Ngôi chùa thờ 1.000 liệt sĩ trên đất ba sông
Ngày đăng: 02/08/2018
Chùa Hà Tân nằm trên doi đất nơi ngã ba sông (hợp lưu của sông Con và sông Cái) ở thôn Hà Tân, xã Đại Lãnh, H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ngôi chùa được thành lập vào năm 1959 do Phật tử Lương Châu (Lương Tự Hối) phát tâm cúng đất, cùng với một số Phật tử địa phương thời bấy giờ đứng ra vận động thành lập và xây dựng chùa.

Tôi tình cờ được một người anh đồng hương dẫn lên thăm chùa Hà Tân vào dịp cả nước tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh và những người có công cách mạng nhân Ngày Thương binh Liệt sỹ (27-7). Vùng quê Đại Lãnh là miền thơ mộng, nơi hợp lưu của sông Cái và sông Con là đò Ba Bến. Một bến xuất phát từ đuôi làng Hà Tân về Đại Hồng, một bến xuất phát từ làng Hà Tân đi Đại An. Nơi đây một thời nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền. Về Hà Tân, ngược dòng sông Con về hướng ngã ba sông, mênh mang sông nước. Đò Ba Bến giờ chỉ còn trong ký ức khi cây cầu Hà Tân nối liền đôi bờ cách trở được xây dựng. Dịp này, chùa Hà Tân đến thăm, tặng quà cho các bà mẹ Việt Nam Anh hùng H. Đại Lộc. Theo Đại đức Thích Đồng Nhãn, Trụ trì chùa Hà Tân, thực hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", nhà chùa luôn ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cũng như các thương binh, bệnh binh và người có công cách mạng. Ngoài ra, hằng năm, nhà chùa thường tổ chức các đợt cứu trợ tại các vùng, miền trên khắp cả nước bị thiên tai tàn phá và làm thiện nguyện ở những vùng quê còn nhiều khó khăn với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. "Với sự phát tâm ủng hộ của những mạnh thường quân thân thương của Thầy, đặc biệt là sự vận dụng hài hòa rất khoa học, ngôi chùa được thành tựu Đại Đức đã hoàn thành tâm nguyện. Vì vậy mỗi khi có dịp là nhà chùa lại lên đường làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Cứ có điều kiện là mình đi làm từ thiện thôi", Đại đức Thích Đồng Nhãn chia sẻ.

Theo ông Trần Văn Lân, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH H.Đại Lộc, chùa Hà Tân hằng năm làm công tác an sinh xã hội rất tốt, mang lại niềm vui, giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, nhà chùa cũng luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống người có công, hỗ trợ các gia đình chính sách. "Việc làm của nhà chùa góp phần vào công tác đền ơn đáp nghĩa của huyện nhà ngày càng chu đáo và hoàn thiện hơn, tạo điều kiện cho các gia đình chính sách vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống", ông Lân nói.

Dịp này, chùa Hà Tân tặng 110 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng và một tấm vải lụa cho các Mẹ VNAH ở H. Đại Lộc. Nhiều Mẹ rất xúc động khi được nhà chùa quan tâm, săn sóc, động viên, góp phần làm vơi đi những nỗi đau để các Mẹ có cuộc sống tốt hơn. "Các Mẹ như lá vàng trên cây, chẳng biết khi nào rụng. Ngoài tiền chính sách chung của Trung ương, của tỉnh, huyện và địa phương, thì mỗi phần quà từ các đoàn từ thiện là vô cùng quý giá, động viên kịp thời, giúp cho các Mẹ được an ủi ở tuổi xế chiều. Chính điều này khiến chúng tôi, những người làm công tác đền ơn đáp nghĩa rất xúc động trước hành động từ chùa Hà Tân", ông Lân nói.

Đại đức Thích Đồng Nhãn, Trụ trì chùa Hà Tân tặng quà cho các Mẹ VNAH dịp 27-7 tại H. Đại Lộc

Đứng từ chùa Hàn Tân, nơi doi đất cuối làng Hà Tân nhoi ra phía ngã ba sông, cảnh đẹp đến nao lòng.  Ngôi chùa này còn là chứng nhân lịch sử hứng chịu nhiều bom đạn bởi chiến tranh. Từ năm 2012, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, thân nhân các gia đình liệt sĩ, nhà chùa đã rước hương linh của 1.000 liệt sĩ thuộc các đơn vị Sư đoàn 304, 324 và Trung đoàn 219 thuộc Quân đoàn 2 về thờ tự trong đền thờ liệt sĩ rất trang nghiêm. Đây cũng là tấm lòng tri ân, biết ơn công đức hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương Đại Lộc qua các cuộc chiến tranh. "Hằng năm, chùa đều tổ chức cầu siêu cho các hương linh anh hùng liệt sĩ tại đền thờ nằm trong chùa. Công việc thờ tự, hương khói được quan tâm chu đáo hằng ngày", Đại đức Thích Đồng Nhãn trải lòng.

Chùa Hà Tân từng là ngôi chùa làng, nằm heo hút nơi ngã ba sông. Từ năm 2015, chùa được trùng tu, đến tháng 4-2018 tổ chức khánh thành. Nay chùa đã khang trang, bề thế, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của không chỉ người dân trong vùng mà còn của đông đảo Phật tử muôn phương. Đây còn là trung tâm giáo dục cho Phật tử tại gia thực hiện tinh thần Phật dạy, góp phần đem đạo giúp đời.

Nguồn: http: cadn.com.vn