Hoà Bình: Nghiên cứu phát triển du lịch tâm linh núi Viên Nam
Ngày đăng: 17/10/2018
Nhiều năm nay, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) đã kêu gọi đầu tư cho du lịch tâm linh. Đây là Huyện nhiều tiềm năng cảnh quan, yếu tố lịch sử để phát triển loại hình du lịch này.

Hiện nay, nhu cầu đời sống của được nâng lên, việc tín ngưỡng, tôn giáo luôn được chú trọng. Nhiều công ty du lịch lữ hành đã và đang đầu tư vào lĩnh vực du lịch tâm linh. Du lịch tâm linh không chỉ đơn thuần là hoạt động hành hương, tôn giáo tín ngưỡng thuần túy mà còn là động lực thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Đó cũng là cách thức để thế hệ hôm nay bày tỏ sự tưởng nhớ đối với công lao của các bậc tiền bối. 

Du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần. Do đó, việc sử dụng có trách nhiệm và bền vững các giá trị văn hóa và tự nhiên trong phát triển du lịch tâm linh sẽ mang lại cơ hội việc làm, tạo thu nhập cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi địa phương, mỗi quốc gia cũng như toàn nhân loại. Mô hình du lịch này hiện đang rất phát triển tại nhiều địa phương của nước ta như Chùa Bái Đính (Ninh Bình); Chùa Báo Quốc (Thừa Thiên - Huế); Chùa Hương (Hà Nội); Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử ....

Hầu hết các địa phương ở nước ta đều có những điểm du lịch tâm linh như: đền Hùng (Phú Thọ), chùa Hương (Hà Nội), chùa Bái Đính và nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên-Huế), núi Bà Đen và Thánh thất Cao Đài (Tây Ninh… Một trong những tỉnh đi đầu và thành công trong loại hình du lịch này là chùa Bái Đính (Ninh Bình), ở đây người dân địa phương được chủ động tham gia vào các hoạt động phục vụ khách du lịch tại các điểm du lịch tâm linh: cáp treo, chèo đò, xích lô, bán hàng lưu niệm, hướng dẫn, tiêu thụ sản vật địa phương, phục vụ ăn uống… mang lại nguồn thu đáng kể.

Nhiều năm qua huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đã có những chính sách ưu đãi kêu gọi thu hút đầu tư loại hình du lịch này. Là huyện có nhiều tiềm năng cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, giàu yếu tố lịch sử, hội tụ ba yếu tố cơ bản để phát triển du lịch: Tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, cơ chế chính sách cần phải điều chỉnh cho phù hợp với hội nhập; là cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, có đường cao tốc Láng - Hòa Lạc kéo dài đi qua lên thành phố Hòa Bình kết nối với các khu du lịch trọng điểm quốc gia: Hồ Hòa Bình, bản Lác Mai Châu và Mộc Châu tỉnh Sơn La. Vào cuối năm 2017, huyện Kỳ Sơn đã tổ chức thành công “Hội thảo Khoa học lịch sử cuộc khởi nghĩa chống Pháp do Tổng Kiêm- Đốc Bang lãnh đạo vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”, được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử của Trung ương và địa phương tham dự. Đặc biệt có nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Viện Lịch sử Đảng - Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu Lịch sử &Văn hóa Việt Nam; Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; Viện Sử học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cùng Hội Sử học tỉnh Hòa Bình... Qua Hội thảo Khoa học lịch sử này không chỉ là tri ân các danh nhân mà còn là tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau thông qua chương trình liên kết phát triển du lịch tâm linh giữa các điểm du lịch tâm linh và các điểm du lịch khác mỗi chương trình tour đồng thời thỏa mãn các nhu cầu thưởng ngoạn, thư giãn và tín ngưỡng sẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, làm mới diện mạo du lịch của huyện nhà.

Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã cho thấy sự quan tâm của Việt Nam trước sự phát triển của loại hình du lịch này. Trong quá trình phát triển du lịch tâm linh phải luôn gắn với phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan để du khách có thể cảm nhận được nét đẹp văn hóa của con người ở vùng đất đó. Bên cạnh đó, phải có sự tham gia của chính người dân địa phương trong việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị di sản văn hóa của địa phương, tạo sự kết nối để hình thành các tuyến du lịch tâm linh chuyên đề tạo ra những trải nghiệm hết sức ấn tượng cho du khách.

Theo: infonet.vn