Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại các lễ hội, điểm du lịch
Ngày đăng: 10/02/2023
Công tác bảo vệ môi trường tại các lễ hội, địa điểm du lịch dịp sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các ngành, các cấp chú trọng thực hiện.

Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, hướng dẫn và chỉ đạo kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các lễ hội, địa điểm du lịch.

Nhiều chuyển biến tích cực

Đông đảo du khách đến với lễ hội tại Khu di tích chùa Hương. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Tại mùa lễ hội năm nay, hầu hết các đền, chùa, phủ trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến trong việc nâng cao văn minh nơi thờ tự, không gian sạch đẹp, gọn gàng, người dân đi lễ văn minh hơn, những người quản lý di tích luôn túc trực để hướng dẫn người dân hành lễ đúng quy định.

Đền Bạch Mã (quận Hoàn Kiếm), một trong Tứ trấn Thăng Long dịp này tăng cường 3 ca trực mỗi ngày để phục vụ người dân đến lễ, từ hướng dẫn người dân hành lễ, thu gom đồ lễ, vệ sinh di tích. Người dân đến lễ chỉ được thắp một nén nhang vào cây hương ngoài sân.

Tại chùa Tảo Sách (quận Tây Hồ), với diện tích rộng rãi, khuôn viên chùa được trang trí, sắp đặt đẹp mắt. Khu nội tự được bố trí gọn gàng, tiền công đức được đặt đúng chỗ. Những lúc đông khách, nhà chùa bố trí người thu gọn đồ lễ, tiền giọt dầu để đảm bảo không bị bừa bộn. Được hướng dẫn các quy định khi đến lễ chùa, người dân thực hiện trang nghiêm, không mang đồ mặn, không đốt vàng mã, trang phục lịch sự.

Có thể thấy, việc tổ chức lễ hội mang tính giáo dục truyền thống tốt đẹp và đảm bảo an toàn. Các hoạt động lễ hội phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, tạo được ấn tượng tốt cho người dân và du khách, đồng thời bảo vệ được môi trường, cảnh quan.

Tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, đền Mẫu Đồng Đăng là điểm thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan mỗi dịp đầu năm mới sau Tết Nguyên đán. Anh Nguyễn Quốc Khánh, du khách đến từ Hà Nội cho biết rất ấn tượng với sự đông đảo người dân khi đến chiêm bái đền Mẫu Đồng Đăng, đồng thời việc giữ gìn vệ sinh môi trường luôn được Ban Quản lý di tích đền Mẫu Đồng Đăng phát loa phóng thanh nhắc nhở bằng cả tiếng Việt và tiếng Trung Quốc liên tục. Mỗi người dân khi đến thăm đền đều được nhắc nhở vứt rác đúng nơi quy định, mỗi người chỉ thắp một nén nhang, duy trì nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường khi đến thăm quan đền. Ban Quản lý bố trí 6 người gồm cả bảo vệ thường trực ở đền quét dọn hai lần trong ngày, đảm bảo an ninh khu vực đền.

Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội lớn và kéo dài nhất của nước ta, diễn ra trong 3 tháng, bắt đầu từ ngày 23/1 đến hết ngày 23/4(tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 4/3 năm Quý Mão 2023). Nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường Ban Tổ chức Lễ hội đã cấm quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã. Các chủ hộ trực tiếp kinh doanh hàng ăn uống phải được tập huấn và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định, phải có tủ bảo quản thực phẩm đặt ở vị trí phù hợp, không treo móc thịt các loại trong tủ và ngoài cửa hàng gây phản cảm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Ban Tổ chức Lễ hội sẽ xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xe mô tô bám đuổi, chèo kéo khách; xuồng, đò chở quá số người quy định; không có giấy phép hoạt động; không có giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đường thủy nội địa... Chủ phương tiện xuồng, đò ký cam kết thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường, tuyệt đối không ép khách, ép giá, vòi vĩnh đòi thêm tiền của du khách.

