Một số cụm từ được giải thích trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và việc áp dụng trong thực tiễn hiện nay
Ngày đăng: 20/12/2024Ngày 01/01/2018, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Luật) và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Nghị định số 162/2017/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành. Ngày 29/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, có hiệu lực ngày 30/3/2024. Quá trình thực hiện các văn bản thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, vừa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các tổ chức, cá nhân có liên quan, vừa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Luật và các nghị định đã có nhiều nội dung mới như mở rộng nhiều quyền cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; nhiều quy định mới lần đầu tiên được ghi nhận với nhiều chủ thể được thực hiện; nhiều hoạt động trước đây theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phải đề nghị, chấp thuận hay đăng ký thì hiện nay chỉ còn là đăng ký hoặc thông báo; nhiều hoạt động trước đây thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì nay đã quy định thẩm quyền thuộc Bộ Nội vụ; nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thay vì hằng năm phải đăng ký, thông báo thì hiện nay chỉ cần đăng ký hay thông báo một lần, các hoạt động chưa có trong văn bản đăng ký, thông báo thì đăng ký, thông báo bổ sung;... và đặc biệt, nhiều cụm từ trước đây được sử dụng trong pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo như: hội đoàn, dòng tu, tổ chức tôn giáo cơ sở thì giờ đây không còn xuất hiện trong pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo mà được ứng xử, bao trùm bằng cụm từ khác mang tính khái quát hơn. Bên cạnh đó, nhiều cụm từ được đồng thời xuất hiện, chi phối và ảnh hưởng đến nhiều điều Luật nhằm giải quyết nhiều vấn đề dẫn đến nhiều người không cắt nghĩa, không hiểu được nội hàm, ý nghĩa và bản chất, vai trò đích thực của các cụm từ, để rồi từ đó cho rằng các cụm từ này đang là nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế cũng như làm cản trở quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc các cách giải thích này đang mâu thuẫn với nhau. Bài viết này không bàn hết 16 cụm từ được giải thích trong Điều 2 của Luật mà chỉ tập trung ở một số cụm từ thời gian qua tại một số địa phương đang có nhiều cách hiểu, áp dụng không giống nhau.
1. Cách giải thích về chức sắc, chức việc
Khoản 8 Điều 2 của Luật giải thích “Chức sắc là tín đồ được tổ chức tôn giáo phong phẩm hoặc suy cử để giữ phẩm vị trong tổ chức” và khoản 9 Điều 2 của Luật giải thích “Chức việc là người được tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo bổ nhiệm, bầu cử hoặc suy cử để giữ chức vụ trong tổ chức”.
Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 (Pháp lệnh) đã đưa ra cách giải thích về chức sắc đó là: “Chức sắc là tín đồ có chức vụ, phẩm sắc trong tôn giáo”. Từ cách giải thích này của Pháp lệnh cho thấy chưa có sự phân biệt rõ ràng thế nào là chức sắc, thế nào là chức việc, trong chức sắc bao hàm cả chức việc, vì vậy, cả hai nội dung này được đưa vào điều chỉnh trong cùng một điều luật liên quan đến phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử trong Pháp lệnh.
Quá trình xây dựng Luật, hai nội dung này đã được các chuyên gia; nhà khoa học; nhà quản lý về tín ngưỡng, tôn giáo; các bộ, ngành cân nhắc thận trọng để phân biệt, làm rõ nội hàm tại Điều 2 của Luật và quy định tại hai điều của Luật đó là Điều 33 quy định về thông báo người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc và Điều 34 quy định về đăng ký người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc.
Quy định này cũng rất rõ ràng, cụ thể và chỉ rõ chủ thể được quyền phong phẩm, suy cử cho chức sắc là tổ chức tôn giáo (trung ương giáo hội của các tổ chức tôn giáo) còn chủ thể có quyền đề nghị bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc là tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Các quy định này của Luật cũng chỉ rõ các trường hợp đó là:
(1) Một người có thể vừa là chức sắc cũng đồng thời là chức việc (vừa có phẩm vị, vừa giữ các vị trí chức vụ trong tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo);
(2) Một người chỉ là chức sắc mà không là chức việc (chỉ có phẩm vị, không giữ chức vụ);
(3) Một người chỉ là chức việc nhưng không là chức sắc (chỉ có chức vụ, chưa có hoặc không bao giờ có phẩm vị), có thể là tín đồ hoặc không phải là tín đồ của tổ chức tôn giáo.
