Gia Lai: Vận động tín đồ tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường
Ngày đăng: 29/11/2022
Tỉnh Gia Lai có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng- an ninh không chỉ đối với khu vực miền Trung, Tây Nguyên mà còn đối với cả nước. Dân số tỉnh Gia Lai có trên 1,5 triệu người với 44 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 44,75 %. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 5 tôn giáo được Nhà nước công nhận gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài và Baha’i với tổng số tín đồ hơn 417 ngàn người, chiếm khoảng 28% dân số toàn tỉnh.

Thời gian qua, các hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra tương đối ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật, theo đúng Hiến chương, Điều lệ của tổ chức tôn giáo đề ra và thực hiện theo đúng phương châm hành đạo gắn bó, đồng hành với dân tộc. Tín đồ các tổ chức tôn giáo an tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sống “tốt đời-đẹp đạo”, tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, trong đó phát huy vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu. Nguồn lực của các tổ chức tôn giáo cũng được phát huy để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Văn Nô, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Nô, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai việc phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo tỉnh trong việc bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu trong thời gian vừa qua.

Ông cho biết, tại Gia Lai, để cụ thể hóa Chương trình phối hợp của Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký kết chương trình phối hợp với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đến nay, tùy theo đặc điểm của từng tôn giáo đã có những hoạt động phù hợp và thiết thực như mô hình hàng rào xanh, con đường hoa; tuyến đường không rác; tổ chức tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, nơi công cộng, nơi thờ tự sau các buổi lễ để môi trường xanh, cảnh quang sạch đẹp, vận động gia đình đào hố rác, nhà nhà vệ sinh, sử dụng nước sạch, ông Nô cho biết thêm.

Qua thời gian triển khai thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực. Toàn tỉnh hiện có trên 900 mô hình tự quản về bảo vệ môi trường, trong đó nhiều mô hình được tổ chức với sự tham gia tích cực của các tổ chức tôn giáo và được sử hưởng ứng nhiệt tình của toàn thể tín đồ các tôn giáo. Tại các mô hình điểm này, những tổ tự quản bảo vệ môi trường được lập ra để giữ gìn vệ sinh trên địa bàn dân cư.

Tại các khu dân cư, cam kết bảo vệ môi trường được các tổ chức tôn giáo thực hiện nghiêm túc để vận động các tín đồ, phật tử và nhân dân hưởng ứng thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như phân loại rác thải, không vứt rác bừa bãi, nói không với túi nilon, rác thải nhựa, tích cực tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, giữ gìn cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp,...

Đặc biệt, thông qua các sinh hoạt của các tổ chức tôn giáo đã triển khai tuyên truyền lồng ghép các nội dung về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, bảo vệ môi trường, vận động các tín đồ tôn giáo hưởng ứng các chương trình của chính quyền các cấp. Từ những mô hình điểm đã góp phần làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của đồng bào các tôn giáo và cộng đồng trong bảo vệ môi trường sống.

Điển hình như hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) và chính quyền các cấp, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động như trồng cây, dọn dẹp vệ sinh cơ sở thờ tự, giữ gìn môi trường xung quanh. Hưởng ứng Chương trình “1 tỉ cây xanh”, các chùa và phật tử trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã ra quân tham gia trồng hàng nghìn cây xanh ở khuôn viên chùa, trong vườn cây và ở các nơi công cộng.

http://www.phatgiaogialai.vn/Upload/images/f44ea7d61db8e2e6bba9.jpg

Lễ thả cá giống do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tổ chức

Bên cạnh đó, GHPGVN tỉnh cũng ký kết với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo đó, hàng năm thực hiện thả hàng trăm nghìn con cá giống các loại xuống các hồ trên địa bàn tỉnh. Đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, không chỉ tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản tự nhiên đang ngày càng bị khai thác cạn kiệt mà còn giúp làm sạch nguồn nước, bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Hay như Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) tại Gia Lai đã tham gia ký kết Chương trình về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2017. Thực hiện chương trình phối hợp trên, Ban Đại diện Tin Lành tỉnh đã tuyên truyền, vận động các tín hữu của mình chủ động trong việc cập nhập các kiến thức về bảo vệ môi trường, gương mẫu hành động tại ngay chính gia đình mình như phân loại rác, vứt rác đúng nơi quy định, trồng nhiều cây xanh, hàng rào hoa tại nơi ở, cơ sở thờ tự tôn giáo.

Bên cạnh việc tham gia tích cực vào công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, các tổ chức tôn giáo và bà con tín đồ tổ chức nhiều chương trình từ thiện, ủng hộ, tặng quà cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân nghèo, trẻ em khuyết tật,… Đặc biệt trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã đồng hành cùng chính quyền địa phương, đóng góp vào công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và được lãnh đạo tỉnh ghi nhận những đóng góp đầy ý nghĩa này, Phó Trưởng ban Nguyễn Văn Nô khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Nô, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo tỉnh (thứ 4 từ phải sang) tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích đóng góp tích cực trong công tác phòng-chống dịch Covid-19 cho Ban Đại diện Tin Lành tỉnh

Thanh Mai