Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thông qua tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật
Ngày đăng: 05/12/2024
Tỉnh Bắc Ninh hiện nay có 02 tôn giáo được hoạt động chính thức theo quy định của pháp luật là Phật giáo với 617 cơ sở thờ tự, 415 chức sắc, nhà tu hành, khoảng 379.360 tín đồ sinh hoạt; Công giáo có khoảng 17.867 giáo dân đang sinh hoạt tại 06 giáo xứ, 32 giáo họ và 02 cơ sở dòng) với 01 Giám mục và 37 linh mục.

Năm 2024, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cơ bản ổn định về mọi mặt, các cấp các ngành đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các văn bản, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào tôn giáo được nâng lên, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy định của giáo luật và quy định của pháp luật, góp phần củng cố lòng tin của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

Ông Chu Quang Hảo, Quyền Trưởng ban Ban Tôn giáo Bắc Ninh phổ biến chuyên đề tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2024

Được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, cấp ủy, chính quyền các cấp, trong năm 2024, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đã kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước, các văn bản pháp luật mới liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo để mọi người hiểu rõ, thực hiện đúng pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta góp phần nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương. Thực hiện văn bản số 3845/UBND-NC ngày 31/10/2023 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo năm 2024, trên cơ sở Kế hoạch được phê duyệt, Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân, Phòng Nội vụ các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức 15 hội nghị tuyên truyền với 2.848 đại biểu tham dự. Trong đó có 14 hội nghị tuyên truyền, phổ biến cho 2.523 đại biểu là cấp ủy, chính quyền; ban chấp hành các ban, ngành, đoàn thể của các thôn, khu phố; ban quản lý các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và tín đồ các tôn giáo tại 14 xã, phường, thị trấn của 6/8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; 01 hội nghị phổ biến tuyên truyền cho 325 tăng, ni đang an cư tại trường hạ chùa Đại Thành, thành phố Bắc Ninh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Nội dung, hình thức tại các hội nghị tuyên truyền, phổ biến đã được đổi mới, tập trung triển khai các nội dung tuyên truyền trọng tâm như: những chủ trương, chính sách của Đảng về công tác tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định 95/2023/NĐ-CP ngày 29/12/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; các văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Di sản văn hóa, Thông tư 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính; công tác nhận diện, phòng, chống, ngăn chặn các hoạt động truyền đạo trái pháp luật của đạo lạ, hiện tượng tôn giáo mới và những vấn đề cần quan tâm, liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong tình hình hiện nay trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị triển khai, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo năm 2024 tại trường hạ, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh

Thông qua các hội nghị tuyên truyền nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ thuộc cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội ở các thôn, khu phố nâng cao kiến thức, hiểu biết, hiệu lực, hiệu quả về vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; kịp thời tham mưu các cấp có thẩm quyền giải quyết những tình huống, vụ việc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo tại các địa bàn, khu dân cư hiệu quả, đúng pháp luật góp phần làm tốt công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương. Bên cạnh đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất với chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo tin tưởng, yên tâm, phấn khởi, tích cực chăm lo “việc đạo”, “việc đời”, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh và phát triển.

Hội nghị tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo năm 2024 tại cơ sở

Trên cơ sở những kết quả đạt được, nắm bắt tình hình, xu thế phát triển chung của đời sống xã hội, nhu cầu về sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ngày càng tăng; số lượng chức sắc, chức việc, nhà tu hành và các tín đồ tôn giáo cũng tăng đáng kể; hoạt động của các hiện tượng tôn giáo mới, “đạo lạ”, “tà đạo” như: Pháp luân công, Đức Chúa Trời Mẹ, Ngọc Phật Hồ Chí Minh… vẫn diễn ra tại một số địa phương; hoạt động tôn giáo của một số chức sắc, chức việc, nhà tu hành chưa đúng với quy định của pháp luật. Do vậy, cần đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh nói chung, công tác tuyên truyền nói riêng cần tiếp tục đổi mới về nội dung, phương pháp, hình thức phổ biến của báo cáo viên để phù hợp với từng đối tượng; các hình thức tuyên truyền đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, sát với tình hình thực tiễn, thông qua lồng ghép gắn tuyên truyền, phổ biến với việc trao đổi, giải thích pháp luật, giải quyết tình huống, vụ việc liên quan đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo tại các địa bàn, khu dân cư; tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động, phát huy tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đưa công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà  nước tới chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo có chiều sâu, hiệu quả; kịp thời giải quyết các nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng, đúng pháp luật, góp phần làm tốt công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương.

Nguyễn Tiến Lăng