Trong thực tế, nhiều tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, hiện nay, vừa có cả chức sắc, vừa có cả chức việc như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam, các hội thánh Tin Lành, các hội thánh Cao Đài,… nhưng cũng có tổ chức tôn giáo chỉ có chức việc, không có chức sắc như: Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Cộng đồng Tôn giáo Baha’i, Phật hội Hiếu Nghĩa Tà Lơn. Theo quy định, một người muốn trở thành chức sắc hay chức việc của tổ chức tôn giáo trước hết phải đáp ứng các điều kiện của chính tổ chức tôn giáo và mỗi tổ chức tôn giáo đều có quy định, yêu cầu riêng của tổ chức mình đối với người dự kiến làm chức sắc, chức việc. Bên cạnh đó, người dự kiến làm chức sắc, chức việc của tổ chức tôn giáo còn phải đáp ứng các điều kiện của pháp luật hiện hành đó là người được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự1. Bên cạnh đó, pháp luật cũng có điều kiện ràng buộc khác đó là các tổ chức khi phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử phải thực hiện theo hiến chương của tổ chức tôn giáo. Trường hợp người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu tổ chức tôn giáo (trung ương giáo hội của các tổ chức tôn giáo) hủy kết quả phong phẩm hoặc suy cử chức sắc.
Từ các cách giải thích của Luật cho thấy, việc phong phẩm, suy cử chức sắc hay bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc đều là công việc nội bộ của các tổ chức và do chính các tổ chức quy định trong hiến chương hoặc các văn bản của tổ chức và thực hiện theo các văn bản này. Hay nói cách khác, quy định điều kiện để một người trở thành chức sắc, chức việc là do chính tổ chức tôn giáo đặt ra, là cách lựa chọn của chính tổ chức tôn giáo, Nhà nước chỉ đặt ra các điều kiện liên quan đến năng lực hành vi dân sự của một người cũng như bước đầu giúp cho các tổ chức có được những ứng viên không chỉ có đạo hạnh, năng lực mà còn trong sạch về mặt nhân thân để giúp cho tổ chức ngày càng có uy tín, có vị trí, vai trò đối với tín đồ và xã hội.
Tuy nhiên, quá trình áp dụng, thực hiện các quy định này tại các tỉnh, thành phố đã gặp phải một số khó khăn, cụ thể:
(1) Một số địa phương cho rằng việc giải thích này khó khăn trong thực hiện vì cách giải thích này đồng nhất chức sắc với tín đồ hoặc “người” sau khi được tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo bổ nhiệm, bầu cử hoặc suy cử để giữ chức vụ trong tổ chức tôn giáo. Quy định này tạo ra phản ứng trái chiều từ chức sắc các tổ chức tôn giáo, nhất là những tổ chức tôn giáo có sự phân biệt rõ ràng giữa người xuất gia tu hành được tổ chức tôn giáo phong sắc, phong phẩm với tín đồ; họ cho rằng Nhà nước cần hiểu đặc điểm của tôn giáo và phân biệt rõ ràng giữa hàng ngũ giáo phẩm có chức vụ với tín đồ có chức vụ trong tổ chức giáo hội các tổ chức tôn giáo.
(2) Một số tổ chức tôn giáo cho rằng chức việc chỉ là những người giúp việc trong tổ chức, vì vậy, khi đề nghị tổ chức tôn giáo đăng ký chức việc cho chức sắc thì phải giải thích chức việc là những người giữ chức vụ mới thực hiện.
(3) Một số địa phương cho rằng nếu hiểu theo cách giải thích chức việc tại Điều 2 của Luật thì nhiều tổ chức tôn giáo có số lượng chức việc rất lớn (như một số hội thánh Cao Đài, hội thánh Tin Lành,…). Hiện nay, nhiều địa phương chưa xác định được chức việc của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo gồm những vị trí nào.
(4) Một số địa phương băn khoăn những người giữ vị trí chức sắc có đồng thời là chức việc hay không và ngược lại? có trường hợp nào chỉ giữ vị trí là chức sắc hoặc chỉ giữ vị trí là chức việc không?
(5) Một số địa phương do nhận diện về chức sắc, chức việc không đúng nên thống kê số lượng chức sắc, chức việc chưa đảm bảo.
2. Quy định tại Điều 34 của Luật về đăng ký người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc
Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản hướng dẫn cho Pháp lệnh chỉ quy định phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc (trong chức sắc có cả chức việc). Việc thực hiện các quy định này là các điều khoản tự động, tức là trong thời hạn 20 ngày hoặc 10 ngày tùy theo các trường hợp kể từ ngày gửi bản đăng ký hợp lệ, nếu các cơ quan (Bộ Nội vụ hoặc UBND cấp tỉnh) không có ý kiến khác thì người được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử được hoạt động tôn giáo theo chức danh đã được đăng ký.