Lễ hội chọi trâu truyền thống xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc năm nay thu hút trên 20.000 du khách thập phương về dự. Nhằm tổ chức Lễ hội chọi trâu Hải Lựu hiệu quả, UBND huyện Sông Lô phối hợp cùng các cơ quan chức năng đảm bảo an ninh, trật tự; an toàn xã hội; phòng, chống cháy nổ; an toàn giao thông; an toàn sới chọi; vệ sinh môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Đúng ngày Rằm tháng Giêng năm Quý Mão 2023, Lễ rước Cộ Bà tại Chùa Bà Thiên Hậu, tỉnh Bình Dương đã thu hút hàng vạn du khách thập phương. Năm nay công tác chuẩn bị tại Lễ hội chùa Bà tỉnh Bình Dương rất tốt, nước uống đến đồ ăn đều được miễn phí cho người dân. Việc sắp xếp, bố trí lối ra lối vào hợp lý, trật tự, ngăn nắp, du khách rất an tâm. Ban Tổ chức lễ hội khuyến cáo không cho người dân thắp nhang nhiều trong điểm cầu nguyện nhằm đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy.

Dịp Tết Nguyên đán, thành phố Vũng Tàu là một trong những địa phương thu hút đông đảo khách tham quan du lịch, tại các điểm du lịch của thành phố này dù luôn rất đông người nhưng vẫn sạch tinh tươm, không có rác. Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường và Công trình đô thị thành phố Vũng Tàu (VESCO) đã huy động hơn 500 công nhân và hàng chục người tăng cường dọn rác tại các địa điểm tập trung đông người. Riêng tại khu vực bãi biển, Công ty bố trí 60 công nhân túc trực thường xuyên để thu gom rác thải các loại.

Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu Hoàng Vũ Thảnh cho biết, thời gian qua, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đảm bảo Vũng Tàu thực sự sạch đẹp, an toàn trong con mắt của người dân và du khách khi đến với địa phương du lịch, nghỉ dưỡng. Gần đây, thành phố Vũng Tàu áp dụng biện pháp nghiêm cấm ăn uống trên bãi biển. Một số khu vực được phép tổ chức bán nước giải khát, nhưng thành phố đã tổ chức lực lượng trực thường xuyên để thu gom, nhắc nhở du khách để rác đúng nơi quy định.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ mỗi người dân

Đoàn viên thanh niên tỉnh Phú Yên tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường tại danh thắng quốc gia Hòn Yến. Ảnh tư liệu: Tư liệu/TTXVN

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, tại một số di tích, lễ hội vẫn còn tồn tại không ít bất cập cần phải xử lý triệt để. Vì vậy, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, lễ hội.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm vệ sinh môi trường trong dịp Tết tại văn bản số 179/BTNMT-KSONMT ngày 17/1/2023 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác kiểm soát, giám sát chặt chẽ các nguồn thải và bảo đảm vệ sinh môi trường trong dịp Tết Quý Mão năm 2023.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện tốt các phương án thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực công cộng, khu vực chợ, khu dân cư tập trung, khu du lịch văn hóa, khu vui chơi giải trí và các chất thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh khối lượng chất thải lớn; tăng cường tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phân loại, thu gom chất thải theo quy định; tăng cường công tác vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh, tránh nguy cơ dịch lây nhiễm ra cộng đồng để đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe của nhân dân.

Các địa phương tăng cường tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tập trung vào những quy định chi tiết, cụ thể về bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Theo đó, tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao, đơn vị tổ chức lễ hội phải có trách nhiệm bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý; có nhân sự, tổ hoặc đội bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát. Các tổ chức, cá nhân phải xây dựng, lắp đặt công trình vệ sinh công cộng, công trình xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương tiện, thiết bị thu gom, quản lý, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; ban hành, niêm yết công khai và tổ chức thực hiện quy định, quy chế về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường nơi công cộng thuộc phạm vi quản lý; phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cá nhân đến khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm diễn ra lễ hội... phải có nghĩa vụ tuân thủ quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; thải bỏ chất thải đúng nơi quy định; hạn chế phát sinh chất thải nhựa; giữ gìn vệ sinh công cộng; không xâm hại cảnh quan môi trường và các loài sinh vật. Luật cũng chỉ rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tổ chức thực hiện quy định về bảo vệ môi trường đối với cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch; phát triển cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch thân thiện môi trường; tổ chức thực hiện quy định về khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Việc hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm góp phần phát triển du lịch bền vững, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước. Sự hưởng ứng tích cực của các ngành, các cấp, địa phương, các bên liên quan và cộng đồng và nhận thức về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch, di tích, lễ hội có bước chuyển biến tốt; nguồn nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất trang thiết bị bảo vệ môi trường được tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, ô nhiễm môi trường tự nhiên được giảm thiểu, môi trường xã hội nhân văn được cải thiện.

 

Nguồn TTXVN