Mái ấm của tình thương
Ngày đăng: 13/04/2018
Những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa, những con người bé nhỏ mang trong mình những khiếm khuyết cả về cơ thể lẫn trí óc, gia đình vì nhiều lý do đã không thể cưu mang được con mình. Tất cả những hoàn cảnh đó đều được Mái ấm Hy vọng Nguyệt Biều (TP. Huế) đón nhận và săn sóc.

Mái ấm Hy vọng Nguyệt Biều là một cơ sở xã hội của Hội Dòng Mến Thánh giá Huế, được thành lập vào năm 1996 để đón nhận các trẻ em mồ côi, khuyết tật bị bỏ rơi ở các bệnh viện hoặc các em khuyết tật ở các gia đình nghèo không có điều kiện chăm sóc con gửi đến để phục hồi chức năng. Khi mới thành lập, Mái ấm với quy mô nhỏ chỉ nhận vài ba em trong địa bàn, đến năm 1999 thì một số em chuyển sang trung tâm trẻ em khuyết tật Long Thọ. Sau này khi điều kiện cơ sở vật chất đã thuận lợi hơn, Mái ấm lại đón nhận thêm các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về để nuôi dưỡng và chăm sóc.

Khi được hỏi từ đâu để mọi người trong cộng đoàn hình thành ý tưởng và tiến đến xây dựng Mái ấm, nữ tu Catarina Hồ Thị Hiên,  Giám đốc Cơ sở Bảo trợ Xã hội Mái ấm Hy vọng Nguyệt Biều chia sẻ: mục đích ban đầu khi thành lập Mái ấm là để đón nhận các em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa sau thiên tai. Cứ sau mỗi trận bão lụt, các trường hợp trẻ em lang thang ở bệnh viện, đường phố... được tìm thấy rất nhiều. Nên dù cộng đoàn ngày trước có quy mô rất nhỏ, nhưng vẫn ấp ủ về ý tưởng cho ra đời một cơ sở xã hội làm mái nhà và là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng cho những em không nhà cửa, không người thân. Về sau, Mái ấm đã đón nhận cả các em khuyết tật để nuôi dưỡng. Những em bình thường sẽ được gửi đi học ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn, trong khi những em khuyết tật sẽ được phục hồi chức năng và giáo dục ngay tại Mái ấm.

Hiện nay, Mái ấm đang nuôi dưỡng 55 em không phân biệt lương giáo. Khi mới thành lập, Mái ấm chủ yếu là nuôi dưỡng các em trong địa bàn lúc ấy đa phần là bên lương, số em thuộc các gia đình Công giáo không nhiều. Tuy có sự khác biệt về tín ngưỡng, nhưng trong giờ sinh hoạt chung vào buổi tối, tất cả các em đều bình đẳng và không có sự phân biệt. Các em không có đạo cũng có thể tham dự giờ Kinh nguyện cùng với các em có đạo. Để tiện quản lý và chăm sóc, dựa vào hoàn cảnh của từng em, các em được chia thành 3 nhóm: nhóm thiểu năng trí tuệ, nhóm chậm phát triển và nhóm phục hồi chức năng. Trong các nhóm, các em trong nhóm chậm phát triển được xem là “chậm tiến” hơn và khó khăn trong phục hồi hơn so với các bạn trong Mái ấm, nên các em cũng nhận được nhiều sự quan tâm hơn đến từ các nữ tu. Trường hợp đặc biệt nhất là em Hồ Văn K. (15 tuổi), em là anh cả của ba anh em trong gia đình vạn chài. Gia đình của K rất nghèo, không có khả năng nuôi dưỡng và chăm sóc cho em, nên đã gửi em đến với Mái ấm Hy vọng Nguyệt Biều. Hai người em của K. đều lành lặn, trong khi em K. được nhìn nhận là chậm phát triển nhất trong số những em đang ở Mái ấm. Năm nay K. Đã 15 tuổi, nhưng em vẫn chưa thể tự mình bước đi và vẫn đang trong quá trình tập đi cùng với máy. Chứng kiến cậu bé đang bước từng bước một cách nặng nhọc, xem ra quá trình hòa nhập với cộng đồng của K. sẽ gặp muôn vàn khó khăn.

Trong quá trình hoạt động, Mái ấm Hy vọng Nguyệt Biều còn có một số khó khăn. Nhưng với những nỗ lực của các thành viên trong Cộng đoàn Dòng Mến Thánh giá Nguyệt Biều, tháng 5 năm 2011, Giám đốc sở Lao động Thương binh và Xã hội  đã ký xác nhận thành lập Cơ sở Bảo trợ Xã hội Mái ấm Hy vọng Nguyệt Biều. Thứ hai là tài chính, đây cũng là nỗi trăn trở của nữ tu Catarina Hồ Thị Hiên. Nhà dòng bên cạnh việc nuôi dưỡng và chăm sóc các em thì còn phải lo cho vấn đề học phí của các em ở trường và chủ yếu là dựa vào nguồn lực của mình. Những năm gần đây, Mái ấm nhận tài trợ dài hạn từ tổ chức Vovicare (Australia) với số tiền 4 triệu đồng/tháng, nhưng để duy trì hoạt động của Mái ấm cũng như một số chi phí khác thì con số này có lẽ vẫn chưa thấm vào đâu. Thứ ba là về nhân viên, Mái ấm Hy vọng nuôi dưỡng và chăm sóc đến 55 em, trong khi số lượng nữ tu của Dòng Mến Thánh giá Nguyệt Biều tương đối ít, nên Mái ấm buộc phải mời thêm nhân viên nhưng vẫn chưa đủ để có thể quán xuyến hết công việc. Hy vọng trong thời gian tới Mái ấm sẽ nhận được sự quan tâm từ chính quyền, xã hội và cả Tổng Giáo phận Huế để các em có được một cuộc sống tốt hơn.

Có ghé qua Mái ấm Hy Vọng và chứng kiến những thiệt thòi mà các em phải chịu, chúng ta lại càng cảm phục sự chịu thương chịu khó của các nữ tu Hội Dòng Mến Thánh giá Nguyệt Biều, đã không quản ngại khó khăn để giúp cho các em có một mái nhà và một cuộc sống tốt đẹp hơn.  Xin được mượn lời của nữ tu Têrêxa Thành Tín để làm lời kết cho bài viết: Đến với Mái Ấm Hy Vọng Nguyệt Biều, ta thấy mình như lớn hơn, trưởng thành hơn, giàu có hơn khi ta thể hiện được tấm lòng thương yêu tưởng chừng như đã nằm sâu trong tâm ta…Nụ cười đáng yêu của các em, sự vô tư hồn nhiên của các em, nỗ lực tập luyện kiên trì của các em, sự nhẫn nại thánh thiện của các nữ tu phục vụ, ánh mắt trìu mến của các em, làm ta ấm lại và cảm nhận cách sâu sắc hơn niềm hạnh phúc ta đang có, là do chính các em đã trao ban cho ta niềm vui sâu lắng ấy…             

Trương Cao Minh Trí