Quá trình xây dựng Luật, nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, đặc biệt, đa số các đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải tách bạch, phân định rõ ràng thế nào là chức sắc, chức việc; trách nhiệm, vai trò của chức sắc, chức việc trong tổ chức tôn giáo cũng như trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân có liên quan, với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Từ việc tách bạch này cần cân nhắc nội dung nào cần thông báo, nội dung nào cần đăng ký để nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động tôn giáo.
Với yêu cầu như vậy, Luật đã tách bạch, phân định rõ chức sắc, chức việc tại Điều 2. Trên cơ sở phân định rõ chức sắc, chức việc, Luật quy định chức sắc (Điều 33 của Luật) khác với việc trở thành một chức việc (Điều 34 của Luật).
Quy định này của Luật về cơ bản phù hợp với đa số các tổ chức tôn giáo và được các tổ chức tôn giáo đón nhận, thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, khi thực hiện quy định này, một số địa phương cho rằng:
(1) Một số tổ chức tôn giáo thuộc các hệ phái Tin Lành, Cộng đồng Tôn giáo Baha’i… do các tổ chức tôn giáo này có hiến chương, quy chế bầu cử truyền thống dựa trên nguyên tắc dân chủ, lấy phiếu giới thiệu tín nhiệm công khai, trực tiếp tại đại hội và thường không dự kiến trước nhân sự để bầu cử, suy cử. Điều này gây khó khăn trong thực hiện cho các tổ chức.
(2) Đăng ký nhân sự khó thực hiện đối với hội đồng giáo xứ, hội đoàn Công giáo, ban quản nhiệm chi hội Tin Lành, ban cai quản họ đạo Cao Đài,... vì số lượng đông, nhiệm kỳ ngắn sẽ tốn kém thời gian, tiền bạc.
3. Tổ chức tôn giáo trực thuộc và cơ sở tôn giáo
Khoản 13 Điều 2 của Luật đã giải thích “tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo”.
Cách giải thích này rộng, bao trùm tất cả các tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo. Trước đây Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo không có giải thích về tổ chức tôn giáo trực thuộc mà chỉ giải thích về tổ chức tôn giáo cơ sở “là đơn vị cơ sở của tổ chức tôn giáo bao gồm ban hộ tự hoặc ban quản trị chùa của đạo Phật, giáo xứ của đạo Công giáo, chi hội của đạo Tin Lành, họ đạo của đạo Cao Đài, ban trị sự xã, phường, thị trấn của Phật giáo Hòa Hảo và đơn vị cơ sở của tổ chức tôn giáo khác”.
Việc giải thích này của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo đã không bao quát và quét hết các tổ chức cấp dưới của trung ương giáo hội các tổ chức tôn giáo (Pháp lệnh chỉ giải thích tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo cơ sở - cấp cao nhất và thấp nhất của một tổ chức). Điều này dẫn đến khó khăn trong thực tiễn khi có các tổ chức trực thuộc cấp dưới của tổ chức tôn giáo nhưng lại không được giải thích cũng như không có quy định của pháp luật để điều chỉnh.
Khắc phục tình trạng này, trong Luật đã giải thích về tổ chức tôn giáo trực thuộc, bao gồm nhiều tổ chức cấp dưới của trung ương giáo hội các tổ chức tôn giáo, mặt khác, cũng ứng xử đối với hội đoàn, dòng tu như các tổ chức tôn giáo trực thuộc mà ưu điểm của cách ứng xử này đó là hội đoàn, dòng tu không chỉ được thành lập mà còn được chia, tách, sáp nhập, hợp nhất như các tổ chức tôn giáo trực thuộc khác nếu đáp ứng điều kiện theo quy định thay vì chỉ được đăng ký thành lập như trước đây theo quy định của Pháp lệnh.
Khoản 14 của Luật cũng giải thích cơ sở tôn giáo “gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo”. Với cách giải thích này được hiểu cơ sở tôn giáo là cơ sở vật chất, là điều kiện, địa điểm để các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc thực hiện các hoạt động tôn giáo của tổ chức.
