Đoàn kết dân tộc để xây dựng quê hương
Ngày đăng: 31/08/2018Nhân kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, P.V Báo Gia Lai Điện tử có dịp ghi lại những ý kiến của một số cá nhân tiêu biểu và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) về sự đổi thay của quê hương cũng như xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế-xã hội tại cơ sở.
* Ông YEK-dân tộc Bahnar, già làng (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang): Đời sống của người dân được nâng cao
Tôi phấn khởi vì suốt mấy chục năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào DTTS, đời sống của bà con ngày càng được nâng lên. Đó là kết quả của độc lập tự do, thống nhất. Riêng tại Kon Chiêng, so với hơn 20 năm về trước, hạ tầng nông thôn được đầu tư nhiều mặt, phần lớn bà con đều biết làm lúa nước, phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, cuộc sống người dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, qua theo dõi báo, đài, tôi được biết hiện nay đời sống người dân một số vùng căn cứ cách mạng vẫn còn khó khăn lắm. Tôi mong Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ vốn vay sản xuất để nâng cao đời sống cho bà con nơi đây
* Bà KPĂ H'BUIH-dân tộc Jrai, người có uy tín tại xã Ia Broăi (huyện Ia Pa): Tuyên truyền người dân ý thức tự vươn lên
Với chính sách dành nhiều sự quan tâm đối với bà con người DTTS của Đảng và Nhà nước, xã hội bây giờ có nhiều cán bộ lãnh đạo và kỹ sư, bác sĩ người DTTS. Điều đó thể hiện sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc tại địa phương, qua đó huy động nhiều nguồn lực và trí tuệ để cùng chung tay xây dựng quê hương đất nước. Tôi nghĩ rằng, phát triển giáo dục tại các vùng đồng bàođDTTS là yêu cầu lâu dài. Do vậy, cùng với các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con ý thức tự vươn lên, động viên con em học tập để nâng cao dân trí, xóa bỏ tư tưởng mặc cảm, tự ti, trông chờ ỷ lại, gắn với thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS.
* Ông H'ĐUNG-dân tộc Xê Đăng, chức sắc đạo Công giáo tại xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah), Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa IX: Cảnh giác với âm mưu lợi dụng tôn giáo để chống phá
Gia Lai là địa bàn có đông đồng bào DTTS theo đạo Công giáo và đạo Tin lành (Hội thánh Tin lành Việt Nam-miền Nam). Những năm qua, tỉnh và huyện đã dành sự quan tâm thường xuyên cho hoạt động của các tôn giáo, thực hiện đúng chính sách tự do tín ngưỡng. Là một chức sắc và người có uy tín, tôi sẽ cố gắng tham gia tuyên truyền cho bà con DTTS theo đạo trên địa bàn huyện Chư Pah chấp hành sinh hoạt tôn giáo đúng quy định pháp luật, sống “Tốt đời-Đẹp đạo”, cảnh giác với âm mưu của kẻ xấu lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân…
* Anh ĐINH VĂN BAN-dân tộc Bahnar, Bí thư Đoàn xã An Thành (huyện Đak Pơ): Cần quan tâm đào tạo cán bộ nguồn người DTTS
Là một cán bộ Đoàn, tôi luôn chú trọng tuyên truyền đoàn viên thanh niên phát huy ý nghĩa, giá trị, tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 trong các hoạt động xung kích của tuổi trẻ, nêu cao tinh thần học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo gương Bác Hồ để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng địa phương giàu đẹp. Tôi cũng mong cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thu hút và sử dụng nguồn lực trí thức trẻ về công tác ở vùng sâu, vùng xa, quan tâm hơn nữa công tác đào tạo cán bộ nguồn và thực hiện chế độ ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là con em đồng bào DTTS tại các xã, các buôn làng.
Thanh Nhật (thực hiện)