Tưởng niệm 730 năm ngày mất của Nguyên Từ Quốc Mẫu
Ngày đăng: 07/11/2018
Sáng 5/11/2018 (28.9 âm lịch), Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc phối hợp với UBND xã Hưng Đạo (Chí Linh) tổ chức lễ tưởng niệm 730 năm ngày mất của Nguyên Từ Quốc Mẫu - Thiên Thành Thái Trưởng công chúa (1288-2018).

Lễ tưởng niệm diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống. Nhân dân 3 thôn Dược Sơn, Bắc Đẩu, Vạn Yên (xã Hưng Đạo) tổ chức lễ rước bộ từ đền, chùa Nam Tào và đền Bắc Đẩu xuống đền Kiếp Bạc. Đoàn rước với đội rồng, đội cờ, nghi trượng, kiệu, lễ phẩm cùng các đại biểu và nhân dân tiến lễ vào đền. Ban tổ chức làm lễ dâng hương. Sau lễ rước bộ là lễ tưởng niệm 730 năm ngày mất của Nguyên Từ Quốc Mẫu. Kết thúc buổi lễ, đội tế làm lễ tế tạ, thể hiện sự thành kính, tri ân đối với công lao to lớn của đức quốc mẫu, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi... 

Trước đó vào chiều ngày 4/11, đoàn lãnh đạo tỉnh gồm có ông Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã về dâng hương tại đền Kiếp Bạc, tưởng niệm công lao to lớn của Quốc Mẫu. Tối cùng ngày, Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc tổ chức diễn xướng hầu thánh mừng tiệc Quốc Mẫu tại sân đền Kiếp Bạc. Hàng nghìn người dân và du khách thập phương đã về tham dự các sự kiện này.

Đoàn rước bộ tiến vào đền chuẩn bị làm Lễ tưởng niệm Nguyên Từ Quốc Mẫu

Nguyên Từ Quốc Mẫu là con gái trưởng của vua Trần Thái Tông. Bà sánh duyên với Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn vào năm 1251 và cùng chồng đồng cam cộng khổ, chăm lo việc nước, tham gia kháng chiến. Vào các năm 1285, 1288, quân Nguyên Mông kéo sang xâm lược nước ta, Quốc Mẫu được vua Trần giao trực tiếp quản lý, hướng dẫn các gia đình quý tộc đi lánh nạn và vận động nhân dân thực hiện “vườn không nhà trống” nhằm tiêu hao sinh lực địch. Tại đại bản doanh Vạn Kiếp, Quốc Mẫu phụ trách hậu cần, lo việc quân lương, tổ chức sản xuất, tận dụng địa thế núi rừng, sông ngòi hiểm yếu để phòng bị, tích trữ lương thảo, khí giới phục vụ quân doanh... Tại Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo đã giao cho phu nhân trực tiếp chỉ đạo trồng vườn thuốc nam trên núi Dược Sơn, giúp chữa bệnh, trị thương cho nhiều binh sĩ...

Theo baohaiduong.vn