêu khó trong các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương.

Tôi hỏi bí quyết để thành công trong vận động, thuyết phục Nhân dân, ông cười: “Tôi nghỉ hưu lâu rồi nên những phương pháp, kỹ năng mới có khi nắm không chắc lắm. Nhưng có một điều chắc chắn là muốn dân tin tưởng, nghe theo thì cán bộ phải gương mẫu đi đầu, nói phải đi đôi với làm, đừng tư lợi… Ông ví dụ, đợt dịch Covid – 19 vừa rồi, tôi vận động con cháu trong nhà nấu hàng trăm suất ăn gửi tặng bà con đang phải cách li, thế là nhiều gia đình cũng góp của, góp công để ủng hộ chủ trương. “Việc tốt, việc đúng, chỉ cần có người gương mẫu là bà con hưởng ứng ngay” – ông Quảng khẳng định.

Mới đây nhất, phong trào xây dựng nông thôn mới của xã gặp khó khăn vì ít ai chịu hiến đất để mở đường. Người giáo dân già Hồ Sỹ Quảng lại là người “đi đầu dậy trước”. Ông vận động gia đình, đồng ý hiến 2 sào đất ruộng (1000m2) để mở hai con đường, một đường vào nhà thờ và một đường dân sinh. Sau khi hai con đường mới thông tuyến, bà con noi theo ông, hiến đất, góp tiền để mở đường. “Bà con đã hiến đến 2 ha đất để mở một con đường hoa từ nhà thờ giáo xứ nối liền đường mòn Hồ Chí Minh, đẹp lắm” – ông Quảng rất vui.

- Xong nông thôn mới rồi, bác đã định nghỉ ngơi chưa?

- Đâu đã xong. Tôi đang có dự định vận động bà con làm cho được ba việc nữa, lúc đó có nhắm mắt cũng yên lòng: Cải tạo lại nhà văn hoá xóm, hoàn thành việc dồn điền đổi thửa để bà con thuận lợi sản xuất và hoàn thành một số trục đường giao thông, làm sao cho thật khang trang.

Ông Quảng cười thật sảng khoái, nhấp một ngụm chè xanh đặc quánh, rồi chậm rãi đọc cho tôi mấy câu thơ mà ông vừa mới viết:

“Mon men tám chục tuổi đời

Hi sinh, cống hiến, đạo – đời sắt son…”

 

Theo baodantoc.vn