Độc đáo nghệ thuật múa trắc tại Nam Định
Ngày đăng: 20/07/2018
Nghệ thuật múa trắc là người sử dụng nhạc cụ vừa đánh trắc, vừa phối hợp các động tác múa nhịp nhàng. Ở tỉnh Nam Định, các hội trắc ngoài phục vụ các nghi lễ trong nhà thờ còn thường xuyên biểu diễn trong các ngày lễ, tết ở địa phương.

Ở hầu hết các xứ đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh đều hình thành hội trắc, mỗi hội có từ 20-50 hội viên, lứa tuổi từ 7-15. Trắc là nhạc cụ đơn giản và dễ làm. Trước đây, gỗ được sử dụng là gỗ trắc, ngày nay thanh trắc thường được làm bằng gỗ lim hoặc gỗ tre già. Ở các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường đều có các hội trắc lớn và thường xuyên duy trì hoạt động biểu diễn trong các dịp lễ tết ở địa phương. Xã Giao Hương (Giao Thủy) có 1 nhà xứ, 6 họ lẻ, trong đó giáo họ Thanh Nhang thuộc giáo xứ Thiện Giáo có hội trắc được thành lập từ năm 1976. Hội trắc khi mới thành lập có 3-4 người dạy, trong đó cụ Trần Văn Ðỗ là người nổi tiếng trong vùng với các điệu múa trắc đẹp mắt. Hiện nay, hội trắc của giáo họ Thanh Nhang có 50 hội viên. Có mặt ở gia đình ông Trần Văn Ðỉnh, trưởng ban hội trắc giáo họ Thanh Nhang, chúng tôi chứng kiến cảnh các em nhỏ trong hội có độ tuổi từ 8-14 tuổi với trang phục áo trắng, quần đen, đầu đội mũ ca nô đang hăng say luyện tập. Theo chia sẻ của các hội viên, đang dịp nghỉ hè nên các em có điều kiện luyện tập. Thanh trắc của hội do ông Ðỉnh chế tác dài 35cm, độ dày 7cm làm bằng gỗ lim khi gõ vào nhau tạo ra âm thanh đanh, chắc. Hiện nay, hội múa trắc giáo họ Thanh Nhang biểu diễn 7 bài múa, mỗi bài từ 10-15 phút gồm: múa diễu hành, múa đảo cánh, múa xoay cùng hướng, múa chào, đứng hàng thẳng múa xoay, vắt chéo thanh trắc, đánh trắc hai hàng. Trong một buổi biểu diễn của hội trắc thường có các nhạc cụ đi cùng như trống và não bạt để cầm nhịp.

Huyện Nghĩa Hưng có gần 50% đồng bào theo đạo Thiên chúa; hầu hết các giáo xứ, giáo họ đều thành lập hội trắc. Hội trắc Liêu Ngạn xã Nghĩa Sơn được hình thành từ năm 1920, hiện có gần 40 hội viên đang sinh hoạt. Hiện nay, hội trắc Liêu Ngạn biểu diễn nhiều bài trắc với các bước di chuyển lôi cuốn, qua vũ điệu người chơi gợi cho người xem hình ảnh hân hoan bình dị, thu hút đám đông. Hội thường xuyên tập luyện và hướng dẫn cách đánh trắc cho các cháu từ 8 tuổi trở lên, dạy kỹ thuật cơ bản trong 1 tháng; sau đó, người hướng dẫn tiếp tục đi sâu truyền thụ các kỹ năng đánh trắc phối hợp với nhiều nhạc cụ khác mà vẫn đều, gõ đúng bài, đồng thời phải luyện tay, chân nhuần nhuyễn. Khi biểu diễn hội trắc Liêu Ngạn đi theo đội hình hàng hai, vừa đi vừa gõ theo nhịp hành tiến. Khi dừng lại các hội viên vừa đánh trắc vừa múa. Lúc trắc được giơ lên gõ ở quá đầu, lúc trắc được đưa gõ ở phía trước ngực, khi trắc đưa gõ ở phía sau thắt lưng, khi lại luồn qua chân...

Ở Hải Hậu hội trắc phát triển đồng đều ở các giáo họ và giáo xứ trên địa bàn. Ở xã Hải Phương, hội trắc của giáo họ Ðất Vượt đã thành lập cách đây trên 80 năm. Ông Vũ Văn Dương, trùm chánh giáo họ Ðất Vượt cho biết: Hầu hết thiếu nhi trong giáo họ đều được học trắc. Hiện nay, hội duy trì hoạt động với 30 hội viên. Ðể có những tiết mục múa trắc đặc sắc, đòi hỏi sự khổ luyện của các hội viên. Trong tập luyện, hội phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên như: vị trí những người đánh trống con, người chơi não bạt, người thổi còi chỉ huy… Với đặc thù các thanh gỗ làm bằng trắc thường nặng, các hội viên mới phải luyện tập bằng tay bo nhuần nhuyễn. Theo chia sẻ của ông Vũ Văn Dương, trước đây để luyện cổ tay múa trắc thật dẻo các thầy dạy trắc còn cho hội viên mới đứng tập với các điểm được đánh dấu trên thân cây. Mỗi người luyện tập đến khi lớp vỏ cây bong ra cũng là lúc được nhận thanh trắc để sẵn sàng biểu diễn.

Nghệ thuật múa trắc đang phát triển mạnh, không chỉ phục vụ trong nhà thờ mà còn biểu diễn vào những sự kiện trọng đại của các địa phương, góp phần tạo không khí rộn rã khắp làng quê, động viên nhân dân hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

Theo Báo Nam Định