Xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích
Ngày đăng: 27/09/2018Thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, mấy năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Việc làm trên thiết thực giảm gánh nặng cho ngân sách, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
Khang trang những công trình
Ngày 21-9 vừa qua, UBND xã Ninh Sơn (Việt Yên) tổ chức khánh thành đình Nội Ninh, thu hút rất đông người dân đến dự. Có mặt tại đây, ông Đoàn Văn Dương, thôn Ninh Sơn cho biết rất vui vì đình được tu bổ khang trang, to đẹp, là nơi sinh hoạt cộng đồng của nhân dân địa phương.
Sau hơn một năm thực hiện, ngôi đình đã hoàn thành, quy mô gồm 5 gian tiền tế và 2 gian hậu cung. Tổng kinh phí tu bổ đình hơn 16 tỷ đồng chủ yếu từ nguồn ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp. Ông Đoàn Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn phấn khởi: Lúc đầu chúng tôi không nghĩ nhân dân lại tích cực ủng hộ như vậy. Ngay khi phát động, các gia đình, dòng họ đều tham gia ủng hộ xây dựng đình. Nhiều con em địa phương công tác ở nơi xa cũng gửi tiền về đóng góp.
Trước đó, tại xã Hương Lạc (Lạng Giang), Ban quản lý chùa Đại Lại cũng huy động người dân tham gia tu sửa chùa. Điều đáng ghi nhận là toàn bộ kinh phí tu bổ (hơn 1 tỷ đồng) đều do nhân dân đóng góp. Theo cụ Chu Văn Thành, Phó trưởng Ban quản lý di tích, nhân dân rất tích cực tham gia ủng hộ việc tu bổ, tôn tạo công trình. Nhờ đóng góp của nhân dân, đến nay cả đình và chùa Đại Lại đều được tu bổ khang trang.
Thống kê của Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, mỗi năm toàn tỉnh có 20-30 di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo. Tiêu biểu như đình Nội Ninh, xã Ninh Sơn (Việt Yên); chùa Xuân Biểu, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa); chùa An Hà, xã An Hà; chùa Đại Lại, xã Hương Lạc (Lạng Giang)... |
Có mặt tại khu vực đình, chùa ngày 20-9, toàn bộ hệ thống tiền tế, hậu cung được xây dựng kiên cố. Phần khung và mái được làm bằng gỗ quý hiếm. Từ lâu, nơi đây đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư; tôn vinh, khen thưởng con em địa phương có thành tích trong học tập. Đáng chú ý, trong khuôn viên đình, chùa còn xây nhà thờ 21 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến.
Công khai, dân chủ
Theo đánh giá của Bảo tàng tỉnh, việc huy động sức dân tu bổ, tôn tạo di tích đã xuất hiện hơn chục năm trước, gần đây, mức huy động được nhiều và tập trung hơn. Nếu năm 2004, người dân toàn tỉnh chỉ đóng góp được hơn 3 tỷ đồng thì năm 2016, năm 2017, mỗi năm số tiền lên gần 40 tỷ đồng.
Thực tế, địa phương nào có di tích cũng triển khai công tác xã hội hóa kinh phí để tu bổ, tôn tạo. Nổi bật là các huyện: Việt Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lục Ngạn. Kinh nghiệm từ các địa phương cho thấy, để nhân dân tích cực ủng hộ, đóng góp, việc huy động phải công khai, dân chủ. Trước khi tu bổ phải xin phép các cơ quan có thẩm quyền.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, trong quá trình huy động, đa số các địa phương đều thành lập ban vận động và giám sát. Quá trình thi công, ban giám sát kiểm tra từ nguồn nguyên liệu đến khi thực hiện. Cùng với huy động sức dân, con em làm ăn xa, nhiều địa phương còn vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đóng trên địa bàn ủng hộ. Ông Trần Văn Lợi, chủ một doanh nghiệp có trụ sở ở huyện Việt Yên ủng hộ đình Nội Ninh cho biết: “Được ủng hộ một phần công sức xây dựng công trình chúng tôi thấy phấn khởi và hãnh diện”.
Theo ông Nguyễn Sỹ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc huy động sức dân tu bổ tôn tạo di tích là cần thiết, song các địa phương phải chú trọng quản lý, sử dụng kinh phí, tránh lãng phí, thất thoát và chi sai. Sau khi tu bổ, quan tâm làm tốt công tác quản lý để phát huy giá trị của di tích, nhất là trong giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho người dân.
Theo Báo Bắc Giang