Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam triển khai bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo cấp xã của tỉnh Hà Nam
Ngày đăng: 16/06/2023
Hiện nay, tỉnh Hà Nam có 74 tổ chức tôn giáo trực thuộc 03 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận gồm: 07 tổ chức tôn giáo trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (01 Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh, 06 Ban Trị sự Phật giáo cấp huyện); 66 tổ chức tôn giáo trực thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam (36 giáo xứ thuộc giáo hạt Phủ Lý; 30 giáo xứ thuộc giáo hạt Lý Nhân); 01 tổ chức tôn giáo trực thuộc Tổng Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) (Hội thánh Tin Lành Hoàn Dương, xã Mộc Bắc, Duy Tiên). Trên địa bàn tỉnh có 790 cơ sở tôn giáo (546 chùa Phật giáo, 231 nhà thờ Công giáo, 12 nhà nguyện, 01 nhà thờ Tin Lành); 171 chức sắc (101 chức sắc Phật giáo, 68 chức sắc Công giáo, 02 chức sắc Tin Lành); 608 nhà tu hành (376 nhà tu hành của Phật giáo, 232 nhà tu hành của Công giáo) với trên 290 nghìn tín đồ.

Đối với cơ sở tín ngưỡng, Hà Nam có trên 3.023 cơ sở tín ngưỡng với 657 đình, 450 đền, 366 miếu, 112 phủ, 1.438 từ đường dòng họ và 19 cơ sở tín ngưỡng khác. Trong đó, có 230 cơ sở tín ngưỡng được xếp hạng di tích (133 di tích cấp tỉnh, 95 di tích cấp quốc gia, 02 di tích quốc gia đặc biệt). Nhìn chung, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trong thời gian qua, diễn ra bình thường, ổn định, cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định của địa phương. Các tôn giáo thực hiện theo nội dung, chương trình đã thông báo, đăng ký. Hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động như: tổ chức đại hội nhiệm kỳ và bầu ra ban lãnh đạo mới; thuyên chuyển, bổ nhiệm chức sắc, chức việc và tổ chức các cuộc lễ tập trung đông người như: lễ Phục sinh của Công giáo và Tin Lành, lễ Phật đản, an cư kết hạ của Phật giáo… Đại đa số chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trên các địa bàn tỉnh Hà Nam chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, an ninh tôn giáo được đảm bảo. Các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự ổn định và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo và phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động, đồng thời, phát huy vai trò trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện việc treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nhân các sự kiện trọng đại. Nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng lại, sửa chữa, cải tạo các công trình nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ và Nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Để có được tình hình trên, trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hà Nam, các công chức làm công tác tôn giáo xã, huyện, tỉnh Hà Nam luôn hoàn thành tốt các nội dung, chương trình công tác đã đề ra như: làm tốt công tác hướng dẫn và giải quyết các đề nghị của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, một số tổ chức cá nhân tôn giáo ở địa phương vi phạm vẫn diễn ra, một số cơ sở tôn giáo tự ý mở rộng đất đai, khuôn viên cơ sở thờ tự, tiến hành xây dựng không xin phép cấp có thẩm quyền. Các hiện tượng tôn giáo mới mặc dù đã được kiểm soát, đẩy lùi, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong khi đó đội ngũ làm công tác tôn giáo ở một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở ở tỉnh Hà Nam còn mỏng về nhân sự, chưa giỏi về chuyên môn, chưa nhận thức đầy đủ về công tác tôn giáo dẫn tới việc ứng xử, giải quyết các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo còn chưa phù hợp.

Trước tình hình đó, đòi hỏi cán bộ, công chức cấp xã làm công tác tôn giáo phải có phẩm chất chính trị vững vàng nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo, cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng tôn giáo phải có trình độ chuyên môn, phương pháp quản lý, khả năng vận động, tuyên truyền chuyên sâu về các tôn giáo.

Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và hiệu quả xử lý các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, UBND tỉnh Hà Nam xây dựng Kế hoạch số 1306/KH-UBND ngày 20/5/2022 về triển khai thực hiện Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 11/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo giai đoạn 2022-2026” đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ về tín ngưỡng, tôn giáo từ nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng kỹ năng đến phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng và cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo các cấp của tỉnh Hà Nam.

