Nâng cao kiến thức pháp luật cho chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày đăng: 15/11/2022Ngày 14/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo và người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022.
Tại Hội nghị, 350 đại biểu gồm các chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo và người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số đã được phổ biến kiến thức về hai chuyên đề gồm: Chuyên đề 1: Quan điểm của Đảng và chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Chuyên đề 2 - Luật Bảo vệ môi trường (Luật số 72/2020/QH14 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022).
Trên cơ sở các nội dung được tiếp cận tại Hội nghị, các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo và người có uy tín sẽ tuyên truyền, vận động bà con có đạo cảnh giác, chọn lọc thông tin, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội; thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ra sức học tập, thi đua lao động sản xuất… góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có gần 1,2 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 35%, dân tộc Khmer nhiều nhất với gần 31%. Đa số đồng bào Khmer theo Phật giáo Nam tông, số lượng chùa Nam tông chiếm 92/130 cơ sở thờ tự. Tỉnh có 9 tôn giáo hoạt động được pháp luật công nhận với trên 600.000 tín đồ, trên 2.500 chức sắc, chức việc. Xuất phát từ thực tế có đông đồng bào dân tộc thiểu số và đa tôn giáo, Tỉnh ủy Sóc Trăng xác định công tác dân tộc, tôn giáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nhật Bình - TTXVN
Theo ông Dương Sà Kha, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo và người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phối hợp, tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Luật tín ngưỡng, tôn giáo; đóng góp thiết thực trong việc phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo. Những hành động cao đẹp, ý nghĩa đã góp phần lan tỏa những giá trị, nghĩa cử, thông điệp nhân văn, nhân ái; tiếp tục khẳng định tinh thần đại đoàn kết; góp phần cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu về kinh tế, xã hội của tỉnh, chăm lo, trợ giúp tốt hơn cho các hoàn cảnh khó khăn.
Ông Dương Sà Kha khẳng định, Đảng ta luôn khẳng định chính sách dân tộc, công tác dân tộc, tôn giáo là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, phát huy truyền thống và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một đảm bảo quan trọng cho thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Đảng, Nhà nước ta thường xuyên thực hiện có hiệu quả chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo; luôn quan tâm đến các hoạt động tôn giáo và ban hành những chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và Hiến pháp, pháp luật như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.
Nguồn: TTXVN