Yên Bái: Nhiều chuyển biến về công tác dân tộc, tôn giáo
Ngày đăng: 28/08/2018Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, tôn giáo; qua đó góp phần vào sự ổn định và phát triển của địa phương…
Theo đó, trên cơ sở sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao, với quyết tâm chính trị cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo.
Về công tác dân tộc, toàn tỉnh có 30 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 55,5%. Xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân tộc vào Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh; ban hành các nghị quyết, đề án, chính sách đặc thù trên tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng đảng, hệ thống chính trị đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, Yên Bái đã huy động nguồn lực đầu tư, hỗ trợ vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh trên 8.670 tỷ đồng. Công tác an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiếu số được quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh, nhất là tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, bình quân năm 2016 - 2017 giảm trên 7,7%/năm, cao hơn nhiều so với tỷ lệ giảm nghèo chung của toàn tỉnh là 5,12%. Tỉnh Yên Bái cũng đã triển khai thực hiện thành công Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, giúp con em đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tốt hơn để nâng cao chất lượng học tập. Qua hơn 2 năm thực hiện Đề án đã đưa được 7.690 em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số từ hơn 250 điểm trường lẻ về điểm trường chính để có điều kiện tốt nhất trong học tập, sinh hoạt. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc được chú trọng. An ninh dân tộc được đảm bảo. Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được thực hiện tốt.
Đối với công tác tôn giáo, hiện tỉnh Yên Bái có 3 tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận là Phật giáo, Công giáo và Tin Lành, với tổng số trên 74.240 tín đồ, chiếm hơn 9% dân số toàn tỉnh. Để thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU ngày 25/8/2016 về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tín ngưỡng, tôn giáo tỉnh Yên Bái đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, vận động thực hiện các quan điểm, chủ trương chính sách về tôn giáo của Đảng, Nhà nước được quan tâm chú trọng. Công tác xây dựng lực lượng cốt cán và người có uy tín trong tôn giáo được quan tâm. Nhờ vậy, hoạt động của các tổ chức tôn giáo ở tỉnh Yên Bái đã đáp ứng được nhu cầu tinh thần của nhân dân có đạo. Đến nay, hầu hết các tổ chức tôn giáo đều hoạt động theo quy định của pháp luật, có nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của nhà nước, vận động tín đồ phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo. Chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo trong hành đạo đều chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, giữ gìn an ninh trật tự, hướng thiện sống tốt đời, đẹp đạo.
Với mục tiêu giữ vững ổn định, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện và nâng cao mức sống cho người dân, xây dựng và củng cố lòng tin trong nhân dân; giải quyết tốt các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung mạnh mẽ các nguồn lực cho giảm nghèo bền vững và lồng ghép có hiệu quả với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xác định rõ các nguyên nhân gây ra đói nghèo để tập trung giải quyết. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng trong đồng bào tôn giáo; tập trung giải quyết tốt mối quan hệ với các chức sắc, giáo dân, hướng các tín đồ tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”, kiên quyết không để đạo lạ xâm nhập vào địa bàn./.
Theo cpv.org.vn