Mặc dù, Luật đã giải thích rất cụ thể về tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở tôn giáo, nhưng tại một số tỉnh, thành phố khi áp dụng việc thành lập, chia, tách, sáp nhập tổ chức tôn giáo trực thuộc, xây dựng cơ sở tôn giáo còn gặp một số khó khăn, vướng mắc và cho rằng:
(1) Cách giải thích tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở tôn giáo còn chung chung, chưa thống nhất nên khó xác định giữa tổ chức tôn giáo trực thuộc với các cơ sở tôn giáo hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo. Từ cách nhận diện và hiểu chưa đúng các quy định của Luật dẫn đến vận dụng và thực hiện chưa đúng quy định thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc với xây dựng cơ sở tôn giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (xây dựng chùa). Tại nhiều tỉnh, thành phố đã áp dụng việc xây dựng chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam như thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc.
(2) Nếu xem chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam không phải là tổ chức tôn giáo trực thuộc sẽ dẫn đến khó khăn trong việc xin khắc và quản lý con dấu; sửa chữa; xây dựng chùa;...
Từ cách nhận diện không đúng và xem “chùa” thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức tôn giáo trực thuộc dẫn đến tại một số địa phương cũng như một số chức sắc, chức việc đã thực hiện các quy định của pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo không đúng quy định như trụ trì chùa thông báo danh mục hoạt động tôn giáo, thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung, thông báo mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo cho người không chuyên hoạt động tôn giáo, đề nghị tổ chức cuộc lễ ngoài cơ sở tôn giáo,...
4. Địa điểm hợp pháp và giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp
Khoản 15 Điều 2 của Luật giải thích “địa điểm hợp pháp là đất, nhà ở, công trình mà tổ chức hoặc cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật”.
Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP ngày 29/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo giải thích giấy tờ chứng minh địa điểm hợp pháp “là văn bản, tài liệu về quyền sử dụng hợp pháp đối với đất đai, nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, nhà ở và dân sự”.
Tại các điều khoản của Luật và các nghị định quy định chi tiết cho Luật, hiện nay là Nghị định số 95/2023/NĐ-CP, liên quan đến các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung (của công dân Việt Nam, của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam); các tổ chức (tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, cơ sở đào tạo tôn giáo) nếu trong điều kiện của pháp luật cần có “địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo”, “địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở” thì trong hồ sơ sẽ có “giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp” để làm nơi sinh hoạt tôn giáo hoặc để làm trụ sở.
Đây là vấn đề mà thời gian qua các địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong cách hiểu và áp dụng nội dung liên quan đến các cụm từ này. Mỗi địa phương khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến các điều khoản nêu trên đã hiểu, áp dụng, yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân không thống nhất, thậm chí chưa đúng, dẫn đến có sự so sánh giữa địa phương này với địa phương khác, giữa đối tượng này với đối tượng khác. Để giải quyết thực trạng này, hiện nay, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP đã giải thích về cụm từ “giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp”. Sự dẫn chiếu tới các pháp luật chuyên ngành như Nghị định giải thích sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện khi có nhu cầu.
Tuy nhiên, thời gian qua tại một số tỉnh, thành phố khi áp dụng các quy định này đang không giống nhau, cụ thể:
(1) Có tỉnh, thành phố cho rằng địa điểm hợp pháp này phải là địa điểm “đất” được Nhà nước giao sử dụng cho mục đích tôn giáo và không thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai. Một số tỉnh, thành phố khác lại hiểu và áp dụng theo quan điểm thứ nhất, ngoài ra, còn cho rằng có đất, nhà ở, công trình mà tổ chức, cá nhân có quyền thuê, mượn hợp pháp theo quy định của pháp luật có liên quan.
(2) Một số địa phương chấp thuận cho thuê, mượn đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản,… làm địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung.
(3) Một số địa phương chấp thuận cho thuê, mượn địa điểm nhưng giấy tờ không hợp pháp.
Như vậy, có thể thấy cùng về một cụm từ được giải thích nhưng do cách tiếp cận về tôn giáo, cơ cấu tổ chức của các tổ chức tôn giáo, pháp luật về tôn giáo và pháp luật có liên quan chưa đúng phương pháp nên dẫn đến có cách hiểu và áp dụng khác nhau ở một số tỉnh, thành phố. Việc tiếp cận chưa chuẩn xác này sẽ dẫn đến áp dụng pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo chưa đúng, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như chưa thực hiện hết được quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
TS. Nguyễn Thị Định
Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Ban Tôn giáo Chính phủ
Chú thích:
1. Khoản 1, khoản 2 Điều 32 của Luật.