Những kết quả tích cực trong Công tác Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tỉnh Quảng Bình
Ngày đăng: 30/07/2021
Các hoạt động tôn giáo được tạo điều kiện tổ chức
Thực hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về công tác tôn giáo; dưới sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh, Sở Nội vụ; với phương châm bám sát cơ sở, kịp thời phối hợp giải quyết dứt điểm những vấn đề liên quan đến tôn phát sinh tại địa bàn; trong những năm qua, Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các cấp, các ngành của tỉnh, các địa phương có đồng bào theo đạo tích cực tham mưu quản lý tốt các hoạt động tôn giáo trên địa bàn; góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở địa phương.

Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Tôn giáo tỉnh đã chú trọng công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt, thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng về công tác tôn giáo; tuyên truyền, phổ biến Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản hướng dẫn đến các đối tượng có liên quan, đem lại sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đặc biệt là chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành; Ban Tôn giáo đã tham mưu, phối hợp tổ chức được trên 30 cuộc tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản có liên quan cho đối tượng là cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; đội ngũ cán bộ làm công tác các cấp; chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo với hơn 1.786 lượt người tham dự; tổ chức khoảng 15 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác tôn giáo hàng năm cho cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp, góp phần đưa các quy định của Luật đi vào cuộc sống.

Các hoạt động tôn giáo được tạo điều kiện tổ chức

Một nét nổi bật của công tác Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời gian qua đó là tăng cường công tác đối ngoại tôn giáo, hướng về cơ sở; tích cực tham mưu, đề xuất, hướng dẫn cho cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp xem xét, giải quyết các nhu cầu chính đáng của các tổ chức, chức sắc tôn giáo, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động bình thường theo đúng chính sách và pháp luật của Nhà nước; đồng thời đấu tranh với các hành vi lợi dụng tôn giáo để hoạt động trái pháp luật.

Hàng năm, Ban Tôn giáo đã tổ chức trên 100 cuộc làm việc tại địa bàn vùng đồng bào có đạo, thăm gặp, đối thoại với các tổ chức, chức sắc các tôn giáo để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, tín đồ các tôn giáo; kịp thời tham mưu giải quyết những vấn đề tôn giáo phát sinh nhằm đảm bảo nhu cầu của đồng bào có đạo, đảm bảo các hoạt động tôn giáo đúng pháp luật;tham mưu được nhiều cuộc làm việc, thăm gặp, chúc mừng giữa UBND tỉnh với Tòa Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn; qua đó tạo mối quan hệ gắn bó, cởi mở, hợp tác; tạo được sự đồng thuận trong các chức sắc khi giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo.

Quan tâm, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo thực hiện việc thuyên chuyển, bổ nhiệm chức sắc, nhà tu hành theo đúng kế hoạch của tổ chức giáo hội; trong năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 32 trường hợp chức sắc, nhà tu hành thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo; có 18 vị được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử theo quy định; nhiều lễ hội quan trọng của các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và tín đồ trên địa bàn tỉnh.Từ năm 2018 đến nay, đã có 08 tổ chức tôn giáo được cấp đất mới, cấp đất bổ sung với diện tích 19.284,5m2; cấp phép xây dựng cho 09 công trình tôn giáo và công trình phụ trợ của các tôn giáo, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, tín đồ.

Bên cạnh đó, Ban Tôn giáo đã phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu  thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất của nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các chủ trương do Trung ương và của tỉnh phát động.

Ban Tôn giáo tỉnh phối  hợp với các tổ chức tôn giáo hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ tại huyện Lệ Thủy

Có thể nói, công tác Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện tốt đã huy động được sự vào cuộc của các tổ chức tôn giáo, phát huy được vai trò, trách nhiệm của các tôn giáo trong việc thi đua phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương; tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương; các tổ chức tôn giáo tích cực thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19; đóng góp ủng hộ “Quỹ vaccine phòng COVID-19” của Chính phủ (đến nay, đã có trên 10 tổ chức tôn giáo ủng hộ, số tiền trên 150 triệu đồng); thực hiện tốt cuộc vận động treo cờ Tổ quốc trong các cơ sở tôn giáo do UBND tỉnh, Ban Tôn giáo Chính phủ phát động; tỉ lệ treo cờ tại các cơ sở tôn giáo và các khu dân cư vùng đồng bào có đạo đạt kết quả cao. Đồng bào các tôn giáo cũng tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền ngày càng vững mạnh; trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, trên địa bàn tỉnh có 248 đại biểu là chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp; trong đó có 134 vị trúng cử.

Tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nhìn chung ổn định; các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường; an ninh chính trị trong những thời điểm nhạy cảm được giữ vững; xu hướng đối thoại hợp tác giữa các tôn giáo với chính quyền ngày càng được củng cố, tăng cường.

Để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được của công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trong thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thiết nghĩ, các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần thực sự quan tâm, lãnh đạo việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với các tôn giáo một cách đồng bộ, có tính thống nhất cao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng giáo; tạo được hiệu quả và chiều sâu trong công tác đối ngoại tôn giáo. Trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cần bám sát cơ sở, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, tạo được hiệu lực, hiệu quả công tác Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở địa phương.

Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý nhà nước của chính quyền và không ngừng phát huy vai trò vận động của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng trong việc động viên đồng bào có đạo tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp...

 

Hoàng Huế