Thực hiện Kế hoạch số 1306/KH-UBND của UBND tỉnh Hà Nam, Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam có Kế hoạch số 12/KH-SNV ngày 30/3/2023 về tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo cấp xã năm 2023. Nội dung của các lớp bồi dưỡng, tập huấn tập trung vào 06 chuyên đề: 1/Quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo với nội dung: khái quát về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; một số vấn đề cần quan tâm trong quá trình thực hiện quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; 2/Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; 3/Thủ tục hành chính về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo tập trung vào Quyết định số 1230/QĐ-UBND ngày 16/7/2018 của UBND tỉnh về ciệc công bố thủ tục hành chính lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo thuộc phạm vi, chức năng quản lý của ngành nội vụ tỉnh Hà Nam; 4/Trao đổi, học tập kinh nghiệm trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo thuộc thẩm quyền UBND cấp xã; 5/Một số nội dung của Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo tập trung vào Luật số 62-2020QH14 và Quyết định số 05/2022QĐ-UBND ngày 01/4/2022 của UBND tỉnh quy định phân cấp thực hiện cấp giấy phép xây dựng và trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam; 6/Trao đổi, học tập kinh nghiệm trong hướng dẫn hồ sơ xin cấp phép xây dựng các công trình tín ngưỡng, tôn giáo.

Ông Đỗ Hồng Hà, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam phát biểu chỉ đạo tại lớp tập huấn, bồi dưỡng

Thực hiện Kế hoạch này, Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam phối hợp Trường Chính trị tỉnh, UBND các huyện: Thanh Liêm, Kim Bảng, Lý Nhân tổ chức 03 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 660 học viên là đối tượng phó bí thư thường trực Đảng ủy, phó chủ tịch UBND xã, công chức văn hóa, địa chính, công an, quân sự cấp xã, trên địa các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Hà Nam, từ ngày 20/3 đến ngày 26/5/2023 cùng với sự tham dự của ông Đỗ Hồng Hà, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Chính Trị tỉnh; lãnh đạo, công chức Phòng Tôn giáo - Tín ngưỡng, Sở Nội vụ; đại diện Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã, Phòng Nội vụ, Phòng Kinh tế - Hạ tầng.

         

Ông Đinh Văn Tùng, Phó Trưởng phòng Tôn giáo - Tín ngưỡng, Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam báo cáo tại lớp tập huấn, bồi dưỡng

Trong thời gian diễn ra lớp tập huấn, bồi dưỡng, các học viên được các báo cáo viên trường Chính trị tỉnh, Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Phòng Tôn giáo - Tín ngưỡng, Sở Nội vụ tỉnh truyền tải một số chuyên đề: chuyên đề về quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo; một số nội dung liên quan đến cấp phép xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo; nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước và thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã và trao đổi kinh nghiệm, thảo luận những tình huống xử lý trong thực tiễn công tác tôn giáo tại địa phương.

Ông Lương Công Hải, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hà Nam báo cáo tại lớp tập huấn, bồi dưỡng

Trong quá trình bồi dưỡng tại các lớp học đã tiến hành phát phiếu điều tra khảo sát cho các học viên, kết quả khảo sát được các học viên đánh giá cao: thời gian tập huấn vừa đủ, chương trình phù hợp, cơ sở vật chất tốt, tài liệu giảng dạy dễ hiểu, đặc biệt là giảng viên truyền đạt các chuyên đề ngắn gọn, xúc tích dễ hiểu, phù hợp với tình hình địa phương. Bên cạnh đó, một số học viên có ý kiến đề xuất liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo như: vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tín ngưỡng còn tồn đọng; hướng dẫn cụ thể hơn về hồ sơ cấp phép xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa ứng xử giữa người quản lý - chức sắc, chức việc… Kết quả khảo sát là một kênh giúp cho Ban Tổ chức lớp học sẽ xây dựng Kế hoạch bồi dưỡng phù hợp hơn theo nhu cầu nguyện vọng của cán bộ công chức cấp xã.

Các học viên tham gia thảo luận

Lớp tập huấn, bồi dưỡng đã đem lại kết quả tốt đẹp, nhằm giúp các học viên là phó bí thư thường trực Đảng ủy, phó chủ tịch UBND xã, công chức văn hóa, địa chính, công an, quân sự cấp xã quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, chính sách, nghị quyết mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Trang bị kiến thức cơ bản và cập nhật các nội dung mới, nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị và khả năng tham mưu, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Đinh Văn Tùng

Phòng Tôn giáo - Tín ngưỡng