Giáo dân Quảng Trường chung sức xây dựng quê hương
Ngày đăng: 23/07/2019Trên địa bàn xã Quảng Trường (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) có 809 giáo dân, với 3 họ đạo thuộc giáo xứ Phúc Lãng, sinh sống chủ yếu ở thôn Đồng Tâm. Với đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, đồng bào Công giáo địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực thể hiện sự gắn bó và đồng hành cùng dân tộc.
Từ trong lao động sản xuất và các phong trào thi đua yêu nước, nhiều gia đình Công giáo đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Về thôn Đồng Tâm, hỏi thăm giáo dân Trần Văn Thịnh, hầu hết bà con lương - giáo trong vùng ai cũng biết. Bởi ông Thịnh là một tấm gương điển hình về phát triển kinh tế hộ gia đình, sống “tốt đời - đẹp đạo” của địa phương. Với ý tưởng xây dựng trang trại chăn nuôi, ông Thịnh đã nhận thầu 4 ha đất để phát triển sản xuất. Những ngày đầu tìm cách làm giàu, gia đình ông đầu tư nuôi lợn hướng nạc và xây dựng mô hình cá lúa kết hợp. Do chi phí đầu tư lớn, hiệu quả kinh tế không cao nên năm 2012, gia đình ông Thịnh đã mạnh dạn chuyển sang nuôi bò sinh sản, kết hợp đào ao thả cá và trồng cỏ. Kể từ khi chuyển sang chăn nuôi bò sinh sản, kết hợp đào ao thả cá gia đình ông luôn có thu nhập ổn định khoảng 300 triệu đồng/năm. Hàng năm, gia đình ông Thịnh luôn được bình bầu là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. Đầu năm 2019, được chính quyền địa phương động viên, khuyến khích, giáo dân Trần Văn Thịnh quyết định đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò sinh sản đạt tiêu chuẩn, với diện tích 340m2, quy mô nuôi 30 con bò.
Bằng việc lựa chọn hướng đi phù hợp trong phát triển nông nghiệp, xã Quảng Trường (Quảng Xương, Thanh Hóa) đã phát huy được tiềm năng đất đai và giải quyết hiệu quả “bài toán” nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, xã đã thực hiện tích tụ đất đai đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất ở chân đất bãi màu, xây dựng các mô hình cá lúa kết hợp với diện tích hơn 20,5 ha. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người ở địa phương đạt 35 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống còn 4,06%; trong đó, đồng bào Công giáo còn 5 hộ nghèo.
Song song với phát triển kinh tế, đồng bào Công giáo trong xã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương. Ông Vũ Đình Hùng, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đồng Tâm, cho biết: “Toàn thôn hiện có hơn 7 km đường giao thông. Phát huy tinh thần dân chủ dân biết, dân bàn, dân quyết định và dân kiểm tra, cấp ủy, ban lãnh đạo thôn đã tổ chức các cuộc họp dân thông báo chủ trương làm đường giao thông. Trên cơ sở đó, bà con trong thôn chủ động bàn bạc phương án, cách thức triển khai và mức đóng góp. Nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, các hộ dân, trong đó, có cả bà con giáo dân đã chung sức, tự nguyện đóng góp mỗi khẩu 500 nghìn đồng để mở rộng, sửa chữa, nâng cấp và làm mới toàn bộ đường giao thông của thôn. Nhận được sự đồng thuận của người dân, thôn tiếp tục vận động bà con giáo dân chung sức, cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước triển khai xây dựng nhà văn hóa. Bên cạnh đó, chi bộ thôn, các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong bảo vệ môi trường, chỉnh trang nhà cửa, tường rào đúng với các tiêu chí nông thôn. Với sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng thuận, chung sức của nhân dân không kể lương hay giáo, tháng 9 – 2016, xã Quảng Trường đã cán đích nông thôn mới.
Nhìn quê hương đang từng ngày đổi mới, bà con lương - giáo thôn Đồng Tâm được tiếp thêm động lực cùng nhau đoàn kết thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế./.
Theo Báo Thanh Hóa