Khắc phục xâm hại di tích
Ngày đăng: 22/01/2019Một thời gian dài, di tích Ngũ Hành Sơn bị xâm hại nghiêm trọng và các ngành chức năng mất nhiều thời gian để khắc phục. Khi Ngũ Hành Sơn được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt sẽ có lá chắn để bảo vệ di tích này theo đúng Luật Di sản văn hóa.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa-Thể thao thành phố, di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn bị xâm hại trong thời gian dài. Từ năm 1980, dù đã được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia, Ngũ Hành Sơn vẫn bị xâm hại nghiêm trọng.
Ngoài những tác động của thiên nhiên xâm thực, di tích này phải đối mặt với sự khai thác quá mức của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước. Nhận thấy tình trạng đó, lúc bấy giờ, UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã có nhiều biện pháp khắc phục quyết liệt.
Năm 1991, UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng có chủ trương cấm khai thác đá núi Non Nước; năm 1992, ban hành Quyết định số 563/QĐ-UB ngày 17-2-1992 về việc thành lập đội bảo vệ di tích Ngũ Hành Sơn. Đến năm 1999, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 24/1999/QĐ-UB ngày 23-2-1999 về việc cho phép thành lập Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn…
Tuy nhiên, những năm tiếp theo, công tác bảo tồn tại di tích Ngũ Hành Sơn chưa được chú trọng. Đơn cử như việc phục dựng hai trụ cửa điêu khắc Chăm bằng sa thạch trên đường lên chùa Tam Thai vào năm 2015 làm mất yếu tố gốc; việc đặt thang máy ngay cạnh ngọn Thủy Sơn đã phá vỡ cảnh quan tự nhiên của khu danh thắng…
Trước thực trạng đó, một lần nữa các ngành chức năng vào cuộc để chấn chỉnh. Với sự tham mưu của Sở VH-TT, năm 2018, UBND thành phố ban hành Quyết định số 4526/QĐ-UBND ngày 8-10-2018 về việc đổi tên Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn thành Ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao, việc thay đổi tên gọi này đã nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của Ban Quản lý, bởi họ không phải đang quản lý “khu du lịch” mà là quản lý “di tích” mang tầm quốc gia.
Đại diện Ban Quản lý Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết thêm, từ năm 2017, Ban Quản lý đã tập trung giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa hiện hữu, chống các hành vi làm xâm hại di tích; thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp về công tác quản lý, bảo vệ di tích; đồng thời thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa đến viên chức, người lao động và nhân dân chung quanh.
Qua đó, đơn vị thực hiện công tác quản lý di tích bảo đảm theo luật hiện hành, nhất là Luật Di sản văn hóa và đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng”.
Ban Quản lý cũng cùng các chùa trong khu di tích và các tổ chức, cá nhân thống kê, sưu tầm, tổng hợp các tài liệu liên quan đến di vật, cổ vật hiện hữu tại khu di tích, định kỳ kiểm tra hiện trạng, cùng có trách nhiệm trong việc bảo quản và gìn giữ hiện vật; kiểm soát việc xây dựng của các cơ sở tôn giáo trong khu di tích; phối hợp với UBND phường Hòa Hải xử lý xây dựng trái phép tại chùa Linh Sơn; làm việc với chùa Quán Thế Âm trong việc phối hợp bảo đảm an ninh trật tự.
Hằng ngày, một tổ trực tuần tra đều đi quanh khu danh thắng để nắm bắt tình hình và có hướng xử lý kịp thời các trường hợp xâm phạm di tích, nhất là trường hợp vô ý thức viết, vẽ bậy lên vách đá; đội ngũ hướng dẫn viên cũng tăng cường thuyết minh, giới thiệu giá trị của di tích, đặc biệt hiện vật còn lưu lại tại các chùa, các động...
“Lá chắn” bảo vệ di tích
Ông Huỳnh Văn Hùng nói rằng, khi di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, từ nay, có thêm “lá chắn” để bảo vệ di tích này khỏi sự xâm hại. Ông Hùng kể, gần đây, những người làm văn hóa vừa mừng, vừa lo khi có một đối tác nước ngoài muốn đầu tư công viên văn hóa, lịch sử Ngũ Hành Sơn.
Mừng vì sẽ tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn và phát huy di tích này; nhưng lo là nếu không quản lý tốt có nguy cơ di tích Ngũ Hành Sơn tiếp tục bị xâm hại.
Chính vì thế, khi Ngũ Hành Sơn được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt thì căn cứ Nghị định số 166/2018QĐ-CP ngày 25-12-2018 của Chính phủ, sau khi công bố quyết định, thành phố Đà Nẵng phải lập Quy hoạch tổng thể di tích, gửi Bộ VH-TT&DL chủ trì thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Căn cứ quy hoạch này, địa phương kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Đối với những xâm hại trước đây, ngành văn hóa sẽ làm việc lại với quận chủ quản để từng bước khắc phục, bảo đảm sự hài hòa với cảnh quan di tích.
“Trong thực tế, di sản rất cần du lịch, có du lịch thì di tích, di sản mới sinh động và có điều kiện tôn tạo lại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, cũng có sự xung đột, vì bảo tồn di tích mà hạn chế sự phát triển kinh tế; ngược lại, một số nơi quá chú trọng đến phát triển kinh tế, làm đề án, dự án xâm hại di tích. Quan điểm của ngành văn hóa là nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di tích văn hóa, lịch sử và nhiệm vụ phát triển kinh tế phải gắn kết với nhau để có sự phát triển bền vững”, ông Huỳnh Văn Hùng bày tỏ.
Theo Ngọc Hà (Baodanang.vn)