Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống
Ngày đăng: 09/08/2023
Việt Nam có các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương và quốc gia. Các lễ hội từ quy mô quốc gia đến phạm vi làng xã đều được tổ chức trang trọng, linh thiêng, thành kính, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân. Nhằm khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các địa phương, ban tổ chức lễ hội tiến hành hoạt động cải thiện và tăng cường chất lượng công tác quản lý lễ hội truyền thống; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân, ngày 03/8/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL ban hành “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”.

Bộ tiêu chí được ban hành phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước, góp phần cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở cơ sở. Qua Bộ tiêu chí, các địa phương xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội; từng bước loại bỏ những hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu; đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội.

Việc ban hành Bộ tiêu chí là cơ sở để ban tổ chức lễ hội địa phương áp dụng thống nhất các giải pháp trong tổ chức, thực hiện các hoạt động nhằm xây dựng môi trường văn hóa lễ hội. Đây là định hướng để ban tổ chức chuẩn hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, là thước đo để đánh giá năng lực quản lý cũng như tính hiệu quả của công tác tổ chức hoạt động lễ hội tại địa phương. Cũng như việc cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội là một giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả trong việc tổ chức các hoạt động lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bài trừ các hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn trong lễ hội.

Nội dung Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống có 09 nhóm tiêu chí chung về: 1/ Công tác quản lý nhà nước về lễ hội chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; 2/ Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đáp ứng yêu cầu tổ chức lễ hội; 3/ Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống cháy, nổ; vệ sinh an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường; phòng, chống dịch bệnh; 4/ Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí vui tươi, lành mạnh đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân; 5/ Bố trí các khu dịch vụ đảm bảo mỹ quan di tích, lễ hội; tổ chức hoạt động dịch vụ an toàn, thuận tiện cho người dân, du khách khi tham gia hoạt động lễ hội; 6/ Các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại di tích, lễ hội cam kết tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ công cộng; quy định của ban tổ chức lễ hội về thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa; 7/ Quan hệ giao tiếp, ứng xử của các chủ thể quản lý và người tham gia trong hoạt động lễ hội bảo đảm văn minh, văn hóa; 8/ Tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về di tích, lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh; nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú; 9/ Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Bài trừ các hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực, các hành vi phản cảm trái thuần phong, mỹ tục dân tộc trong hoạt động lễ hội.

Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí còn có 9 tiêu chí cụ thể, quy định trách nhiệm thực hiện cho cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; ban tổ chức lễ hội; cơ sở cung ứng dịch vụ; người tham gia lễ hội, gồm: 1/ Tiêu chí về quản lý, tổ chức gồm các nội dung: công tác quản lý nhà nước về lễ hội chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức lễ hội; các lễ hội khi tổ chức phải thành lập ban tổ chức; có chương trình, kịch bản được phê duyệt; tổ chức thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi lễ hội kết thúc; sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội sau khi kết thúc; 2/ Tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị gồm các nội dung: bố trí, sắp xếp khu dịch vụ (hàng quán, bãi gửi xe…) đảm bảo thuận tiện, phù hợp với không gian di tích, lễ hội; bố trí khu sắp lễ, khu đón tiếp khách; khu viết sớ; khu hóa vàng mã… thuận tiện, phù hợp với không gian di tích, lễ hội; bố trí lực lượng; có phương án sơ cứu, cấp cứu y tế cho người dân, du khách khi tham gia lễ hội; bố trí, sắp xếp hòm công đức, nơi tiếp nhận, ghi sổ công đức phù hợp, thuận tiện; có các sơ đồ, bảng, biển hướng dẫn người dân, du khách; có hệ thống loa truyền thanh tuyên truyền trong di tích, lễ hội; 3/ Tiêu chí về đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội: bố trí lực lượng an ninh, trật tự; thường xuyên túc trực làm nhiệm vụ khi tổ chức lễ hội; khuyến khích việc lắp đặt hệ thống phương tiện camera giám sát an ninh trong di tích, lễ hội; bố trí phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại di tích, lễ hội; phân luồng giao thông ra, vào lễ hội; bố trí bến bãi giữ xe, phương tiện giao thông thuận tiện; 4/ Tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường gồm các nội dung: thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh theo quy định của pháp luật; thực phẩm bày bán được bảo quản đúng cách, thường xuyên được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; sản phẩm bày bán đảm bảo rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng; bố trí khu vệ sinh đảm bảo thuận tiện phù hợp với di tích, lễ hội; trang bị hệ thống thu gom, chứa rác thải; phân loại, xử lý rác thải; rác thải thường xuyên được thu gom, được bỏ vào nơi quy định, không xả rác bừa bãi; 5/ Tiêu chí về tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí gồm các nội dung: chương trình, kịch bản, kế hoạch tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt; nội dung các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí phải vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán văn hóa vùng, miền, dân tộc; 6/ Tiêu chí về tổ chức các hoạt động dịch vụ gồm các nội dung: cơ sở cung ứng dịch vụ tại di tích, lễ hội được bố trí sắp xếp thuận lợi, phù hợp, không lấn chiếm khuôn viên di tích, lễ hội: cơ sở cung ứng dịch vụ có cam kết: bán đúng mặt hàng, đúng giá; không chèo kéo, ép khách sử dụng dịch vụ; niêm yết giá công khai; không bày bán sản phẩm có tính bạo lực, phản cảm; hàng giả, không rõ nguồn gốc; động vật hoang dã quý hiếm, các loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng; chủ cơ sở cung ứng dịch vụ có hành vi thái độ ứng xử văn minh, lịch sự; 7/ Tiêu chí về ứng xử văn hóa khi tham gia hoạt động lễ hội gồm các nội dung: có hành vi, thái độ đúng chuẩn mực, nhiệt tình, trách nhiệm, lề lối, tác phong làm việc văn minh, lịch sự; có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sạch, đẹp; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; thắp hương, hóa vàng mã đúng nơi quy định; trang phục lịch sự, gọn gàng; không nói tục, xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của di tích, lễ hội; không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật; không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội; 8/ Tiêu chí về công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, lễ hội gồm các nội dung: đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền: trên hệ thống loa phát thanh, bảng, biển và các hình thức tuyên truyền khác; thời gian tuyên truyền: thực hiện thường xuyên trước, trong và sau khi lễ hội kết thúc; tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, giá trị lịch sử văn hóa di tích, lễ hội; tuyên truyền những quy định của Ban Tổ chức về thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội; hướng dẫn người dân và du khách đặt tiền lễ, tiền giọt dầu đúng nơi quy định; không ném thả tiền xuống ao, hồ, giếng, cài tiền lên tay tượng, Phật và các hành vi vi phạm quy định về sử dụng tiền tệ; tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại nơi tập trung đông người; có thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tham gia lễ hội; 9/ Tiêu chí về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội gồm các nội dung: bảo tồn, phục dựng bản sắc văn hóa truyền thống địa phương, vùng, miền, dân tộc; phát huy vai trò của nghệ nhân, người dân, người nắm giữ di sản trong việc trao truyền, gìn giữ, thực hành giá trị văn hóa truyền thống; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống tại lễ hội.

Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống giao cho Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai Bộ tiêu chí đảm bảo phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế, văn hóa - xã hội địa phương; thí điểm, nhân rộng mô hình tổ chức lễ hội đảm bảo thực hiện Bộ tiêu chí; hằng năm tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện Bộ tiêu chí, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch qua Cục Văn hóa cơ sở. Trong quá trình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch qua Cục Văn hóa cơ sở để tổng hợp, nghiên cứu xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Nguyễn Xuân