Tỉnh Quảng Nam tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo
Ngày đăng: 09/01/2024
Hội nghị tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo trên địa bàn tỉnh tỉnh Quảng Nam
Tỉnh Quảng Nam hiện có 15 tổ chức tôn giáo và 01 tổ chức đã được cấp hoạt động tôn giáo gồm: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Hội thánh Cao Đài Truyền giáo, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo, Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Việt Nam, Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, Giáo hội Báp-tít Việt Nam, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Hội thánh Tin Lành Trưởng lão Việt Nam, Hội thánh Mennonite Việt Nam, Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam, Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn, Hội thánh Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam. Cộng đồng các tôn giáo chiếm 15% dân số toàn tỉnh với 1.024 chức sắc, 3.236 chức việc, khoảng 250 nghìn tín đồ.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 2.144 cơ sở tín ngưỡng gắn liền với nhiều loại hình tín ngưỡng đặc trưng của văn hóa xứ Quảng, như: tục thờ cúng tiền hiền, hậu hiền; tục thờ Mẫu - mẹ xứ sở; tục thờ cá Ông; tục thờ tổ nghề; tín ngưỡng người Hoa… Trong số đó, có 121 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được xếp hạng di tích cấp tỉnh; 21 cơ sở được xếp hạng di tích cấp quốc gia và 2 nghi lễ, lễ hội được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể - lễ hội truyền thống là lễ hội rước cộ Bà Chợ Được (Thăng Bình) và nghi lễ dựng cây nêu và bộ gu của người Co (Bắc Trà My).

Hai năm vừa qua, việc thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo (Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ, Quyết định số 16/2018/QĐ-UBND ngày 05/12/2018 của UBND tỉnh Quảng Nam và các văn bản liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo) được UBND tỉnh tăng cường, chỉ đạo thực hiện tốt, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh việc thực hiện các thủ tục hành chính, tham mưu giải quyết hồ sơ đúng thẩm quyền, đạt kết quả đáng khích lệ khi không có hồ sơ thủ tục hành chính nào bị chậm trễ hay bị khiếu nại, theo thông tin tại Báo cáo năm 2023 về tình hình thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Cụ thể, trong năm 2022-2023, Ban Tôn giáo tỉnh đã phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức 02 lớp tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho gần 500 chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo trên địa bàn tỉnh; 05 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho gần 1.000 lượt cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; ở cấp huyện, đã tổ chức được 21 hội nghị phổ biến, tập huấn pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho hơn 2.580 lượt cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành và công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

Cũng trong thời gian này, theo thẩm quyền được phân cấp, Ban Tôn giáo tỉnh đã gửi văn bản báo cáo UBND tỉnh, Ban Tôn giáo Chính phủ xem xét, chấp thuận Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong hàng giáo phẩm cho 57 tăng, ni trên địa bàn tỉnh; chấp thuận bổ nhiệm 52 chức sắc; chấp thuận Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ (2022-2027); Ban Trị sự Tỉnh hội Minh Sư đạo tổ chức Đại hội nhiệm kỳ (2023-2028). UBND tỉnh đã chấp thuận đề nghị thành lập 06 tổ chức tôn giáo trực thuộc, di dời 02 cơ sở Phật giáo, Chi hội Tin Lành Trường Xuân mời Mục sư Phan Trọng Bảo (quốc tịch Hoa Kỳ) về giảng đạo tại Chi hội ngày 10/9/2023; tiếp nhận các thông báo về thuyên chuyển, phong phẩm lần lượt 46 và 31 chức sắc; thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh; thông báo mở lớp trung cấp thần học tại Quảng Nam của Viện Thánh kinh Thần học và danh sách 08 thí sinh nhập Viện Thánh kinh Thần học khóa 2023-2027; danh sách người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc của Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo…

https://httlvn.org/wp-content/uploads/2023/09/05-1.jpg

Viện Thánh kinh Thần học tỉnh Quảng Nam khai giảng lớp trung cấp Thần học năm 2023

Các địa phương cấp huyện chấp thuận việc tổ chức đại hội Phật giáo cấp huyện; tiếp nhận danh mục thông báo hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm hoặc bổ sung hằng năm của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo trên địa bàn cấp huyện. Cấp xã thực hiện theo thẩm quyền, chấp thuận 07 đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung (theo Điều 16, Điều 17 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo); tiếp nhận danh mục thông báo hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm (hoặc) bổ sung hằng năm của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo trên địa bàn cấp xã.

Đối với việc thực thi pháp luật liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, các cơ sở tín ngưỡng đều được UBND các xã, phường, thị trấn thành lập ban quản lý và đi vào hoạt động ổn định, chịu trách nhiệm về công tác quản lý trước chính quyền và Nhân dân địa phương. Những cơ sở tín ngưỡng là di tích lịch sử - văn hóa, có hoạt động lễ hội lớn được xếp là di sản văn hóa được quản lý theo quy định pháp luật và bảo vệ di sản văn hóa, tổ chức và quản lý lễ hội.

Cũng theo Báo cáo, trong 02 năm, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 04 huyện, thị xã về tình hình thi hành pháp luật ở các địa phương gồm: Đông Giang, Nông Sơn, Đại Lộc, Núi Thành; công tác tại 07 đơn vị để hướng dẫn các quy định về pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo là Nam Giang, Điện Bàn, Thăng Bình, Hiệp Đức, Tiên Phước, Phú Ninh, Duy Xuyên. Kết quả kiểm tra cho thấy, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tại các địa phương được thực thi đúng pháp luật, giải quyết các nhu cầu chính đáng về hoạt động, sinh hoạt của tổ chức, cá nhân các tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn tại địa phương. Các tổ chức, cá nhân các tôn giáo thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, ở một số địa bàn cấp xã, thủ tục hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo chưa thực hiện đúng quy trình về nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa, Sở Nội vụ tỉnh đã hướng dẫn chính quyền sở tại thực hiện nghiêm túc hồ sơ, trình tự thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.

Lam Giang